Cây khoai sọ biến Bản Mù thành điểm sáng

Cây khoai sọ biến Bản Mù thành điểm sáng

22:26 - 07/12/2023

YÊN BÁI Từ chỗ e dè với loài cây bản địa, đồng bào dân tộc huyện Trạm Tấu giờ cứ mở rộng ra mãi những diện tích trồng khoai sọ.

Thái Nguyên: Hỗ trợ bò sinh sản, tạo sinh kế giúp nhiều bà con TP.Sông Công dần thoát nghèo
Chặt tre nuôi dúi, năm đút túi 200 triệu đồng
Du lịch nông thôn Albania thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm
Con động vật quái ác này đang phá hại cây dưa leo, ngành chức năng Vĩnh Long khuyến cáo điều gì?
Giá cà phê đồng loạt giảm, tỉnh nào cũng khan hiếm cà phê, Lâm Đồng giá tụt thấp nhất
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy tham gia trồng khoai sọ cùng đồng bào Mông xã Bản Mù. Ảnh: Báo Yên Bái.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy tham gia trồng khoai sọ cùng đồng bào Mông xã Bản Mù. Ảnh: Báo Yên Bái.

Hỏi Giàng A Vầu, khoai sọ trồng trên đồng đất xã Bản Mù được bao lâu rồi, chàng trai người Mông bẽn lẽn bảo không nhớ. Ngước nhìn về rặng núi phía xa, nơi gia đình anh cùng hàng xóm đang được Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) hỗ trợ và triển khai Dự án A4P, Vầu bảo: Từ thuở mới chập chững biết đi, đã thấy họ hàng trồng giống này.

Theo lời người thanh niên, đồng bào dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu gọi củ khoai sọ là “kò cay”, dịch ra là "một loại củ gần bằng quả trứng. Là một loại ngũ cốc, nên khoai sọ được đồng bào dân tộc Mông đời đời vun đắp, nhằm phục vụ cho sinh hoạt của chính mỗi gia đình.

Là cây trồng bản địa từ xa xưa, khoai sọ đặc biệt phù hợp với những triền núi cao chót vót. A Vầu bảo, nơi đây toàn đồi núi dốc, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì khô nóng. "Trồng được cây gì lên là quý cây đó, huống hồ đó còn là cây cứu đói", vị Giám đốc HTX Bản Mù bộc bạch.

Vài năm trở lại đây, khi sản phẩm khoai sọ Trạm Tấu được nhiều người trên cả nước biết đến, bà con mới bảo nhau rải vụ, tăng năng suất cây trồng. Khoai sọ không những là cây xóa đói giảm nghèo, mà sâu xa hơn, đó còn tạo ra một thứ văn hóa vô hình, mà mỗi khi nhắc tới Trạm Tấu, ai ai cũng nghĩ tới nông sản này.

Thực ra, thì HTX Kinh doanh sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hưng Thúy đã nâng tầm khoai sọ Trạm Tấu lên sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ dẻo thơm, đậm vị và có hàm lượng dinh dưỡng cao, khoai sọ có thể dùng để luộc, nấu canh xương, làm bánh... Một số xã thuộc Trạm Tấu đã chủ động tuyên truyền đồng bào chuyển đổi những diện tích trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng khoai sọ.

Đến nay, tất cả các xã và thị trấn của Trạm Tấu đều trồng khoai sọ. Phòng NN-PTNT huyện cho biết, người dân giờ rất hăng hái trồng khoai sọ, diện tích tăng trưởng có lúc gấp đôi, gấp rưỡi so với năm trước. Nguyên nhân bởi, loại cây này ưa môi trường tự nhiên, người dân không phải chăm sóc thường xuyên. Nếu đất bạc màu, chỉ cần cải tạo một chút là vẫn đảm bảo được năng suất thu hoạch.

Tại Trạm Tấu, khoai sọ là cây lương thực đứng sau lúa và ngô. Cùng với gà đen bản địa, măng ớt, UBND huyện xác định khoai sọ là một trong những sản phẩm đặc hữu của huyện. Nếu chăm bón tốt, khoai sọ cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa và hoàn toàn đủ tiềm năng trở thành vùng hàng hóa quy mô lớn, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân vùng cao.

Người dân thuộc HTX Bản Mù thu hoạch khoai sọ. Ảnh: Bảo Thắng.

Người dân thuộc HTX Bản Mù thu hoạch khoai sọ. Ảnh: Bảo Thắng.

Khoai sọ Trạm Tấu được trồng trên nương, nơi đất tơi xốp có nhiều mùn đen. Thời gian trồng từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4 khi trời bắt đầu mưa, đất nương đồi ẩm ướt. Vụ thu hoạch chính từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11 khi mùa mưa chấm dứt.

