Cây sở không còn khổ sở
13:28 - 07/08/2024
NGHỆ AN Người dân một số xã ở huyện Nghĩa Đàn đang rất hào hứng khôi phục, mở rộng diện tích trồng và chế biến tinh dầu sở, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Cây sở không những mở lối thoát nghèo, mà còn đem lại thu nhập khá cho bà con đồng bào các dân tộc miền núi huyện Nghĩa Đàn.
Một thời khổ sở
Từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, cây sở được Bộ Nông nghiệp trước đây (nay là Bộ NN-PTNT) chỉ đạo Sở Nông nghiệp Nghệ An trồng thử trên quy mô gần 10ha ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn và sau đó nhân rộng ra. Nhưng ngày ấy, việc đi sâu nghiên cứu giá trị của cây sở còn nhiều hạn chế, sản phẩm dầu ép ra từ quả sở còn rất thủ công nên chất lượng chưa tốt. Mặt khác, số người sử dụng dầu sở và dùng chế biến thành các sản phẩm khác chưa nhiều nên giá cả bèo bọt. Vì vậy, cây sở mai một dần, thậm chí gần như bị quên lãng. Một số diện tích cây sở còn lại được xem như một loại cây rừng, chỉ có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Những năm gần đây, cây sở được xác định là cây trồng vừa có tác dụng che phủ đất trống, đồi núi trọc để chống xói mòn, vừa là cây công nghiệp dài ngày thu hoạch quả, ép lấy dầu. Dầu sở thuộc loại dầu ăn cao cấp, dùng rất tốt cho sức khỏe con người và nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao. Vì vậy, cây sở ở Nghĩa Đàn đã được phục hồi một cách nhanh chóng, diện tích ngày càng được mở rộng và đi cùng với đó là chế biến thành sản phẩm tinh dầu sở đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Về xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, hai bên đường là những quả đồi thấp xanh bạt ngàn vừa cây keo xen lẫn cây sở. Anh Nguyễn Văn Đường ở xã Nghĩa Lộc kể rằng: Trước đây người dân chủ yếu lo làm sao có nhiều lúa, ngô, khoai, sắn để đủ cái ăn cho gia đình, ít người quan tâm đến cây sở. Mặt khác, hồi bấy giờ giá bán quả sở và dầu sở quá bèo bọt nên cây sở không những không ai trồng thêm mà còn giảm dần.
Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ hạt sở và dầu sở ngày càng tăng cao và tương đối ổn định nên bà con yên tâm mở rộng diện tích. Riêng gia đình anh Đường hiện có 2ha cây sở, năng suất đạt 6 tấn quả tươi/ha (tương đương 3 tấn hạt khô/ha), giá bán từ chỗ chỉ có 14.000 đồng/kg hạt khô (thời điểm năm 2019) nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg, cho thu nhập 150 triệu đồng/2ha/năm.
Bà con nông dân xã Nghĩa Lộc cho biết, cây sở từ khi trồng đến lúc cho quả mất 7 – 8 năm. Cái hay của cây sở là rất phù hợp với đất đai, khí hậu vùng đồi núi, lại cho năng suất khá ổn định, bình quân từ 2,5 – 3 tấn hạt khô/ha, thu nhập như hiện nay trên dưới 75 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt nữa ở cây sở là trồng 1 lần cho thu hoạch trên 20 năm nên chủ yếu chỉ mất công chăm sóc, đầu tư phân bón không đáng kể. Sở là cây lâu năm, rễ ăn sâu, khả năng tự nó huy động dinh dưỡng để phát triển rất tốt. Hàng năm từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch là mùa quả sở chín, bà con nông dân lại vào rừng thu hoạch quả.
Ông Lại Văn Dương – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết: Toàn xã hiện có hơn 250ha cây sở. Nhờ cây sở mà nhiều hộ gia đình của xã không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, ngoài gia đình ông Nguyễn Văn Đường còn có các gia đình khác như: Ông Đào Văn Toàn trồng 2,8ha cây sở cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; gia đình bà Bùi Thị Quyên trồng 2,9ha cho thu nhập 210 triệu đồng/năm… Ông Lại Văn Dương cho biết thêm, hiện nay xã đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng sở bởi cây sở vừa là cây cho thu nhập cao, vừa chống xói mòn, bảo vệ đất.
Ông Lưu Văn Thắng – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết, toàn huyện hiện có 500ha cây sở, tập trung ở các xã: Nghĩa Yên, Nghĩa Minh, Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm, Nghĩa Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Thọ. Hiện nay cây sở đang phát triển tốt, có hiệu quả hơn cây keo, đầu ra ổn định và còn có tác dụng bảo vệ đất, chống xói mòn, bảo vệ môi trường… UBND huyện đang xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng sở trên quy mô lớn ở tất cả các xã thay thế dần cây keo. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi khép kín.
Đầu tư vào chế biến sâu
Nghĩa Lộc là xã vừa có nhiều diện tích cây sở, vừa là xã có nhiều hộ gia đình dám mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm thiết bị máy móc để bảo quản, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ cây trồng này, điển hình như gia đình ông Nguyễn Duy Quang ở xóm Bình Minh.
Năm 2019, ông Quang đã đầu tư hơn 7 tỉ đồng xây dựng xưởng chế biến tinh dầu sở có công suất 20 tấn quả/ngày đêm. Ông Quang cho biết, hàng năm ông thu mua cho bà con ở tất cả các nơi có trồng cây sở trên 1.000 tấn quả, trong đó phần lớn để chế biến tinh dầu, còn lại được sấy khô để bán.
Đầu ra của sản phẩm qua chế biến khá ổn định, được tiêu thụ hết thông qua thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, sản phẩm tinh dầu sở của gia đình ông đạt sản phẩm OCOP 4 sao nên việc tiêu thụ càng thuận lợi.
Cùng với cơ sở chế biến của ông Quang, hộ ông Nguyễn Văn Lưu ở xóm Khe Sài (xã Nghĩa Lộc) cũng đã mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng hệ thống lò sấy, máy ép tinh dầu sở. Mỗi vụ ông thu mua trên 1.200 tấn quả sở cho bà con nông dân trong và ngoài xã, tạo việc làm cho 15 – 17 lao động.
Ông Lưu cho biết, sản phẩm dầu sở của ông qua nhiều kết quả phân tích của Viện Dinh dưỡng đều cho thấy giàu chất omega 6, omega 9…, tương đương với dầu Oliu và là loại dầu ăn cao cấp được ưa chuộng trên thị trường thế giới hiện nay.
Ông Lâm Văn Thắng – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Đàn hi vọng trong tương lai gần, cây sở ở huyện Nghĩa Đàn sẽ trở thành cây trồng chủ lực có quy mô lớn, thành vùng tập trung, được sản xuất và chế biến ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang thương hiệu tinh dầu sở cao cấp Nghĩa Đàn và được tiêu thụ rộng rãi cả thị trường trong và ngoài nước.
Cây sở thuộc họ chè, là cây trồng lấy hạt để ép dầu và cũng là cây trồng có tác dụng như cây rừng phòng hộ, chống xói mòn, bảo vệ môi trường. Hạt quả sở ép lấy dầu, tinh dầu sở là thực phẩm cao cấp rất tốt cho sức khỏe con người.
Bã hạt sở sau khi ép lấy dầu được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV sinh học, lá cây sở có thể phục vụ trong công nghiệp thuộc da. Hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đang xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu tinh dầu sở và tiếp cận doanh nghiệp Nhật Bản để giới thiệu sản phẩm tinh dầu sở Nghệ An đến với thị trường các nước.