Cần hướng đi mới cho nông sản trên sàn thương mại điện tử
21:01 - 05/04/2024
Các sàn thương mại điện tử kiểu mới có thể mở ra một cánh cửa mới đưa nông sản, đặt biệt là các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới
Nông sản khó tiếp cận người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử
Chiều 25/3, đại diện các Bộ NN-PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông họp thảo luận về Kế hoạch hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nhấn mạnh, kể từ sau đại dịch, phương thức giao dịch trên sàn TMĐT ngày càng vượt trội với sự chủ động của các chủ thể gồm cả nông dân, sàn thương mại, HTX,... và Bộ NN-PTNT là cơ quan thúc đẩy các hoạt động này.
Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn đối mặt với nhiều khó khăn như nông dân cần được “chuyên nghiệp hóa” từ đăng ký kinh doanh, sản xuất, thương mại, liên kết sản xuất, tập huấn về sản phẩm và hoạt động trên sàn TMĐT. Ông Toản cho rằng khó khăn nằm ở chỗ mối liên kết giữa nông dân và sàn TMĐT chưa thực sự bền chặt so với việc nông dân thông qua HTX đưa nông sản vào các chuỗi bán lẻ do sự phụ thuộc vào lưu trữ hàng và chiết khấu hợp lý cho người tiêu dùng.
Nền tảng Thương mại Điện tử Postmart ra đời vào năm 2019 với sứ mệnh gắn kết người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm nông sản, đồng thời bảo trợ cho người nông dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Postmart là sàn TMĐT chuyên cung cấp các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đạt chuẩn OCOP, VietGAP và đặc sản từ các vùng miền tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), mặc dù đã nỗ lực, sàn Postmart vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi sau hơn 2 năm hoạt động. Ông Tuấn phân tích, một trong những nguyên nhân chính là do nông dân vẫn chưa có thói quen tham gia sàn TMĐT mà chỉ giao thương với thương lái.
Trong bối cảnh đó, ông Tuấn kiến nghị Bộ NN-PTNT cần có chiến lược cụ thể nhằm đưa nông sản tươi lên sàn TMĐT, khuyến khích nông dân và thương lái tham gia chuỗi giá trị, lấy ví dụ về việc thay vì tận dụng kênh B2B (Business to Business - hình thức kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), có thể triển khai theo kênh B2B2C (Business To Business To Customer - mô hình kinh doanh có sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp B2B để bán sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối cùng).
Ông khẳng định: “Sự hỗ trợ từ các chương trình khuyến nông và các sáng kiến do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) lan tỏa sẽ giúp chúng tôi thúc đẩy phát triển thị trường điện tử. Hai bên cần trao đổi xuyên suốt, gửi các báo cáo hàng quý tới Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, qua đó giúp tăng cường sự chú ý và hỗ trợ từ các Bộ, ngành liên quan”.
Quyết định số 924/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 đã mở ra hướng đi quan trọng, xác định nông thôn thông minh là những vùng có kết nối điện tử với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc triển khai thương mại nông sản điện tử còn đối mặt với nhiều khó khăn, với sự chồng chéo và đan xen giữa trách nhiệm của các Bộ, ngành. Do sàn TMĐT yêu cầu quy trình chặt chẽ, pháp lý phức tạp nên nông dân và thương lái gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Để giải quyết vấn đề này, cần tạo điều kiện cho nông dân trở thành những nhà vận hành sàn TMĐT.
Thoát khỏi hướng tiếp cận truyền thống của TMĐT
Một trong những giải pháp tiềm năng là tận dụng sức mạnh của mạng xã hội như TikTok. Giao dịch trên TikTok có lợi thế với sự kết nối sâu rộng giữa các KOL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt) và khán giả, cùng với sự phát triển của hệ thống logistic. Đặc biệt, lực lượng thanh niên nông thôn đang trở nên năng động và dễ dàng tiếp cận ứng dụng TikTok, là một cơ hội để thúc đẩy thương mại nông sản điện tử.
Chia sẻ ý kiến về tận dụng bên thứ ba để đưa sản phẩm nông sản của nông dân đến với người tiêu dùng, ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) cho rằng đây là một phương án mới trong bối cảnh xu thế nông sản được bán trên sàn TMĐT có phần đang chững lại.
Theo ông Huấn, việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT đã chậm lại trong hai năm trở lại đây và việc duy trì sản phẩm OCOP trên kênh bán hàng gặp nhiều khó khăn do sản phẩm có tính thời vụ, nhiều rào cản về ký gửi, logistic, chủ thể khó thích ứng với TMĐT...
Tuy nhiên, kể từ khi TikTok Shop phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT nhằm tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX trong số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), sản phẩm nông sản được thúc đẩy hiệu quả tới người tiêu dùng.
Lý giải về sự thành công này, ông Huấn cho rằng việc đưa nông sản lên sàn TMĐT kiểu mới như TikTok Shop có nhiều ưu điểm như tối ưu hóa sự tương tác giữa chủ thể sản xuất và người tiêu dùng, tận dụng sự hiểu biết của những người có kiến thức về nền tảng số mới để tối ưu hóa hiệu quả tìm kiếm sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng... Các sàn thương mại hiện tại cũng đang đi theo xu hướng này. Từ đó, đào tạo không chỉ nông dân là chủ thể sản xuất mà còn đào tạo của những những người địa phương có sức ảnh hưởng tốt và hiểu về sản phẩm để thúc đẩy nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng có thể gọi đây là lực lượng “sale số”, cần được tận dụng để mở ra hướng đi mới thoát khỏi sàn thương mại truyền thống.
Đầu tháng 1/2024, tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách đã diễn ra 4 phiên livestream đến từ bốn nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên nền tảng TikTok thuộc chương trình “Chợ Tết miền Tây” do TikTok Việt Nam phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức. Phiên livestream này đã có 19,5 triệu lượt tiếp cận trên nền tảng, tạo ra hơn 5.000 đơn hàng. Trong 4 tiếng livestream, 4 nhà sáng tạo nội dung đã bán được hơn 1.500 đơn lạp xưởng Tiền Giang, 714 đơn cây cảnh cho vựa cây giống Huyền Linh (Chợ Lách) và hơn 300 đơn hàng thịt gác bếp.