Bình Dương thúc đẩy nông nghiệp theo hướng bền vững
12:05 - 07/09/2024
Bình Dương Một trong những giải pháp mà tỉnh triển khai là áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Từ sản xuất tự phát, manh mún, lạc hậu, đến nay toàn tỉnh Bình Dương có hơn 5.760 ha diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao. Lĩnh vực chăn nuôi cũng chuyển biến tích cực theo hướng tập trung, quy mô lớn, tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh.
Hiện chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển với 150 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt; tổng đàn trên 8,3 triệu con. Chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 265 trang trại, với tổng đàn trên 714.000 con. Chăn nuôi vịt thịt có 80 trang trại, với tổng đàn 863.000 con; chăn nuôi bò sữa có một trang trại với tổng đàn 491 con.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Cục Thú y đã công nhận 13 vùng an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm, newcastle (bệnh gà rù), lở mồm long móng gia súc, dịch tả heo và dại trên chó, mèo.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới. Đây là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới; chất lượng sản phẩm nông sản được nâng cao, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ.
Những dấu mốc của ngành nông nghiệp Bình Dương không chỉ phản ánh sự chuyển dịch đúng hướng mà còn cho thấy kết quả của việc cơ cấu lại ngành được tỉnh tập trung thực hiện. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với các mục tiêu của chương trình. Nhiều năm liền, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trưởng không ngừng.
Năm 2023, tổng số trang trại nông nghiệp của tỉnh đứng thứ 2 vùng Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước; diện tích trồng cao su và sản lượng mủ khô xếp thứ 2; số lượng đàn lợn xếp thứ 8, số lượng đàn gia cầm xếp thứ 12 toàn quốc. Năng lực chăn nuôi công nghệ cao của Bình Dương được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu cả nước.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong quá trình hình thành và phát triển, với vị thế là tỉnh có mức độ đô thị hóa cao, tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu cả nước, Bình Dương đã tạo nhiều lợi thế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp về chi phí nhân công, đất đai, cơ hội thu hút vốn đầu tư.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Dương vận dụng sáng tạo hơn Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn liền với định hướng mới của Đề án Thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.
Đồng thời, ngành bứt phá, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, gia công sang sản xuất chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ, phát huy tiềm lực, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với làng thông minh, đưa nông nghiệp, nông thôn lên một tầm cao mới.
(Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương)