Băn khoăn tìm tương lai cho cây mắc ca Vĩnh Sơn

Băn khoăn tìm tương lai cho cây mắc ca Vĩnh Sơn

23:55 - 13/11/2023

Cây mắc ca đã khẳng định phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của xã vùng cao Vĩnh Sơn, nhưng hướng đi bền vững cho cây trồng này ở đây vẫn còn nhiều băn khoăn.

Xây dựng chuỗi liên kết nuôi cá điêu hồng xuất khẩu
Giá tiêu hôm nay 3/7/2025: Chững lại sau thời gian tăng mạnh
Bay gieo sạ trên cánh đồng ngập lũ
Giá cà phê hôm nay 3/7/2025: Robusta quay đầu giảm mạnh
Ngư dân phấn khởi đón vụ cá Nam

Từ ông Đặng Văn Khánh, người tiên phong trồng mắc ca thành công với 5ha tại làng K8, xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), đến nay, số người trồng mắc ca trên địa bàn xã này đã tăng đến 51 hộ, với 63ha.

 

Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Thạnh, hiện nay, trên địa bàn làng K8 có 7 hộ trồng mắc ca với diện tích 13ha, trong đó làng Suối Đá có 14 hộ trồng 15ha; làng K2 có 13 hộ trồng 14ha; làng K3 có 12 hộ trồng 16,5ha; làng K4 có 4 hộ trồng 3,5ha và làng Suối Cát có 1 hộ trồng 1ha.

 

Trong 63ha mắc ca được trồng tại xã Vĩnh Sơn, có 2ha trồng đầu tiên vào năm 2012, đến nay đã hơn 10 tuổi; 6ha được 8 năm tuổi; 4,5ha được 5 năm tuổi; 15,5ha được 4 năm tuổi; 29,5ha được 3 năm tuổi; 1,5ha được 2 năm tuổi và 4ha mới trồng được 1 năm.

 

Ông Đặng Văn Khánh là người đầu tiên trồng 2ha mắc ca tại làng K8 (xã Vĩnh Sơn) vào cuối năm 2012 (đến nay đã được hơn 10 tuổi). Năm 2015, ông Khánh trồng thêm 2ha mắc ca, đến nay đã được 8 năm tuổi và 1ha mới trồng được 1 năm. Với 2ha mắc ca ông Khánh trồng vào cuối năm 2012, đến tháng 9/2017, diện tích này bắt đầu cho quả chiến (quả bói), những năm về sau càng ngày năng suất càng tăng dần.

 

Ông Đặng Văn Khánh bên vườn mắc ca trồng đầu tiên của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Đặng Văn Khánh bên vườn mắc ca trồng đầu tiên của mình. Ảnh: V.Đ.T.

 

“Hàng năm, từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau mắc ca ra hoa, đậu quả. So với các loại cây ăn quả khác trồng trên đất Vĩnh Sơn thì cây mắc ca rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Thực tế cho thấy, trên đất Vĩnh Sơn bất cứ làng nào cũng trồng được mắc ca. Đầu tư ban đầu cho 1ha mắc ca chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng. Những năm sau đó, nếu đầu tư thâm canh đúng mức, từ năm thứ 6 trở đi mỗi cây cho thu hoạch từ 45 - 50kg quả/năm. Mấy năm nay giá mắc ca ổn định khoảng 90.000đ/kg quả (đã bóc vỏ), cho người trồng khoản thu nhập rất ổn định”, ông Khánh chia sẻ.

 

Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), cây mắc ca là cây trồng mới tại địa phương. Đây là loài cây khó tính nhưng lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại xã vùng cao Vĩnh Sơn. Đất ở Vĩnh Sơn là đất bazan, rất phù hợp với cây trồng này. Đặc biệt, khí hậu ở Vĩnh Sơn là tiểu vùng khí hậu ôn đới, nhiệt độ trong giai đoạn lúc cây mắc ca ra hoa, đậu quả xuống thấp, rất phù hợp nên cây mắc ca đậu quả sai, cho năng suất khá. Qua theo dõi, những diện tích mắc ca 5 năm tuổi ở Vĩnh Sơn đều ra hoa đậu quả, cho hiệu quả rất khả quan.

 

Rõ ràng, cây mắc ca mang lại hiệu quả trông thấy trên đất Vĩnh Sơn, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng theo ông Thông, ở xã vùng cao Vĩnh Sơn chưa có loại cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao và có đầu ra ổn định như cây mắc ca.

 

Đến vụ thu hoạch vào khoảng tháng 4 tháng 5 hàng năm, các cơ sở chế biến mắc ca ở huyện Kbang (Gia Lai) đến tận vườn đặt cọc tiền. Khi thu hoạch quả, chủ nhà vườn chỉ cần nhấc điện thoại thông báo là cơ sở chế biến chở máy móc đến tận vườn sạc quả để thu mua.