Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
17:40 - 31/12/2024
Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.
Vốn vay của Hội Nông dân: Trợ lực của nông dân Hải Hà
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã
Thủ tướng đối thoại với nông dân 2024: Đề xuất nhà nước quan tâm xây dựng kho dự trữ quốc gia cà phê, hồ tiêu
Nghề đổi đời
Mang trên mình tên gọi của dãy núi được mệnh danh là đệ nhất hùng sơn của Tây Bắc, xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa, Lào Cai) vốn nằm im lìm giữa những vạt rừng nguyên sinh, dãy núi đá cao quanh năm mây mù bao phủ, trong những năm qua đã bừng tỉnh, trở thành một trong những trung tâm nuôi cá nước lạnh sôi động bậc nhất miền Bắc.
Nguồn nước trong lành, mát lạnh từ dãy Hoàng Liên Sơn theo những con suối chảy về từng thôn, bản; biến những con người “cô độc nhất thế gian” trở nên sôi nổi, hoạt bát. Cái khắc nghiệt của khí hậu, chia cắt của địa hình chẳng làm khó được những bể nuôi cá hồi, cá tầm nối đuôi nhau mọc lên san sát.
Can Hồ Mông là thôn đặc biệt khó khăn của xã Ngũ Chỉ Sơn. Can Hồ Mông theo tiếng Mông là vùng nước cạn. Sở dĩ có tên gọi này do trước đây nước trên núi cao chỉ chảy xuống nửa chừng, không về đến thôn khiến sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã đổi khác từ khi cá nước lạnh được đưa vào nuôi thử nghiệm thành công trên địa bàn xã. Cơ hội đổi đời mở ra trước mắt, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, một số hộ đã không ngần ngại cắp sách đi học kỹ thuật; vay mượn đầu tư lắp đặt ống dẫn nước từ núi cao về bể, mua giống, bắt đầu hành trình làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Từ số hộ nuôi đếm trên đầu ngón tay, phong trào nuôi cá nước lạnh nhanh chóng lan rộng ra thôn Can Hồ A, Can Hồ B… Đi dọc các con suối không khó để bắt gặp những bể nuôi cá nước lạnh nằm san sát nhau. Tiếng nước chảy, tiếng máy quạt ôxy, tiếng đạp nước tanh tách của những chú cá khỏe mạnh, bóng nhẫy rộn ràng cả một góc rừng.
Tại xã Ngũ Chỉ Sơn, hiện có hơn 100 trại nuôi cá tầm, cá hồi (12 trại nuôi quy mô lớn). Khi nuôi cá nước lạnh đã thành một nghề thoát nghèo, làm giàu thì những người dân tại đây cũng dần trở thành những kỹ sư thực thụ. Từ chỗ thả nuôi con được, con mất, các hộ đã nâng tỷ lệ sống của đàn cá lên hơn 90%. Từ chỗ chỉ biết cầu may do phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên đã biết xây dựng mái che, xử lý nguồn nước, chăn nuôi tuần hoàn, gối vụ…
Có lẽ ý chí thoát nghèo của những con người nhỏ bé giữa đại ngàn đã lay động đất trời, rừng núi. Những con cá được mạch nguồn của thiên nhiên nuôi dưỡng lớn nhanh như thổi; chất lượng thịt không khác gì mỹ vị nhân gian, chinh phục cả những người khó tính nhất.
Tiếng lành đồn xa, thương hiệu cá hồi, cá tầm Sa Pa bay khắp muôn nơi. Thương lái cả nước nô nức tìm về đặt hàng, thu mua. Sản phẩm cá hồi, cá tầm len lỏi khắp các quán ăn phục vụ khách du lịch tại Sa Pa, thành phố Lào Cai, leo lên máy bay vào tới Ðà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh. Những nông dân như Chảo Duần Mình, Chảo Phù Chẳn… từ chỗ chỉ biết đến cây ngô, cây sắn, chạy ăn từng bữa đã trở thành những triệu phú, tỷ phú.
