‘4 nhà’ cùng xắn tay sản xuất lúa hữu cơ
20:42 - 26/09/2024
Hà Tĩnh Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC là doanh nghiệp đầu tiên tham gia liên kết sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
"4 nhà" cùng phấn khởi
Mặc dù không phải là địa phương có nhiều tiềm năng về sản xuất lúa gạo như các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, song 5 năm gần đây để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tập trung, tích tụ ruộng đất. Từ đó những cánh đồng liền vùng, liền thửa 20, 30, 50 ha tại các huyện Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc nhân lên theo từng mùa vụ.
Sau khi có đất, vai trò liên kết “4 nhà” phát huy thế mạnh. Đầu tiên là việc định hướng mục tiêu, xây dựng cơ chế chính sách của nhà nước, sau đó chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của nhà khoa học đến cung cấp vật tư, giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm của nhà doanh nghiệp và cuối cùng nhà nông trực tiếp tạo ra sản phẩm.
“Quá trình liên kết chúng tôi khuyến khích người dân sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, giảm phát thải. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm lúa gạo; giảm tác động đến môi trường và sức khỏe người sản xuất”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Từ vụ xuân năm 2023, Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tham gia liên kết sản xuất lúa hữu cơ tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên với diện tích 8 ha.
Theo ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, lúc bấy giờ, cánh đồng ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình sử dụng phương pháp mạ khay máy cấy bằng công suất lớn để xuống giống; quản lý cỏ dại bằng điều tiết nước trên đồng ruộng; bón phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học để cải tạo đất; bón các loại phân khoáng thay cho phân bón NPK; quản lý dịch hại bằng phương pháp tổng hợp, cấy đúng mật độ; sử dụng các loại thuốc thảo mộc phòng trừ sâu bệnh thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật...
Kết quả, gần 20 tấn lúa ST25 nông dân thu hoạch về được doanh nghiệp thu mua với giá 9.000 đồng/kg lúa tươi, cao hơn giá lúa thị trường 2.000 đồng/kg. Tiếp tục sản xuất thêm 3 vụ liên tục, đến tháng 7/2024 sản phẩm lúa hữu cơ của tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình và gạo ST25 của Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC được cấp chứng nhận là sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ. Các giấy chứng nhận này đều do Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận TQC CGLOBAL (Hà Nội) cấp theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017.
Vụ xuân năm 2024 là vụ thứ tư gia đình bà Trần Thị Khánh, ở thôn Bình Quang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ trên diện tích gần 7 sào. Năm nay, gia đình bà gieo cấy giống ST25, năng suất thu hoạch đạt hơn 3 tạ lúa tươi/sào. Trừ chi phí, lợi nhuận mỗi sào đạt hơn 1 triệu đồng, cao hơn sản xuất truyền thống khoảng 400 ngàn đồng.
Theo bà Khánh, bản thân bà và người dân rất phấn khởi bởi trước đây canh tác truyền thống với các giống lúa thường, thương lái chỉ thu mua được từ 5.000 - 6.000 đồng/kg lúa tươi nhưng khi chuyển đổi sản xuất hữu cơ, giống lúa chất lượng cao, doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua với giá 9.000 đồng/kg (diện tích đang trong giai đoạn chuyển đổi) và giá 12.000 đồng/kg với diện tích đã được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Theo kế hoạch liên kết, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh hỗ trợ 40% kinh phí về vật tư phân bón; 100% kinh phí tư vấn hướng dẫn, đào tạo tập huấn; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật thực hành tại đồng ruộng; phân tích mẫu đất, nước; khảo sát, đánh giá lựa chọn vùng sản xuất. Còn Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC hỗ trợ trả chậm giống, phân bón đối ứng sau khi công ty thu mua sản phẩm cho bà con; đồng thời cung cấp dịch vụ mạ khay máy cấy cho người dân có nhu cầu.
Chung phấn khởi, ông Nguyễn Đức Viết, 72 tuổi, trú thôn Tây Hương, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc chia sẻ, vụ hè thu năm 2024, thông qua nguồn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, ông và 19 hộ dân khác trong thôn liên kết với Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC chuyển đổi năm đầu tiên sản xuất giống lúa Bắc Thịnh theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Giai đoạn đầu triển khai, bà con còn nhiều băn khoăn, lo ngại năng suất giảm do không được phun thuốc BVTV, chỉ bón phân hữu cơ nhưng sau khi lúa chín vàng cả cánh đồng thì ai ai cũng vui mừng như “mở cờ trong bụng”.
“7 sào ruộng của nhà tôi thu hoạch được hơn 2 tấn lúa tươi. Giá công ty thu mua là 9.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt trên dưới 19 triệu đồng. Quan trọng, chúng tôi làm được lúa sạch để ăn, quá trình sản xuất không ảnh hưởng đến sức khỏe và còn bảo vệ được môi trường đất, nước”, ông Viết cầm trên tay những bông lúa nặng trĩu hạt nói.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị và người dân cần phải coi nhiệm vụ chuyển đổi sang sản xuất lúa hữu cơ, giảm phát thải là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đây cũng là mục tiêu định hướng của ngành, phấn đấu đến năm 2030 có 3% tổng diện tích lúa sản xuất trên toàn tỉnh đạt chuẩn hữu cơ.
“Để đạt chuẩn hữu cơ cần nhiều yếu tố. Chúng tôi không khuyến khích làm ồ ạt, quan trọng là giữ được ổn định thương hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất truyền thống cho người dân. Trước mắt bà con hãy sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ. Khi đã thay đổi được tư duy làm nông nghiệp sạch, tuần hoàn thì mới làm để đạt chuẩn hữu cơ”, ông Việt nói.
Đồng thời, đề nghị Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung cấp vật tư chất lượng và hợp đồng bao tiêu sản phẩm chặt chẽ với người sản xuất, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp bội tín với người dân hoặc ngược lại.
Song hành sản xuất lúa hữu cơ và giảm phát thải
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Dương Thế Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC cho biết, sau thắng lợi vụ xuân năm 2023, vụ xuân và hè thu năm 2024, doanh nghiệp phối hợp chính quyền 8 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc mở rộng diện tích chuyển đổi và sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ lên đạt gần 90 ha. Các vùng sản xuất hữu cơ đều là những cánh đồng tích tụ, với diện tích bình quân 10 ha/xứ đồng. Năng suất thu hoạch bình quân đạt gần 3 tạ/sào.
“Hiện có nhiều xã đăng ký liên kết với chúng tôi để chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ vụ xuân năm 2025. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang cân nhắc, lựa chọn các vùng có lợi thế để phát triển trước, phấn đấu ổn định diện tích khoảng 100 ha tại 3 huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà”, ông Hoàng thông tin.
Theo ông, từ năm 2025, Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC dự định phát triển bền vững sản xuất lúa theo 2 hướng là canh tác lúa giảm phát thải trên 70% diện tích liên kết và theo tiêu chuẩn hữu cơ 30% diện tích.
Để đảm bảo tính bền vững, tại các vùng liên kết sẽ thành lập tổ hợp tác làm đầu mối triển khai công việc, cung cấp vật tư, quy trình sản xuất của doanh nghiệp đến với bà con; đồng thời là nơi tiếp nhận, thanh toán chi phí mua bán nông sản cho người dân. Phía doanh nghiệp sẽ thực hiện chế độ hỗ trợ cho tổ hợp tác để họ phát huy tối đa vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
Về pháp lý, trước vụ sản xuất, doanh nghiệp cùng ngồi lại với người dân trước sự chứng kiến, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ký hợp đồng, cam kết thu mua giá lúa cao hơn giá thị trường từ 1- 2 giá.