Quảng Bình: Vụ hè thu được mùa chạy ‘kép”

Quảng Bình: Vụ hè thu được mùa chạy ‘kép”

09:06 - 11/09/2021

Xác định là vụ hè thu được mùa và người dân Quảng Bình cũng đang chạy đua “kép” với chống dịch Covid-19 và phòng chống mưa bão số 5…

 

Quy định về một chỉ tiêu kháng sinh của Nhật Bản nghiêm gấp 10 lần thị trường khác, doanh nghiệp thủy sản Việt lo ngại
Giá lợn hơi tiếp tục diễn biến tốt, đã có địa phương lên mức 64.000 đồng/kg
Bảo vệ lúa hè thu trước nắng hạn và xâm nhập mặn
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu
Trồng rừng cây gì mà một ông nông dân Cà Mau thành tỷ phú

Vụ hè thu năm nay, Quảng Bình được mùa lớn. Vào cuối vụ, nhìn bông lúa chín vàng trên đồng ai cũng mừng phấn khởi. Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình cho hay: “Các lực lượng hỗ trợ và nông dân đang chạy đua chủ động chống dịch và vượt mưa lũ để đưa hạt lúa về nhà an toàn”.

Quân, dân cùng xuống ruộng…

Huyện Bố Trạch được xác định là “vùng đỏ” do dịch Covid-19. Vì vậy, trên 2.600 ha lúa hè thu chín rộ vàng đồng mà nông dân các địa phương đang thực hiện phong tỏa không ra đồng được. Để giúp dân, các mô hình hỗ trợ thu hoạch lúa trong mùa dịch được khẩn trương triển khai thực hiện.

Lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Bố Trạch hỗ trợ thu hoạch mùa cho bà con vùng đang thực hiện phong tỏa. Ảnh: Th.Sơn

Lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Bố Trạch hỗ trợ thu hoạch mùa cho bà con vùng đang thực hiện phong tỏa. Ảnh: Th.Sơn

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, đã huy động 35 máy gặt liên hợp và giao cho Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện điều tiết để gặt lúa theo kiểu cuốn chiếu cho từng cánh đồng, vùng ruộng.

Ở nơi có các ca F0, xã thành lập tổ điều phối thu hoạch lúa ở các xã, thôn bản. Tổ này sắp xếp máy gặt, địa điểm gặt, hộ được gặt. Trong đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện cùng với máy gặt triển khai.

Ông Tuấn nói: “Với phương châm gặt cuốn chiếu, máy đến ruộng nhà ai, gặt nhà đó. Tổ điều phối thông báo đến hộ gia đình, mang bao ra để ở chân ruộng, sau khi gặt xong, lúa được tình nguyện viên đưa về đến ngõ, chủ nhà ra đưa về phơi. Vì vậy mà vụ lúa được mùa, thu hoạch nhanh”. 

Tại xã Vạn Trạch, nơi có diện tích lúa hè thu lớn của huyện Bố Trạch. Xã đã huy động 2 máy gặt liên hợp và 30 đoàn viên thanh niên, dân quân luân phiên trong mấy ngày qua và đã hoàn thành 40 ha ở thôn Rẫy bị phong tỏa nghiêm ngặt vì có ca F0. Đoàn viên, thanh niên và dân quân tự vệ  gặt xong lúa chuyển vào tận nhà cho bà con đều tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh. 

Lực lượng công an gặt lúa giúp dân. Ảnh: H.G

Lực lượng công an gặt lúa giúp dân. Ảnh: H.G

Các địa phương trong huyện Quảng Ninh cũng đang chạy đua với thời gian để thu hoạch lúa. Ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho hay, toàn huyện gieo cấy gần 3.470 ha. Hiện nay đã thu hoạch xong hơn 90% diện tích với năng suất đạt trên 50 tạ/ha.

“Nhiều địa phương có năng suất vượt trội gần 60 tạ/ha, như các xã: An Ninh, Vĩnh Ninh…”.

Để giúp dân thu hoạch mùa trong thời gian thực hiện phong tỏa, các lực lượng thanh niên, hội viên nông dân, công an đã tổ chức về các địa phương gặt giúp dân. Vì vậy, các hộ gia đình đang thực hiện phong tỏa rất yên tâm và tiến độ thu hoạch mùa cũng đạt được”- ông Thuận chia sẻ.

Ôm lúa chạy trước bão đến

Mùa mưa lũ đang cận kề. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là các huyện đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 linh hoạt các biện pháp, huy động nhiều lực lượng, tranh thủ thời gian thuận lợi, thu hoạch nhanh, gọn lúa hè thu.

Lúa gặt đến đâu được lực lượng công an vận chuyển đưa về tận các hộ dân. ảnh: H.G

Lúa gặt đến đâu được lực lượng công an vận chuyển đưa về tận các hộ dân. ảnh: H.G

Vụ hè thu, xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) gieo cấy gần 400 ha lúa. Theo đánh giá, đây là một vụ mùa vượt trội với năng suất bình quân trên 52 tạ/ha.  Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã cho biết, do thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên tiến độ thu hoạch bị chậm lại. Hiện, toàn xã còn gần 24 ha lúa hè-thu chưa thu hoạch kịp, trong đó 15 ha bị ngập nặng, tập trung tại các thôn Thế Lộc, Hữu Tân.

