Cần văn bản pháp lý hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi
22:49 - 22/06/2024
TP.HCM Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, hiện đơn vị đang rà soát để ban hành Danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính cập nhật.
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Còn nhiều vướng mắc trong khi kiểm kê khí nhà kính
Đó là kiến nghị mới nhất của Hội chăn nuôi Việt Nam gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Do sản xuất chăn nuôi trong nước là lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn nên việc đưa các cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính lúc này cần có lộ trình phù hợp.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, chăn nuôi là một trong những lĩnh vực gây ảnh hưởng trực tiếp vào phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính (đặc biệt là chăn nuôi bò) chính là tác nhân dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, kiểm soát môi trường và khí phát thải chăn nuôi của Việt Nam đang gặp nhiều bất cập, do không gian chăn nuôi trong nước rất chật hẹp. Việt Nam đang thuộc tốp những nước có mật độ chăn nuôi lớn nhất thế giới (khoảng 0,8 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp); đàn lợn đứng thứ 6, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới…quy mô chăn nuôi nhỏ chiếm tỉ lệ cao; công nghệ xử lý chất thải chưa hoàn thiện và chưa phù hợp, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ.
Hơn nữa, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, nếu dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022 được thông qua, sẽ có khoảng 4.200 cơ sở thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính.
Tuy nhiên, việc kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới đối với nhiều cơ sở chăn nuôi, do đó cần có thêm thời gian và nguồn lực để tiến hành, đặc biệt trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay. Do đó, chỉ nên khuyến khích, dựa trên tinh thần tự nguyện của các doanh nghiệp lớn.
Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng nêu ra một loạt những bất cập nếu áp dụng ngay việc kiểm kê khí nhà kính đối với cơ sở chăn nuôi. Cụ thể, phát sinh chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước, vốn hiện nay đã đang rất cao so với các nước phát triển.
Chỉ tính riêng kinh phí chi cho hoạt động kê khai, hàng năm mỗi cơ sở chăn nuôi đã mất từ 100-150 triệu đồng; sau đó các cơ sở thuộc diện này buộc phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải theo hạn ngạch Carbon. Nếu không đạt sẽ bị xử lý vi phạm, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi và phát sinh các tiêu cực không đáng có.
“Nên để lộ trình đối với cơ sở chăn nuôi, ví dụ kéo dài thêm khoảng 3 đến 5 năm nữa để người chăn nuôi kịp chuẩn bị sửa sang tu sửa chuồng trại để đảm bảo có thể kê khai và giảm xuống được, các cơ quan quản lý lĩnh vực chăn nuôi cũng có thời gian vừa phải làm quen lĩnh vực mới, vừa có những công nghệ đáp ứng", ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Khi hưởng lợi, người nuôi sẽ tái đầu tư xử lý môi trường
Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, hiện đơn vị đang rà soát để ban hành Danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính cập nhật.
Theo đó, số lượng cơ sở cần kiểm kê tăng từ 1.912 lên 2.171 cơ sở. Cụ thể, theo danh mục cập nhật, ngành Công thương sẽ có 1.805 cơ sở thuộc đối tượng các nhà máy nhiệt điện, cơ sở công nghiệp. Ngành giao thông vận tải có 75 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa phải kiểm kê.
Ngành xây dựng có 229 cơ sở là các doanh nghiệp sản xuất xi măng, các tòa nhà thương mại. Còn đối với lĩnh vực Tài nguyên và môi trường có 62 cơ sở xử lý chất thải rắn phải thực hiện kiểm kê. Các cơ sở này cũng được quy định cụ thể về mức tiêu thụ năng lượng, đáp ứng đúng tiêu chuẩn cần phải kiểm kê.
Ngoài ra, số lượng cơ sở chăn nuôi cũng rất lớn. Trừ các trang trại chăn nuôi bò sữa, trại giống lợn của các công ty, tập đoàn trực tiếp quản lý có đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật tốt có thể thực hiện được kỹ thuật kiểm kê và áp dụng nghiêm túc các quy trình giảm phát thải nhà kính còn phần lớn các trại chăn nuôi đều chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, việc kiểm kê khí nhà kính ở trang chăn nuôi cũng là đúng, nhưng người chăn nuôi đang rất quan tâm là Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải tính toán đưa ra con số về chỉ tiêu chất thải cụ thể trên đàn heo, bò, gà… của một trang trại có quy mô như thế mức phát thải là bao nhiêu, đồng thời khi đã xử lý đạt chuẩn về xả thải về môi trường, giảm thải khí CO2 họ sẽ được gì.