Trước khi được các chuyên gia, trong đó có tổ chức ICRAF, tư vấn người nông dân Bản Mù hầu như chỉ áp dụng phương thức canh tác khoai sọ trên đất trồng cây hàng năm, dẫn đến sản lượng thấp. Hiện tại, giống, phân bón, thuốc BVTV và kĩ thuật gieo trồng, thu hoạch… đều được bà con nâng thêm một bước. Năng suất đạt được đã tăng từ 30 - 35% so với trước kia.

 

Từ thực tế ấy, cộng thêm quyết tâm khai phá tài nguyên bản địa, cũng như đảm bảo cuộc sống ấm no cho đồng bào, Thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu, Đảng ủy, chính quyền xã Bản Mù đã tích cực vận động người dân thay đổi nhận thức, coi khoai sọ là giải pháp giúp thoát nghèo bền vững.

Tính cạnh tranh của khoai sọ Trạm Tấu nằm ở điều kiện tự nhiên của nơi này. Do được trồng trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, trên các triền đồi thoải, sản phẩm có hương vị đặc trưng và chất lượng cao. Đặc biệt, khoai sọ Trạm tấu gần như được trồng theo phương pháp hữu cơ nên đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như sức khỏe người tiêu dùng. 

Nếu như trước đây, ai nói trồng khoai sọ để thoát nghèo, hẳn Giàng A Vầu sẽ nghĩ người kia "gặp vấn đề". Nhưng từ khi bắt tay vào việc gây dựng, phục tráng lại giống cây này, vị giám đốc trẻ mới thấy đó không phải chuyện viển vông. Anh nhẩm tính, nếu khoai phát triển tốt, người dưới xuôi sẽ lên tận nương thu mua, với giá khoảng 15.000 đồng/kg. Với mỗi 100m2 đất đồi, người trồng chỉ phải bỏ sức và thu về ngót nghét 2 - 4 triệu đồng/vụ. "Cầm tiền rồi mới tin được, các anh ạ", Vầu phấn khởi chia sẻ. 

Qua nhiều khảo nghiệm, nghiên cứu, cây khoai sọ đã khẳng định được sự phù hợp với điều kiện tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Ảnh: HTX Bản Mù.

Qua nhiều khảo nghiệm, nghiên cứu, cây khoai sọ đã khẳng định được sự phù hợp với điều kiện tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Ảnh: HTX Bản Mù.

Nhờ đứng vững được trên đôi chân, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Bản Mù mở rộng mô hình sản xuất. Trước mắt là mời anh em, hàng xóm tham gia cùng trồng, cùng chăm bón và thu hoạch khoai sọ. Kế đến, họ tự giới thiệu, quảng bá cho sản phẩm đặc biệt qua mạng xã hội.

Kênh bán hàng của HTX, chủ yếu do chính các thành viên tự bảo ban nhau thực hiện. Mỗi khi có khách hàng quan tâm là họ mừng lắm. Giàng A Vầu bảo, một số người nói thạo nhưng viết chưa thạo tiếng Kinh nên lúc gặp câu khó, lại phải chạy đi hỏi. 

Gọi là Bản Mù vì nơi đây núi non trập trùng. Muốn đến được trung tâm xã phải "canh giờ", "xem nắng" nếu như không muốn chìm trong biển sương miền rẻo cao. Đường lên Bản Mù, từng có lúc, như một người bịt mắt dò dẫm từng bước đi.

Tuy nhiên, những năm tháng khó khăn ấy có lẽ đã ở lại phía sau. Bản Mù nay trở thành “điểm sáng” của huyện Trạm Tấu trong phong trào thoát nghèo từ cây khoai sọ. Những câu chuyện xưa cũ, về cây thuốc phiện, về cúng ma rừng không còn, thay vào đó là việc bảo tồn, phục tráng giống khoai sọ địa phương qua các tổ chức quốc tế, chẳng hạn ICRAF với Dự án "Nông nghiệp sinh thái cho cảnh quan bền vững nhằm giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc" (A4P).

Từ “điểm sáng” Bản Mù, huyện Trạm Tấu đã thuyết phục các địa phương khác làm theo. Những diện tích trồng khoai sọ cứ thế mở mãi ra trên toàn huyện.

Bản Mù được coi là thủ phủ khoai sọ ở Trạm Tấu, bởi diện tích và chất lượng khoai đứng hàng số một. Năm 2023 này, xã lên kế hoạch trồng khoảng 130ha khoai sọ, xếp trên Xà Hồ (100ha), Bản Công (110ha). Trong các thôn tham gia, Mù Thấp trồng nhiều nhất, với trên dưới 40ha.

Phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu cho biết, năm 2023 địa phương trồng khoảng 600ha khoai sọ. Đồng thời, tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về cơ sở sơ chế và chế biến đóng gói sản phẩm khoai sọ nương, với mong muốn nâng cao chất lượng, đồng thời đưa hương vị núi rừng đến tay nhiều người tiêu dùng hơn nữa.