Để hỗ trợ bà con nông dân, xã Tân Ninh huy động máy bơm để bơm tiêu nước. Đồng thời, động viên bà con tranh thủ thời gian chạy đồng cứu lúa. “Do mấy ngày ảnh hưởng bão số 5 nên có mưa lớn, đồng ruộng ngập nước, lúa bổ rạp. Vì thế, máy gặt không thể xuống đồng được. Chúng tôi huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân cơ động… tiến hành gặt tay chạy lũ giúp dân”- ông Nguyễn Văn Hoan chia sẻ thêm.

Tranh thủ tạnh mưa, bà con nông dân xã An Ninh gặt lúa chạy lũ. Ảnh: Th.Hoa

Tranh thủ tạnh mưa, bà con nông dân xã An Ninh gặt lúa chạy lũ. Ảnh: Th.Hoa

Tại cánh đồng các thôn Hữu Tân, Thế Lộc (Tân Ninh), trong cơn mưa trước bão số 5, nhiều bà con vẫn ra đồng. Nước do mưa lớn đã làm ngập đến gần bông lúa. Bà con vừa lội nước vừa gặt lúa bằng liềm. Người đi phía sau thì ôm bó lúa vừa gặt xong cho lên thuyền đẩy vào bờ. Trên bờ, xe công nông đợi sẵn chở lúa về sân và khi đóng lúa chất cao thì máy tuốt đưa đến vừa tuốt vừa quạt thóc.

Vừa ôm bó lúa chất lên xe công nông, nông dân Phan Văn Tuấn vuốt mồ hôi lẫn nước mưa trên mặt, ông nói: “Những ngày tới mưa tiếp tục lớn, nên bà con phải tranh thủ chạy đồng gặt lúa. Được bà con hỗ trợ giúp nhau trong thời điểm dịch dã, thiên tai này là thấy ổn rồi. Có thêm nhân lực để hôm nay giúp nhà này, ngày mai đến gia đình khác là vượt lũ đưa được hạt lúa về nhà”.

Đoàn viên thanh niên huyện Quảng Ninh hỗ trợ gặt lúa chạy lũ cho bà con. Ảnh: Th.Hoa

Đoàn viên thanh niên huyện Quảng Ninh hỗ trợ gặt lúa chạy lũ cho bà con. Ảnh: Th.Hoa

Xã An Ninh, vựa lúa lớn nhất huyện Quảng Ninh với diện tích lúa hè thu gần 830 ha. Ông Trương Văn Long, Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: “Đây là năm đầu tiên chúng tôi thực hiện vụ hè thu với diện tích tăng hơn 40 ha. Năng suất bình quân đạt trên 59 tạ/ha, đặc biệt thôn Thống Nhất đạt gần 62 tạ/ha. Coi như được mùa lớn”.

Thôn Thống Nhát có năng suất lúa cao nhất đang hối hả dốc hết sức lực vào vụ thu hoạch. Ở đây, nhiều hộ gia đình có diện lúa từ 1,5-2 ha. Phần lớn diện tích lúa bà con đã thu hoạch xong, chỉ còn lại một phần diện tích bị mưa làm ngập. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất đã huy động máy bơm hoạt động suốt ngày đêm để chống úng cho đồng ruộng chưa gặt.

Gặt lúa chạy mưa lũ ở xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh). Ảnh: N.Tâm

Gặt lúa chạy mưa lũ ở xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh). Ảnh: N.Tâm

Gia đình ông Nguyễn Đức Toản có hơn 2 ha lúa gặt cũng đã cơ bản xong. Ông bộc bạch: “Năm nay lúa được mùa lớn. Vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tiếp đến là mưa lũ, việc thu hoạch bị chậm lại. Nói chung là chi phí gặt lúa có tăng lên nhưng lúa về nhà an toàn là mừng hơn hết rồi”.

Chú trọng giống lúa chất lượng cao

Vụ hè thu năm nay tỉnh Quảng Bình gieo gần 16 nghìn ha lúa các loại. Nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất lúa cao. Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: ‘Năng suất lúa dự ước khoảng 52 tạ/ha, đạt cao nhất vụ hè thu từ trước đến nay, cao hơn vụ hè thu trước 5 tạ/ha. Hiện, toàn tỉnh còn khoảng 2.000 ha bà con đang khẩn trương thu hoạch”.

Lúa gặt chạy lũ được vận chuyển tập trung về sân máy tuốt. Ảnh: Th.Hoa

Lúa gặt chạy lũ được vận chuyển tập trung về sân máy tuốt. Ảnh: Th.Hoa

Cũng trong vụ hè thu này, Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã chỉ đạo sát sao các địa phương đưa các giống mới, chất lượng vào sản xuất. Ngoài các bộ giống chủ lực thì nhiều  bộ giống năng suất, chất lượng cũng đã được đưa vào.

Các giống chất lượng cao này đều cho năng suất vượt trội và kháng chịu được sâu bệnh nên người nông dân rất phấn khởi. Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Quảng Bình nhìn nhận: “Một số bộ giống chất lượng và năng suất cao, phù hợp cho cả hai vụ đông xuân và hè thu. Chúng tôi sẽ xem xét đưa vào cơ cấu cho những vụ tới. Qua đó, nâng diện tích gieo cấy giống chất lượng lên cơ bản để tăng năng suất, thu nhập cho bà con nông dân”.

 

 

 

Nguồn: Internet