Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 12 tỷ USD năm 2025
13:47 - 05/05/2024
Ấn Độ đang tìm cách tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản thêm 4 tỷ USD để đạt mục tiêu 12 tỷ USD năm 2025.
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
Trong năm tài chính từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ đạt 8 tỷ USD, trong đó, tôm đông lạnh chiếm 5,6 tỷ USD. Riêng xuất khẩu tôm đông lạnh của Ấn Độ sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,6 tỷ USD.
Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết: "Chính phủ Ấn Độ sẽ tập trung phát triển sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng và nhắm đến các thị trường cao cấp, đồng thời nâng cao nhận thức về thực hành lao động và môi trường cho các nhà xuất khẩu thủy sản nước này”.
Chiến lược tăng trưởng được xây dựng sẽ xoay quanh việc tập trung vào các thị trường cao cấp, gồm Hoa Kỳ và châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc, Đông Nam Á, Nhật Bản và các nước Trung Đông là những thị trường chỉ đóng vai trò thứ yếu với các sản phẩm xuất khẩu là tôm, bạch tuộc và mực nang.
Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào năm tài chính 2025 đã được đặt ra cụ thể. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ vẫn lo ngại rằng, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu có thể sẽ vẫn yếu trong những tháng còn lại của năm nay.
Mặc dù vậy, Ấn Độ kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng nhờ hiệp định thương mại tự do đã được ký kết ngày 10/3/2024 với Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. FTA này được ký kết sau 16 năm đàm phán và tùy thuộc vào sự phê chuẩn của Chính phủ mỗi nước, sẽ loại bỏ thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm được giao dịch giữa Ấn Độ và các nước EFTA, trong đó có thủy sản.
Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EFTA sau EU, Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc với tổng thương mại hai chiều ước tính khoảng 25 tỷ USD năm 2023.
Ngành tôm Ấn Độ đang phải đối mặt với sự cáo buộc về các vấn đề môi trường và lao động cưỡng bức từ một số tổ chức quốc tế. Chính phủ nước này cho rằng, cáo buộc này vô căn cứ và suy đoán rằng đằng sau có thể là sự cạnh tranh của các đối thủ trong ngành tôm ở Mỹ và các quốc gia sản xuất tôm lớn khác.
Liên đoàn Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cho biết, tất cả các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ đều tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của cả Ấn Độ và các quốc gia xuất khẩu, gồm cả Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại Ấn Độ cho hay, đang có kế hoạch gặp gỡ các nhà xuất khẩu tôm của nước này và chính quyền các bang “để đảm bảo tất cả nhà xuất khẩu đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng nước ngoài”.
Ngoài ra, Trung tâm thủy sản có trách nhiệm Ấn Độ (TCRS) sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tôm thường niên lần thứ hai tại Chennai, Ấn Độ, từ ngày 27-29/6/2024, trong đó sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt để giải quyết các cáo buộc lạm dụng lao động trong các nhà máy chế biến tôm của Ấn Độ.
“Mục tiêu của phiên họp là thảo luận thực tế, xác định bất kỳ sơ hở hoặc lỗ hổng nào có thể dẫn đến vi phạm và tìm kiếm giải pháp khôi phục niềm tin vào xuất khẩu tôm của Ấn Độ, hệ thống chứng nhận và kiểm toán cũng như tôm nuôi trên toàn thế giới”, Chủ tịch TCRS George Chamberlain nhấn mạnh.