Cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu
16:43 - 05/11/2024
Việt Nam nên tiếp tục có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý, cũng như các giống mới xuất hiện để có một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại.
Một số giống sầu riêng có giá trị xuất khẩu cao
Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Điện Biên rất mong muốn nhà nước hỗ trợ để chăn nuôi đại gia súc
Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ giảm giá thu mua tiêu hôm nay, ngang với các tỉnh Gia Lai, Bình Phước
Campuchia đứng thứ ba thế giới về diện tích trồng điều
Trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách về công nghệ sinh học nông nghiệp, trong đó có nhiều chương trình, đề án trọng điểm nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp như Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT đến năm 2020; Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020; Đề án Phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030…
Mục tiêu của Phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 là phát triển ngành công nghiệp sinh học có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp. Nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học hiện đại của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực trên thế giới.
Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife Châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, đảm bảo thu nhập, nhất là tại các vùng chưa đảm bảo về nước tưới, vùng sâu, vùng xa.
Trải qua quá trình 10 năm phát triển công nghệ sinh học, Việt Nam đang trong giai đoạn rực rỡ nhất, theo bà Sonny. Nguyên nhân bởi đây là quãng thời gian đủ dài để các bên liên quan có những quan sát, nghiên cứu cặn kẽ về các thành tựu đã đạt được.
“Công nghệ chỉnh sửa gen đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam”, bà Sonny nhìn nhận và khuyến cáo Việt Nam nên có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý, cũng như các giống mới xuất hiện (cả về nông sản lẫn dịch hại) để có một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại.
Theo đại diện của CropLife, cơ quan quản lý nên là đầu mối tiên phong, đóng vai trò “mở đường” cho công nghệ sinh học, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới.
Bên cạnh việc tự nghiên cứu về biến đổi gen, bà Sonny đề nghị Việt Nam tham khảo công nghệ, chính sách của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines…
“Khi nhìn vào khung pháp lý của các quốc gia lân cận, CropLife thấy có sự tương đồng với Việt Nam. Tôi tin, các bạn sẽ thu được những kinh nghiệm quý báu khi phát triển các công nghệ sinh học trong tương lai”, bà nhấn mạnh.
GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp thông tin, diện tích ngô, bông, đậu tương biến đổi gen tại Việt Nam tăng rất nhanh. Từ 2015 đến nay, Việt Nam trồng hơn 1,3 triệu ha cây trồng biến đổi gen.
“Lợi nhuận của người nông dân khi sử dụng giống biến đổi gen là rất lớn”, ông Hàm đánh giá và nhấn mạnh, rằng người nông dân có thể tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích ít nhất từ 1,5 - 2 lần so với cây trồng thông thường.
Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, song song với việc ứng dụng các giống chỉnh sửa gen, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các khung pháp lý. Đây là yếu tố quan trọng khi thế giới đã tiến rất xa về chỉnh sửa gen.
Khi bước sang công nghệ chỉnh sửa gen (được thế giới đánh dấu vào khoảng thập niên 1990) bằng cách cắt bỏ, vô hiệu hóa axit nucleic mang tính trạng không mong muốn, Việt Nam có vẻ như bị tụt lại so với trước đây - giai đoạn chuyển gen kiểu cổ điển bằng cách sao chép gen nguồn vào gen mục tiêu.
Việc nâng cao công nghệ chỉnh sửa gen, theo GS.TS Lê Huy Hàm hết sức cần thiết, nhằm giúp sản phẩm Việt Nam tránh khỏi những ràng buộc không đáng có đối với sản phẩm biến đổi gen (GMO).
“Công việc sắp tới rất nhiều, bao gồm cả công nghệ, hệ thống pháp luật”, ông Hàm thừa nhận và kêu gọi các nhà khoa học, cơ quan truyền thông báo chí chung tay có một hệ thống quản lý sản phẩm chỉnh sửa gen một cách thống nhất.
Về chính sách và cơ chế phối hợp trong một ngành cụ thể của nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đặc thù của ngành thú y là liên tục tiếp xúc với các mầm bệnh mới, các sản phẩm công nghệ sinh học mới từ quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong nhóm thị trường lớn về tiêu thụ động vật. Chính bởi vậy, hệ thống thú y cần có công nghệ cao, đủ sức chẩn đoán sớm, phòng ngừa từ xa với dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi.
Cục trưởng Long đề xuất một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh tới cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển công nghệ sinh học.
“Trình một dự án công nghệ sinh học theo cơ chế Nhà nước mất nhiều thời gian, có thể khiến nghiên cứu cơ bản của Việt Nam bị "teo tóp”, lãnh đạo Cục Thú y bày tỏ và đề xuất một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các nghiên cứu ra đồng ruộng, thay vì “cất vào ngăn kéo”.