Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá
15:39 - 06/01/2025
Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.
Lịch lấy nước đợt 1 vụ đông xuân vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ
Xây dựng ngành nông nghiệp thủ đô đa lĩnh vực, giá trị cao
Xã Long Đức chuyển mình từ chương trình nông thôn mới
Cây mì Bình Định được mùa nhưng bị mất giá
Thị trường giảm sức mua
Năm nay, nhờ sử dụng giống mới, tuân thủ quy trình thâm canh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá cao, nhưng giá bán giảm khiến người trồng mì kém vui.
Chị Hà Thị Như Nguyệt (46 tuổi) ở thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh, Bình Định) trồng 18ha mì giống KM94. Sau 10 tháng chăm sóc, cây mì cho năng suất ước đạt từ 1,5 - 1,7 tấn/sào (500m2/sào). Theo chị Nguyệt, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, giống mì sạch bệnh khảm lá nên sâu bệnh không phát sinh, cây mì cho năng suất ổn định. Tuy nhiên, dù năng suất đạt khá nhưng chị Nguyệt không mừng vì giá mì giảm mạnh.
“Đầu vụ mì còn đứng ở mức giá 3.300đ/kg (mì có hàm lượng tinh bột 30%), giảm 400 - 500đ/kg so với năm ngoái. Đến giữa tháng 12 năm nay thì giá rớt thảm, chỉ còn 2.700 đồng/kg”, chị Nguyệt chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Tiến, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, năm nay nông dân trong huyện trồng hơn 450ha mì, năng suất ước đạt từ 24 - 25 tấn/ha, tăng khoảng 1 tấn/ha so với năm ngoái. Dự kiến đến giáp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, người trồng mì ở đây sẽ hoàn tất vụ thu hoạch. Giá mì giảm có thể làm ảnh hưởng đến tính bền vững của nghề trồng mì, nhất là khi đầu ra của cây mì phụ thuộc lớn vào sự biến động của thị trường.
Cây mì tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh cũng không ngoại lệ. Huyện Vĩnh Thạnh là địa phương có diện tích mì khá lớn với hơn 1.200ha, cây mì ở đây cũng đang đối mặt với tình trạng giá giảm sâu, người trồng mì không khỏi âu lo. Theo ông Trần Minh Thường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh, đầu vụ giá mì còn đứng ở mức 3.200đ/kg nhưng do thị trường xuất khẩu tinh bột mì giảm mạnh trong 2 tháng qua nên Công ty phải thu mua với giá 2.500đ/kg, thấp hơn từ 500 - 700đ/kg so với trước đó.
“Nguyên nhân do thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ chủ yếu sản phẩm tinh bột mì của Việt Nam đã giảm sức mua. Thêm vào đó, các quốc gia Lào, Thái Lan cũng gia tăng sức cạnh tran, tăng sản lượng, chào bán với giá thấp hơn nên giá mì của Việt Nam bị ảnh hưởng", ông Thường thông tin.
Chuỗi liên kết là “sinh lộ” của cây mì
Xác định giải pháp quan trọng để phát triển bền vững cây mì chính là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, ông Mai Đình Chương, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm (huyện Vân Canh, Bình Định) cho hay: Để ổn định sản xuất, mỗi ngày nhà máy thu mua từ 600 - 800 tấn mì nguyên liệu, chủ yếu từ Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum. Điều này cho thấy nhu cầu về mì nguyên liệu là rất lớn, hoạt động của các nhà máy chế biến mì cần đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định.
“Vụ sản xuất năm 2025, Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm dự kiến hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng mì, sẽ tăng thêm khoảng 500 - 700ha so với năm 2024. Ngoài ra, Công ty sẽ cung cấp giống mì KM94 sạch bệnh khảm lá để đảm bảo nguồn giống cho các vụ mùa tiếp theo. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân và nhà máy”, ông Mai Đình Chương cho hay.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, mì hiện là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân Bình Định với tổng diện tích gần 9.400ha, trong đó giống mì KM94 chiếm đến 90% diện tích. Mặc dù vụ sản xuất năm 2024 năng suất đạt khá (gần 28,3 tấn/ha), tăng so với năm trước nhưng cây mì vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về giá cả và thị trường tiêu thụ.
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định, theo lộ trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, cây mì tiếp tục được chú trọng phát triển, đặc biệt là những giống mì có năng suất, chất lượng cao, sạch và kháng bệnh khảm lá. Trong năm 2025, Bình Định sẽ duy trì diện tích mì khoảng 9.290ha, năng suất bình quân đạt 28,4 tấn/ha, sản lượng đạt 263.600 tấn.
“Đến năm 2030, Bình Định phấn đấu mở rộng diện tích trồng mì lên 10.000ha, năng suất đạt 33 tấn/ha và sản lượng đạt 330.000 tấn. Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp Bình Định là phát triển các giống mì có chất lượng cao, chống chịu bệnh và kháng bệnh tốt như HN1, HN3, HN5; đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển”, ông Kiều Văn Cang chia sẻ.
Cũng theo ông Cang, để phát triển cây mì bền vững, Bình Định sẽ khuyến khích nông dân hình thành các vùng sản xuất mì tập trung gắn với các nhà máy chế biến, thực hiện liên kết vùng sản xuất và tiêu thụ. Các HTX nông nghiệp và nhà máy chế biến sẽ được khuyến khích ký kết hợp đồng dài hạn với nông dân nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và tăng giá trị cho cây mì.
“Bình Định sẽ hỗ trợ các mô hình canh tác mới như trồng mì luân canh với đậu phụng hoặc theo cơ cấu vụ, chẳng hạn đậu phụng vụ đông xuân - mì vụ hè thu ở các huyện Phù Cát, Tây Sơn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Kiều Văn Cang cho biết.