'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%
12:39 - 04/01/2025
BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.
Một mình Gia Lai tiếp tục đẩy giá tiêu đi lên hôm nay
Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá
Giá cà phê trong nước giảm tuần thứ ba liên tiếp, dự báo 'nóng' tuần tới
Thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu gạo
Nhằm giúp bà con nông dân tiếp cận cơ giới đồng bộ trong sản xuất và sử dụng những giống lúa chất lượng cao trên một xứ đồng, hướng tới hình thành vùng lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung, vụ mùa 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã xây dựng mô hình “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – Cánh đồng không dấu chân” tại các xã Sùng Nhơn (huyện Đức Linh) và xã Bắc Ruộng (huyện Tánh Linh) với tổng diện tích 45ha. Trong đó, xã Hùng Nhơn 20ha với 53 hộ tham gia, xã Bắc Ruộng 25ha với 29 hộ tham gia.
Các hộ dân tham gia được hướng dẫn sản xuất lúa áp dụng cơ giới đồng bộ bằng máy sạ cụm, phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, tưới nước ngập - khô xen kẽ. Đồng thời tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Ngoài ra, nông dân được hướng dẫn ghi chép nhật ký điện tử đồng ruộng từ app "Nông nghiệp số Bình Thuận" do Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận chủ trì tổ chức xây dựng.
Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, thực hiện mô hình này, bà con được hỗ trợ lượng giống 12kg/sào (sào 1.000m2). Với việc áp dụng sạ cụm trong sản xuất nên trên thực tế bà con chỉ sạ với lượng giống 10kg/sào và đã giảm 50 – 60% lượng giống sạ so với sản xuất thông thường. Đồng thời, áp dụng quy trình tưới tiết kiệm ướt - khô xen kẽ “5 khô – 5 ướt”.
Dù trong mô hình chi phí phân bón cao hơn ngoài mô hình do bón lót phân hữu cơ với lượng 1.200kg/ha (ngoài mô hình chỉ sử dụng phân bón hóa học), tuy nhiên việc bổ sung phân hữu cơ giúp tăng độ phì nhiêu, chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất. Từ đó có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái, giúp nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa.
Theo ông Sơn, kết quả các mô hình cánh đồng “không dấu chân” đã giúp nông dân giảm từ 30 – 50% số lần phun thuốc BVTV so với ngoài mô hình.
“Mặc dù mô hình chi phí đầu tư của một số mục cao hơn ngoài mô hình như phân bón hữu cơ, tiền sạ cụm, công bón lót. Tuy nhiên một số chi phí khác giảm rõ rệt như tiền giống, tiền phân hóa học, thuốc BVTV, công phun thuốc BVTV…”, ông Sơn khẳng định.
Điển hình như ông Phan Văn Năm ở thôn 2, xã Hùng Nhơn nhờ tham gia mô hình đã giúp sản xuất lúa giảm được lượng phân bón hóa học và số lần phun thuốc BVTV đáng kể.
Theo ông Năm, với diện tích 6,5 sào, ngoài bón lót bằng phân hữu cơ được nhà nước hỗ trợ, ông đã bón thúc 3 lần phân với chi phí hơn 2,8 triệu đồng và chỉ phun thuốc BVTV 1 lần/ vụ với chi phí 580 ngàn đồng. Do đó, tổng chi phí đầu tư của ông hơn 18,5 triệu đồng. Với năng suất lúa tươi đạt gần 62 tạ/ha, tăng hơn 3 tạ/ha so với ngoài mô hình, sau khi trừ chi phí, ông đạt lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha.
Mới đây, các mô hình được tổng kết cho thấy đã giúp nông dân giảm được lượng giống từ 50 - 60%, năng suất tăng hơn 3 tạ/ha và so với ruộng ngoài mô hình. Hơn nữa, các mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của nông dân. Từ đó giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển.
Hơn nữa, lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương được thương lái mua với giá cao hơn từ 200 - 400 đồng/kg, thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại nhiều lợi ích và thu nhập cao hơn cho nông dân, từng bước xây dựng thương hiệu, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Cũng theo ông Ngô Thái Sơn, vụ đông xuân 2024 - 2025, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Net Zero triển khai 4 mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – Cánh đồng không dấu chân tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh với diện tích trên 50ha để đo giảm phát thải carbon, có thêm thu nhập. Đây cũng là cơ sở để giúp nông dân đẩy mạnh sạ thưa từ 12kg/sào trở xuống bằng sạ cụm, bình đeo vai và cả máy cấy. Tiến tới đến cuối năm 2026, toàn tỉnh Bình Thuận có ít nhất 30.000 - 40.000ha sạ dưới 12kg/sào.