“Người chăn nuôi rất muốn tham gia kê khai khí nhà kính vì được lợi cho chính mình và môi trường xung quanh, đặc biệt về phát thải nhà kính. Tuy nhiên, cần đơn giản hóa và có những văn bản pháp luật cho người chăn nuôi thực thi theo hướng dẫn thì sẽ tốt hơn. Đặc biệt, khi đã quy ra được tín chỉ giao dịch, người chăn nuôi được lợi họ sẽ lại tái đầu tư cho xử lý môi trường tốt hơn”, ông Công nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, Nhà nước cần có chính sách phù hợp, đầu tư công nghệ phù hợp, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật để giúp cho người chăn nuôi biết kiểm kê và ứng dụng công nghệ giảm phát thải hiệu quả. Hội Chăn nuôi Việt Nam cùng với các hiệp hội khác vừa kiến nghị với Chính phủ, Nhà nước cần phải có lộ trình trong việc thực thi kiểm kê về khí nhà kính trong lĩnh vực chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Dương dẫn chứng cụ thể, Tập đoàn TH là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này, đã làm trong 4 năm qua, mất 2 năm đầu chỉ triển khai được hoạt động kê khai khí nhà kính của các trại và rất khó khăn, mặc dù đã có sự đầu tư lớn và hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia nước ngoài.
Do đó, không nên áp dụng phổ biến ngay trên toàn diện ngành chăn nuôi với quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích và tự nguyện áp dụng.
“Hiện nay số lượng các tổ chức dịch vụ và chuyên gia trong nước có đủ trình độ và kinh nghiệm hướng dẫn việc kiểm kê và các biện pháp kiểm soát khí nhà kính trong lĩnh vực chăn nuôi rất ít, cần phải tăng cường khâu đào tạo”, ông Dương nhấn mạnh.
Hội Chăn nuôi Việt Nam đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay, hoặc tới năm 2027. Việc lùi thời gian nhằm giúp các cơ quan quản lý, các đơn vị dịch vụ và người chăn nuôi có thêm điều kiện làm quen, tiếp thu được kiến thức, công nghệ phù hợp, chuẩn bị các nguồn lực để có thể thực thi được những vấn đề rất còn mới mẻ và phức tạp này.
"Chăn nuôi trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, người chăn nuôi đang phải vật lộn với những vấn đề giá đầu vào, đầu ra, dịch bệnh…Việc xử lý môi trường, đặc biệt là phát thải khí nhà kính là lợi ích cộng đồng, cho nên nếu chỉ là người chăn nuôi đứng ra gánh vác thì khó thực thi. Kinh nghiệm của rất nhiều nước chỉ đưa vào khuyến khích áp dụng và có lộ trình cho người chăn nuôi tự nguyện áp dụng sẽ phù hợp với điều kiện của nước ta và chia sẻ được với khó khăn của người chăn nuôi Việt Nam", ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), với mục tiêu và lộ trình cắt giảm khí nhà kính mà Chính phủ đã ban hành, Việt Nam cần áp dụng quản lý số liệu phát thải khí nhà kính của các cơ sở chăn nuôi trên cơ sở tính toán, số liệu hoạt động của Bộ NN-PTNT, trong đó cần yêu cầu các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện kiểm kê khí nhà kính ngay từ giai đoạn này và thực tế hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn đang thực hiện cơ bản xong việc kiểm kê này.
Bởi đây là yêu cầu của quá trình kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của IPCC, trong đó, ngành chăn nuôi có tỷ lệ khá lớn đối với tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Các cơ sở chăn nuôi lớn được yêu cầu cung cấp số liệu hoặc lập báo cáo kiểm kê tùy thuộc phương thức quản lý của từng nước và hệ thống quản lý số liệu về phát thải khí nhà kính. Khi đã có các báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp sẽ có nhận thức được các cơ hội giảm phát thải ngay trong quá trình sản xuất của mình.