Cấm xuất khẩu lương thực thường không giải quyết được khủng hoảng trong nước, vì sao?

Cấm xuất khẩu lương thực thường không giải quyết được khủng hoảng trong nước, vì sao?

08:57 - 01/06/2022

Việc các quốc gia cấm xuất khẩu lương thực vừa không hiệu quả trong giải quyết vấn đề trong nước, vừa gây nguy cơ bất ổn cho thị trường quốc tế.

Theo The Economist, giữa lúc lạm phát tăng cao và nguy cơ thiếu hụt do xung đột Ukraine, một vài quốc gia lại bắt đầu cấm xuất khẩu lương thực. Ngày 23/5, Malaysia ra lệnh cấm xuất khẩu gia cầm, trong khi vào đầu tháng, Ấn Độ đã ngừng bán lúa mì ra thị trường quốc tế.

Cả Nga, Ukraine và Ấn Độ đều nằm trong top những nước xuất khẩu nhiều lúa mì nhất thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), ít nhất 20 quốc gia đã áp đặt một số hạn chế liên quan đến xuất khẩu kể từ đầu cuộc xung đột. Tổng cộng, khối lượng bị ảnh hưởng tương đương với khoảng 10% lượng calo trên thị trường toàn cầu.

Liên Hợp Quốc (UN) đã hối thúc các quốc gia xem xét lại quyết định của mình. UN lập luận rằng việc giúp nông sản được tự do buôn bán sẽ đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và ổn định giá cả.

Cấm xuất khẩu hiệu quả hay không?

Chính phủ nghĩ rằng khi cấm xuất khẩu, những mặt hàng lương thực được bán trên thị trường quốc tế có thể chuyển hướng sang thị trường trong nước, từ đó giúp hạ giá cả.

Khi giá lương thực tăng vào năm 2007-2008 sau cuộc Khủng hoảng tài chính, một số nước đã nhanh chóng áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu lên nhiều loại cây trồng.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng động thái này có hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát trong nước, theo bà Annelies Deuss, nhà nghiên cứu từ OECD.

Tuy nhiên, rất khó để phân biệt giữa ảnh hưởng của việc cấm xuất khẩu với những nhân tố khác, chẳng hạn như chính phủ giải phóng kho dự trữ hoặc thời tiết tác động tới thu hoạch. Một số bằng chứng còn cho thấy hạn chế xuất khẩu có thể mang lại tác động ngược lại so với mong muốn ban đầu.

Ví dụ, nông dân có thể tích trữ lương thực cho tới khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ. Phó Giáo sư Obie Porteus thuộc Đại học Middlebury cho biết hành động tích trữ có thể đã diễn ra khi 5 quốc gia nam và tây Phi lần lượt cấm xuất khẩu ngô trong những năm 2000.

Kết quả là giá cả thậm chí còn biến động mạnh hơn. Trong dài hạn, các lệnh cấm xuất khẩu sẽ khiến nông dân chuyển sang sản xuất những mặt hàng không bị hạn chế, giảm năng suất trong nước.

Hơn nữa, giá trong nước sụt giảm cũng chưa hẳn là một điều tốt. Tại các quốc gia đang phát triển, phần lớn người dân nghèo sống dựa vào ngành nông nghiệp.

Một nghiên cứu vào năm 2013 bởi IFPRI chỉ ra rằng lệnh cấm xuất khẩu ngô tại Tanzania có thể đã khiến tỷ lệ nghèo đói tăng bởi mức độ giảm thu nhập trong nhóm nghèo đói nhất của xã hội lớn hơn mọi lợi ích đạt được từ việc hạ giá lương thực.

Về cơ bản, những lệnh cấm xuất khẩu thường có lợi với cư dân sống tại đô thị, nhóm người có tầm ảnh hưởng về mặt chính trị lớn hơn so với những người đồng bào tại nông thôn.

Ảnh hưởng xấu tới toàn cầu

Mỗi quốc gia có thể chịu tác động tiêu cực hoặc tích cực sau các lệnh cấm xuất khẩu lương thực. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến phần còn lại thế giới thường luôn tồi tệ.

Giá lúa mì đã tăng liên tục kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Giá lúa mì toàn cầu tăng 6% chỉ một ngày sau khi Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu. Và việc một nhà xuất khẩu quyết định tạo ra rào cản thương mại có thể thúc đẩy các nước khác theo gương. Vào năm 2008, sau khi Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo, Ấn Độ, Trung Quốc và Campuchia nhanh chóng có động thái tương tự.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Thế giới, tổng ảnh hưởng từ các hạn chế xuất khẩu trong giai đoạn 2008 đã đẩy giá gạo toàn cầu lên 52%.

Các nước cũng có thể tiến hành đáp trả lại những lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này bằng lệnh cấm mặt hàng khác, đẩy giá cả toàn cầu lên cao hơn nữa kể cả khi lạm phát đã được kiềm chế.

Khoảng 80% dân số thế giới sống tại những quốc gia nhập siêu lương thực. Các nhà kinh tế gợi ý rằng giải pháp tốt hơn cho việc cấm xuất khẩu đó là mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và giữ cho hoạt động giao thương ổn định. Cách tốt nhất để hiện thực hóa những đề xuất này là giải quyết xung đột tại Ukraine, hoặc ít nhất là giúp ngũ cốc được tự do vận chuyển.

 

Nguồn: Internet