Biến đất cằn thành vườn tiền tỷ, bẻ toàn quả ngon, một cô gái Đắk Lắk khiến cả làng phục lăn

Biến đất cằn thành vườn tiền tỷ, bẻ toàn quả ngon, một cô gái Đắk Lắk khiến cả làng phục lăn

13:47 - 01/04/2025

Giữa vùng đất Ea Súp (Đắk Lắk) nắng gió, một cô gái với nghị lực phi thường đã biến mảnh đất cằn cỗi thành vườn cây ăn trái trĩu quả, mang lại thu nhập tiền tỷ. Đó là Nguyễn Thị Bích (35 tuổi), chủ nhân vườn trồng ổi ruby, trồng bưởi da xanh hữu cơ rộng 2 ha tại thôn 7, xã Cư Mlan, huyện Ea Súp.

Huy động thêm kinh phí cho dự án phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật
Giá khoai mì giảm chưa từng thấy trong 10 năm trở lại đây, nông dân thuê đất trồng mì lo ngay ngáy
Một năm, tỉnh Lâm Đồng thu gom được hơn 100 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Giá dứa cao, đồng bào phấn khởi
Thay đổi tư duy tiếp cận thị trường cho những sản phẩm rau an toàn

Hành trình gian nan của cô gái "tay ngang"

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, từ nhỏ Bích đã ấp ủ ước mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô vừa làm việc, vừa kinh doanh nông sản online để tích lũy kinh nghiệm và vốn.

Vượt nghịch cảnh ung thư, cô gái biến vùng đất cằn cỗi thành "vườn vàng" trĩu quả - Ảnh 1.

 

Chị Nguyễn Thị Bích (bìa phải) thành công với mô hình khởi nghiệp trồng ổi ruby xen bưởi da xanh theo phương pháp hữu cơ tại mảnh đất huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2019, biến cố ập đến khi Bích phát hiện mình mắc ung thư giai đoạn đầu. Không nản lòng, cô tìm đến mảnh đất Ea Súp với mong muốn tìm kiếm môi trường sống trong lành, không ô nhiễm để chữa bệnh và thực hiện đam mê nông nghiệp.

"Ea Súp có đặc điểm địa hình chủ yếu là đất pha cát trắng, nền nhiệt cao vào mùa khô. Tuy nhiên, vùng đất này lại sở hữu hàm lượng kali tự nhiên rất cao. Nếu áp dụng phương pháp canh tác khoa học, trái cây ở đây sẽ có hương vị đặc biệt thơm ngon", chị Bích nhận xét.

Với diện tích 2 ha đất, sau một năm cải tạo đất, năm 2020, Bích quyết định đưa giống ổi ruby vào trồng xen canh với bưởi da xanh.

Chị Bích chia sẻ: "Tôi trồng xen ổi và bưởi vì sự kết hợp này mang lại nhiều ưu điểm. Tinh dầu từ lá và quả bưởi giúp giảm thiểu rệp sáp, còn lá ổi chứa tinh chất ngăn ngừa sâu ăn lá. Việc trồng xen canh như vậy giúp giảm đáng kể nguy cơ sâu bệnh. Thêm vào đó, vườn ổi cho thu hoạch sau hai năm, tạo ra nguồn thu nhập giúp tôi có vốn đầu tư cho cây bưởi".

Vượt nghịch cảnh ung thư, cô gái biến vùng đất cằn cỗi thành "vườn vàng" trĩu quả - Ảnh 2.

Ea Súp (Đắk Lắk) là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, song nhờ áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên, khu vườn của chị Nguyễn Thị Bích lúc nào cũng xanh mát, tạo cảm giác dễ chịu cho bất cứ ai đặt chân đến.

Thời tiết khắc nghiệt của mảnh đất biên giới Ea Súp khiến thời gian đầu vườn cây phát triển chậm và còi cọc. Chị Bích vẫn kiên trì chăm sóc và tạo độ tơi xốp cho đất bằng nhiều phương pháp hữu cơ, an toàn.

Chị Bích sử dụng phân bò và phân gà đã ủ hoai để bón cho cây, giúp tăng độ phì nhiêu của đất. Đồng thời, chị tận dụng phế phẩm nông nghiệp như vỏ bắp và rơm rạ để che phủ gốc cây vào mùa khô, giữ ẩm cho đất. Chị còn tự ủ các loại phân bón hữu cơ lỏng như dịch chuối, trứng, sữa, dịch đậu... để phun tưới cho cây, giúp cây khỏe mạnh và chống lại sâu bệnh.

