Cải tạo sức khỏe đất và cây trồng để phát triển cây ăn quả

Cải tạo sức khỏe đất và cây trồng để phát triển cây ăn quả

11:37 - 28/05/2025

Đó là kỳ vọng mà GS.TS Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 'gửi gắm' tỉnh Sơn La trong hành trình mới phát triển cây ăn quả.

Cô gái Mường bén duyên nghề nuôi cá tầm
Hậu Giang thực hiện 137 mô hình khuyến nông thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Xoài Đài Loan to bự rớt giá ở Đồng Nai, rẻ như cho, rụng đầy mặt đất, thương lái "chạy làng", dân mặc kệ
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất giảm phí, lệ phí duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng và giấy chứng nhận kiểm dịch động vật
Đánh thức khát vọng thoát nghèo: [Bài 2] Cây mắc ca và hành trình thử thách trên đất nghèo
GS.TS Vũ Mạnh Hải chia sẻ về vấn đề phát triển cây ăn quả trên đất dốc trong bối cảnh mới. Ảnh: Duy Học

GS.TS Vũ Mạnh Hải chia sẻ về vấn đề phát triển cây ăn quả trên đất dốc trong bối cảnh mới. Ảnh: Duy Học

GS.TS Vũ Mạnh Hải giải thích về nguyên nhân khiến cây ăn quả thường không ổn định về sản lượng và chất lượng, đó là cây thụ phấn tự do, dẫn đến sự biến động lớn về sản lượng và chất lượng của quả.

Cây ăn quả khác với một số loại cây trồng sinh khối khác vì sản phẩm của nó là kết quả của hai quá trình chính: sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực. Nói dễ hiểu, đó là sự cân bằng giữa sinh trưởng và phát triển. Không giống như cây lâm nghiệp, cây làm thuốc hay cây ngô sinh khối, cây ăn quả cho sản phẩm là quả. Vì vậy, việc duy trì cân bằng giữa hai quá trình này là điều vô cùng phức tạp.

Sản xuất cây ăn quả phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và khí hậu. Con người không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát được hoàn toàn những yếu tố này. Do đó, sản xuất cây ăn quả không hề đơn giản. Người trồng cây ăn quả cần được trang bị kiến thức cơ bản và cập nhật các giải pháp để phát triển ổn định cả về sản lượng và chất lượng.

GS.TS Hải cho biết, hiện nay, các chuyên gia, giáo viên chuyên ngành cây ăn quả cùng với đội ngũ khuyến nông của các sở nông nghiệp đều rất rõ về vấn đề này. Để giải quyết bài toán ổn định sản lượng và chất lượng cây ăn quả, có hai vấn đề cốt lõi cần được tập trung: cải thiện và nâng cao sức khỏe đất, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cây trồng.

Đất là yếu tố cơ bản nhất trong sản xuất cây ăn quả. Đặc biệt tại Sơn La, địa hình chia cắt và độ dốc lớn khiến việc quản lý đất đai trở nên phức tạp. Để đảm bảo năng suất và chất lượng cây ăn quả, cần chú trọng đến tính chất vật lý của đất.

Nếu thiếu dinh dưỡng, có thể bổ sung qua phân đạm, kali, magie và các loại phân bón khác. Nhưng việc cải thiện tính chất vật lý của đất lại là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi các giải pháp tổng hợp và thực hiện bài bản. Đất bị khô rắn, chai cứng sẽ rất khó để phục hồi và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

 

Một ví dụ cụ thể là vấn đề sử dụng thuốc diệt cỏ. Ở Đài Loan, họ đã loại bỏ hoàn toàn thuốc diệt cỏ trong sản xuất cây ăn quả từ 10-15 năm trước. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều nhà khoa học vẫn còn tranh cãi về việc sử dụng thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, với tôi, thuốc diệt cỏ là cực kỳ có hại cho đất. Đặc biệt ở Sơn La, với điều kiện địa hình nhạy cảm, việc bảo vệ và cải tạo sức khỏe đất cần được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của cây trồng cũng vô cùng quan trọng. Một phần trong đó là quản lý bộ tán cây. Việc cắt tỉa, huấn luyện tán cây là yếu tố quyết định đến khả năng quang hợp và năng suất của cây.

Một ví dụ là giống mận Tả Văn tại Si Ma Cai, Lào Cai. Giống mận này có xu hướng sinh trưởng thẳng đứng, khiến đồng bào dân tộc gặp khó khăn trong việc chăm sóc và tạo tán. Sau khi tiếp xúc và hướng dẫn người dân về kỹ thuật tạo tán, chúng tôi đã giúp họ cải thiện năng suất và chất lượng quả. Từ đó, tạo nên sự gắn kết giữa người dân và đội ngũ khuyến nông, giữa lãnh đạo địa phương và cộng đồng nông dân.

GS.TS Vũ Mạnh Hải bên cây lê giống nhập từ Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Vũ Mạnh Hải bên cây lê giống nhập từ Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai vấn đề này: sức khỏe đất và sức khỏe cây trồng, là nền tảng để đảm bảo sản xuất cây ăn quả ổn định và bền vững. Đặc biệt là tại các vùng có điều kiện địa hình và khí hậu khắc nghiệt như Sơn La.

Tôi xin được nói thêm rằng, kết quả trồng cây ăn quả của 10 năm vừa qua ở Sơn La không chỉ bắt đầu từ 10 năm mà nó có nguyên nhân từ rất sâu xa, là một sự tích lũy quý giá của bao nhiêu thế hệ trước và của cả một cộng đồng người dân cực kỳ lớn trên một vùng đất Sơn La khá rộng lớn.

Bản thân tôi là người gắn bó với Sơn La từ những năm cuối của thế kỷ trước. Tôi biết rất rõ rằng để có được ngày hôm nay là cả một quá trình đấu tranh, vật lộn rất vất vả, và những thành tựu cơ bản. Đó mới chỉ là khởi đầu cho một hành trình dài hơi tiếp theo.