Nhưng điều tuyệt vời hơn cả là đâu chỉ có người dân Ngũ Chỉ Sơn đổi đời. Nghề nuôi cá nước lạnh theo chân những con suối lan đi khắp núi rừng Tây Bắc. Có cơ hội đi qua “Tứ đại đỉnh đèo” (Ô Quý Hồ, Khau Phạ, Pha Đin, Mã Pí Lèng) không khó để bắt gặp những cơ sở nuôi cá nước lạnh hiên ngang đón gió. Sườn núi có độ dốc cao, nước chảy mạnh và nhiệt độ không quá 16 độ C là những điều kiện thích hợp để những “loài cá quý tộc” có nguồn gốc từ xứ lạnh châu Âu sinh trưởng, phát triển.
Có lẽ với những người đầu tiên nuôi cá nước lạnh như Nguyễn Quang Huy trên đèo Khau Phạ, Trần Chung Hưng tại đỉnh Ô Quý Hồ… cũng không thể hình dung ra được hết nhịp sống hối hả và chuyển mình mạnh mẽ của mảnh đất và con người Tây Bắc để bắt kịp, đón đầu cơ hội mới.
Chuẩn hóa để vào thị trường khó tính
Năm tháng qua đi, những cơ sở nuôi cá nước lạnh tại Tây Bắc vẫn âm thầm đương đầu với những bất thuận của thời tiết, cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhưng chẳng ai chịu bỏ cuộc. Họ vẫn hiên ngang, vững chãi như cây tùng, cây bách giữa đại ngàn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.
Cơ sở cá hồi, cá tầm Thức Mai do chị Phạm Thị Mai làm chủ là một trong những trang trại đầu tiên ở Sa Pa chuẩn hóa quy trình nuôi, đẩy mạnh chế biến cá hồi thành các dòng sản phẩm để gia tăng giá trị.
Theo chị Mai, thị trường cá hồi, cá tầm không còn là sân chơi riêng nên muốn đứng vững sản phẩm của Sa Pa phải không ngừng được hoàn thiện. Nếu chỉ trông chờ vào việc bán sản phẩm tươi với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg thì hoạt động sản xuất sẽ không trụ được lâu vì chi phí đầu tư khá lớn. Đồng thời, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, rồi đây những địa phương khác cũng có thể nuôi loại cá khó tính này.
Vậy hướng đi mới là gì? Là chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra các thị trường khó tính trên thế giới. Để làm được điều này, trước hết người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng trong quá trình nuôi như VietGAP, organic... Đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ chế biến và bảo quản để đa dạng hóa các sản phẩm từ cá nước lạnh…
Không để người đối diện kịp hoài nghi, chị Mai dẫn chứng, với năng lực sản xuất hơn 100 tấn cá/năm, ngoài bán tươi, gia đình chị đã nghiên cứu chế biến cá hồi thành 14 dòng sản phẩm khác nhau. Có sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao. Nhờ đó, việc tiêu thụ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, lợi nhuận thu được không ngừng tăng lên.
Đặc biệt, nhận thấy phân khúc thị trường Halal trong nước đầy tiềm năng và thị trường Halal quốc tế có dư địa lớn, chị đã không ngần ngại tìm hiểu, mời các chuyên gia về hướng dẫn để có thể được cấp chứng nhận Halal.
“Thị trường Halal là một thị trường đặc thù, khắt khe, nếu mình có thể đưa được sản phẩm vào tiêu thụ thì các thị trường khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Một thông tin đáng mừng là các mẫu sản phẩm của cơ sở khi được đưa đi đánh giá đều phù hợp với tiêu chuẩn Halal”, chị Mai phấn khởi.
Nụ cười hạnh phúc của người phụ nữ can trường khi đang từng bước đặt nền móng chắc chắn cho sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực không biết mệt mỏi của những con người nơi địa đầu Tổ quốc.
Nhiều khó khăn trong phát triển nuôi cá nước lạnh có thể liệt kê như sau: Phần lớn các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương thành cá giống làm cho giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với cá nhập khẩu. Thức ăn chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm nhưng có đến 50% thức ăn cho nuôi cá hồi được nhập khẩu với giá thành cao. Chi phí đầu tư cho các cơ sở nuôi cá nước lạnh rất lớn, giá bán sản phẩm chưa ổn định. Hệ thống nuôi như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước tự nhiên, trong khi từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm là mùa khô, không đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi nên không nâng cao được năng suất.