Để giữ ẩm cho vườn cây, chị Bích trồng cỏ trai, loại cỏ này còn có tác dụng thoát nước tốt vào mùa mưa. Ngoài ra, chị sử dụng béc tưới phun gốc cây kết hợp tưới phủ lá từ trên để giảm nhiệt độ cho cây.

Vượt nghịch cảnh ung thư, cô gái biến vùng đất cằn cỗi thành "vườn vàng" trĩu quả - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Bích tự ủ các loại phân bón hữu cơ lỏng như dịch chuối trứng sữa, dịch đậu... để phun tưới cho cây trồng. Phương pháp này giúp cây cây khỏe mạnh, chống sâu bệnh và tăng độ phì nhiêu của đất.

Sau 4 năm miệt mài canh tác hữu cơ để vườn cây phát triển khỏe mạnh và bền vững, vùng đất đầy nắng và gió đã tạo nên những trái ổi ruby ruột đỏ chất lượng, với vị ngọt đậm đà, thơm ngon và ít hạt. Vụ mùa vừa qua vườn cây của chị Bích cho thu hoạch 50 tấn ổi ruby, thu bói 3 tấn bưởi da xanh và nhiều loại cây ăn trái khác. Tổng doanh thu đạt 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, chị lãi 750 triệu đồng.

Chị Bích sử dụng số tiền này để đầu tư mở rộng mô hình, hiện tại chị đang có 4 vườn cây, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế vùng biên giới nghèo Ea Súp.

Biến lá ổi thành trà, nâng tầm nông sản địa phương

 

Tâm huyết với cây ổi ruby, Bích nghiên cứu, cải tiến phương pháp chăm sóc và tận dụng lá non, búp ổi để làm trà. Sau khi vượt qua biến cố về sức khỏe, cô càng có thêm động lực để phát triển sản phẩm trà lá ổi ruby.

Vượt nghịch cảnh ung thư, cô gái biến vùng đất cằn cỗi thành "vườn vàng" trĩu quả - Ảnh 4.

Để đảm bảo đầu ra ổn định, chị Nguyễn Thị Bích đã chủ động xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, thường xuyên phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, chị nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tốt cho sức khỏe từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại vườn nhà.

Chị Bích liên kết với Hợp tác xã Giảm nghèo Ea Sup để sản xuất trà Briêt, loại trà kết hợp lá ổi ruby hữu cơ và gạo lứt hữu cơ. Sản phẩm này đã được Hội đồng khoa học tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao và chọn tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2024.

Bên cạnh đó, Bích còn nghiên cứu và chế biến rượu ổi ruby, nước cốt ổi ruby. Các sản phẩm handmade của Bích đang nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Việc khai thác giá trị của cây ổi ruby thông qua nhiều sản phẩm khác nhau không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn góp phần nâng tầm nông sản địa phương.

Chị Bích chia sẻ: "Tôi mong muốn mô hình của mình thành công, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con nơi đây. Nếu mô hình phát triển, chúng tôi sẽ liên kết với các hộ dân trồng và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương".

Vượt nghịch cảnh ung thư, cô gái biến vùng đất cằn cỗi thành "vườn vàng" trĩu quả - Ảnh 5.

 

Vượt nghịch cảnh ung thư, cô gái biến vùng đất cằn cỗi thành "vườn vàng" trĩu quả - Ảnh 6.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh và huyện đi thực tế, tham quan mô hình trồng cây ăn trái hữu cơ của chị Nguyễn Thị Bích. Mô hình không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Bích còn mong muốn lan tỏa giá trị của nông sản sạch đến cộng đồng. Chị thành lập cửa hàng bán lẻ nông sản tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), đồng thời tận dụng mạng xã hội để quảng bá và bán sản phẩm.

Câu chuyện của chị Bích không chỉ là minh chứng cho ý chí và nghị lực phi thường, mà còn là nguồn cảm hứng lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Súp, đánh giá: "Nguyễn Thị Bích đã biến nghịch cảnh thành cơ hội, biến vùng đất cằn cỗi thành "vườn vàng" trĩu quả, mang lại giá trị kinh tế và xã hội cho địa phương.

Thời gian qua, địa phương cũng thường xuyên hỗ trợ đưa các sản phẩm của Bích tham gia các hội chợ nông sản, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ".