Chanh dây trở thành cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên
22:08 - 04/05/2024
Với lợi thế vùng trồng cũng như thị trường tiêu thụ, chanh dây đang được xem là cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân.
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
Nhu cầu tiêu thụ chanh dây ngày càng cao
Chanh dây là loại trái cây được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới không chỉ quả tươi mà còn ứng dụng rộng rãi trong ngành sản xuất nước giải khát. Trên thị trường thế giới, nhu cầu xuất khẩu chanh dây quả tươi của Việt Nam lên đến hàng trăm nghìn tấn/năm, trong khi nước ép chanh cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 sản lượng chanh dây trên thế giới giảm mạnh do ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, các nước Nam Mỹ đang đối mặt với tình hình diễn biến thời tiết ngày càng xấu, khô hạn kéo dài khiến cho việc sản xuất chanh dây nơi đây gặp nhiều khó khăn, sản lượng chanh dây của vùng Nam Mỹ đang dần mất ưu thế.
Trong khi đó, sản lượng chanh dây của Việt Nam cũng phần nào bị sụt giảm do tác động xấu bởi diễn biến giá cả của năm 2023. Cùng với đó, sự cạnh tranh của các loại nông sản khác khiến nhiều bà con nông dân chưa tự tin để tái canh chanh dây, dẫn đến vùng trồng bị thu hẹp, sản lượng giảm sâu.
Theo thông tin thị trường, nhu cầu chanh dây trên thế giới ngày càng tăng cao trong khi sản lượng tiêu thụ đang bị thiếu hụt trầm trọng. Ngoài ra hương vị chanh tím ngày càng được ưa chuộng trên thế giới là cơ hội cho chanh dây Việt Nam vươn xa hơn nữa. Tây Nguyên được xem là thủ phủ chanh dây của cả nước nhưng hiện cũng chỉ đủ cung cấp một phần nhu cầu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn.
Với nhu cầu ngày càng tăng, giá chanh dây đã tăng trở lại từ cuối năm 2023 đến nay. Không chỉ tăng giá, chanh dây còn có dấu hiệu phục hồi tốt trong những tháng tới. Theo các chuyên gia, mùa vụ 2024 – 2025, chanh dây dự đoán sẽ thắng lợi lớn khi vừa được mùa, được giá. Nếu bà con nông dân nắm bắt tốt cơ hội, gieo trồng chanh dây đúng thời điểm sẽ gặt hái được “quả ngọt”.
Chanh dây cho hiệu quả kinh tế bền vững
Với đặc tính thời gian sinh trưởng ngắn, thu hồi vốn nhanh, cho trái quanh năm, cây chanh dây kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong thời gian tới. Cây chanh dây phù hợp và phát triển tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng.
Là địa phương đứng đầu diện tích chanh dây trên cả nước, tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích lên 20.000ha vào năm 2025. Song song với đó, Gia Lai cũng đang chú trọng nâng cao chất lượng và tăng cường khâu chế biến để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiện chanh dây cũng được đưa vào nhóm 4 loại trái cây xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai, bên cạnh chuối, bơ và sầu riêng. Sau những thất bại từ chanh dây mùa vụ trước, nhiều hộ dân cũng đã “tỉnh đòn” hơn. Theo đó, nhiều hộ dân lựa chọn giải pháp trồng xen chanh dây cùng với các loại cây dài ngày để hạn chế rủi ro. Bởi với nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cây chanh dây vẫn cho hiệu quả kinh tế cao nếu biết nắm bắt nhu cầu thị trường.
Không chỉ phát triển được vùng nguyên liệu lớn, tỉnh Gia Lai còn thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm từ chanh dây.
Đóng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhà máy chế biến trái cây của Công ty TNHH Quicornac với công suất chế biến hàng chục ngàn tấn chanh dây tươi mỗi năm. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu của thế giới.
Hiện nhà máy chế biến trái cây của Công ty TNHH Quicornac đang sản xuất các mặt hàng chế biến từ chanh dây như: Nước chanh dây cô đặc đông lạnh, chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây tự nhiên. Các sản phẩm này được đóng gói dưới nhiều dạng bao bì khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng. Các sản phẩn chế biến từ chanh dây của nhà máy đã được phân phối đến hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Anh...
Theo Công ty TNHH Quicornac, hiện năng lực thu mua và chế biến của Quicornac là rất lớn, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định quanh năm cho người dân không những trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên mà còn các vùng trồng khác trên cả nước.
Để giúp người dân sản xuất chanh dây bền vững, trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng có Trung tâm giống chanh dây chất lượng cao Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. Theo đó, Công ty Thông Đỏ luôn mang đến cho bà con nông dân những cây giống chanh dây tốt, chất lượng. Minh chứng cho điều này, Công ty Thông Đỏ đã xây dựng Trung tâm giống cây trồng chất lượng cao vào tháng 5/2021 với tổng diện tích 120.000m2, tổng công suất hơn 25 triệu cây giống/năm. Trung tâm luôn nghiên cứu, sản xuất những giống chanh dây mới phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao và chất lượng tốt hơn.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, việc mở rộng diện tích trồng chanh dây phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững hơn.