"Cây tiền tỷ" trồng thành công ở Kon Tum khiến nhiều nhà giàu lên, ngành chức năng vẫn khuyến cáo điều này

10:59 - 05/07/2024

Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh chuyển hướng phát triển các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng. Tuy nhiên, việc trồng sầu riêng bền vững thì không phải ai cũng có kiến thức để áp dụng.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Nhận thấy cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Tân Sang, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã mạnh dạn đầu tư trồng 6 ha cây trồng này. Thời gian đầu chưa có kiến thức và hiểu biết về cây sầu riêng, ông gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: “Để có kiến thức canh tác cây sầu riêng, tôi đã phải tìm tòi, học hỏi ở nhiều nơi và trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Đến nay, vườn sầu riêng cơ bản phát triển ổn định, bước đầu cho thu nhập. Tuy nhiên, để áp dụng các biện pháp canh tác sầu riêng theo hướng bền vững thì không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ trồng sầu riêng trên địa bàn thực sự chưa có kinh nghiệm”.

 

Theo ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, hiện nay người nông dân cơ bản đã có kinh nghiệm sản xuất nhưng mới chỉ chú ý đến sản xuất theo lối truyền thống, chưa thực sự áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; chưa có hệ thống công vụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm sầu riêng để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

"Cây tiền tỷ" trồng thành công ở Kon Tum khiến nhiều nhà giàu lên, ngành chức năng vẫn khuyến cáo điều này- Ảnh 2.

Cây sầu riêng, trồng sầu riêng thành công đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân tỉnh Kon Tum. Ảnh: Q.T.

Thực tế cho thấy, hầu hết quy mô trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất, đầu ra chưa thật sự ổn định, chủ yếu bán qua thương lái. 

Chưa kể, hầu hết nông dân chưa được tập huấn về quy trình canh tác cây sầu riêng nên thiếu thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa, quản lý sâu bệnh hại để đảm bảo năng suất, chất lượng sầu riêng.

Ông Đặng Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho hay: “Một trong những điều người trồng sầu riêng quan tâm nhất là đảm bảo quá trình ra hoa và đậu quả diễn ra thành công, điều này đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật canh tác, bao gồm quản lý dinh dưỡng, dịch bệnh trên cây trồng. 

Bên cạnh đó, việc quản lý lượng nước tưới tiêu hợp lý cũng là một trong những yếu tố giúp đảm bảo năng suất và sự phát triển khỏe mạnh cho cây trồng”.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt như hiện nay, nhà nông trồng sầu riêng đang đối mặt nhiều thách thức, điển hình như áp lực sâu bệnh hại trên một số cây thâm canh diễn biến phức tạp về mật độ gây hại, tăng tính kháng. 

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng thực vật trong canh tác nông nghiệp nhằm tăng năng suất vẫn còn diễn ra. 

Do vậy, việc nâng cao nhận thức của nông dân trong trồng sầu riêng bền vững là rất quan trọng, trong đó có việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức của người sản xuất nông nghiệp về sử dụng thuốc BVTV.

Theo ông Đặng Văn Tuấn, để cây sầu riêng trong tỉnh phát triển bền vững thì ngành chức năng, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất từ tự phát sang trồng sầu riêng có kiểm soát như: Thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

 

Bên cạnh đó, cần gắn với các yếu tố như bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường đất, nước thông qua tổng hợp các giải pháp, trong đó có sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm nhằm bảo đảm tính bền vững trong quản lí sâu bệnh, kỹ thuật chuyên sâu về canh tác, dinh dưỡng đất, sinh thái vườn và quản lý nước hiệu quả. 

Qua đó, tạo ra nông sản an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên đất đai, nước.

Đẩy mạnh việc liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thành lập mã vùng trồng, sản xuất theo hướng an toàn. 

Đồng thời, tạo điều kiện để liên kết các vùng sản xuất sầu riêng trong tỉnh theo mô hình kinh tế tập thể để liên doanh một số doanh nghiệp mua sầu riêng xuất khẩu. 

Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập bền vững cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.