Chè Trọng Nguyên "thăng hoa" nhờ chuyển đổi số
14:59 - 12/10/2024
"HTX chúng tôi đi lên được là nhờ ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình hoạt động, giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè Trọng Nguyên, chắp cánh chè Trọng Nguyên thành sản phẩm OCOP 4 sao, vươn ra thị trường ngoại tỉnh…" - Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận bảo vậy.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Những ngày đầu xây dựng thương hiệu Chè Trọng Nguyên
Đến với Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), nơi đang thực hiện nhiệm vụ bao tiêu, sản xuất, chế biến hơn 500 ha chè dưới chân dốc Pha Đin, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự lớn mạnh của HTX này.
Tuy mới thành lập được hơn 10 năm nhưng HTX đã có một cơ sở sản xuất với vùng nguyên liệu rộng lớn, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho hơn 400 hộ dân trong vùng. Được biết, cây chè ở Phỏng Lái này có 2 nguồn chính. Trong đó, một nguồn được người dân trồng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước với giống chè địa phương. Một nguồn khác đến từ quá trình đầu tư của công ty dịch vụ và phát triển chè Sơn La với giống chè Kim Tuyên thơn ngon nổi tiếng của Đài Loan. Phỏng Lái là nơi có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển; thời tiết nơi đây cũng khắc nghiệt nên đã tạo nên hương vị chè Phỏng Lái rất riêng. Bởi vậy chất lượng chè Phỏng Lái đã được nhiều khách hàng biết đến.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận cho biết: HTX của chúng tôi mới thành lập năm 2013 với nhiệm vụ bao tiêu lượng chè búp tươi cho nông dân trồng chè trên địa bàn và xây dựng thương hiệu cho chè Phỏng Lái . Khi ấy, chúng tôi còn rất nhiều bỡ ngỡ trong công tác quản lý, điều hành cũng như sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhưng với sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, của huyện; sự đồng tâm nhất trí của các xã viên trong HTX, chúng tôi dần dần vươn lên. Năm 2018, chúng tôi xây dựng và phát triển thương hiệu chè Phỏng Lái. Đến năm 2019, chúng tôi lựa chọn và quyết định đầu tư xây dựng thương hiệu chè Trọng Nguyên như hiện nay.
Nhớ lại những ngày đầu xây dựng thương hiệu chè Phỏng Lái, bà Bình kể: Khi ấy chúng tôi chưa hề có sự chuyên nghiệp như bây giờ. Cứ mày mò, thử nghiệm những cách làm mới học được và tự rút ra kinh nghiệm cho mình. Nhiều công đoạn vẫn làm thủ công theo phương pháp truyền thống. Có một câu chuyện vui là, một lần, có đồng chí lãnh đạo tỉnh tới thăm HTX của chúng tôi. Lúc đồng chí ấy ra về, chúng tôi mang biếu sản phẩm chè của mình nhưng để trong túi nilon như đựng hoa quả. Đồng chí ấy nhận quà và bảo: HTX đã làm tốt vai trò thu mua và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân; sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.. Nhưng muốn có thương hiệu tốt cho cây chè Phỏng Lái thì phải nghiên cứu đầu tư nhiều thêm nữa. Ngay như bao bì sản phẩm cũng không thể cứ đơn giản như thế này được. Câu nói ấy làm chúng tôi trăn trở mãi…
Chè Trọng Nguyên bứt phá nhờ công nghệ số
Sau chuyến thăm của đồng chí lãnh đạo tỉnh kể trên, bà Bình cùng Ban Giám đốc HTX bắt tay vào nghiên cứu các công đoạn trong quá trình sản xuất, chế biến và kinh doanh chè Phỏng Lái một cách khoa học hơn, bài bản hơn. HTX đã cử đoàn xã viên về Thái Nguyên tham quan, học tập các mô hình sản xuất, chế biến chè; học hỏi cách thiết kế bao bì, các bước xây dựng thương hiệu cũng như tìm kiếm các đầu mối liên kết tiêu thụ chè. "Nhưng qua thực tế tại các vùng chè và tìm hiểu nhiều trên mạng internet, tôi nghiệm ra rằng: Với mỗi vùng chè, với mỗi thương hiệu cần phải có cái riêng của nó. Bởi thế, muốn có một sản phẩm chè Phỏng Lái bền vững thì HTX chúng tôi phải có những bước đi riêng" – bà Bình bảo vậy.
Sau chuyến tham quan trở về, bà Bình cùng Ban Giám đốc HTX đầu tư nâng cấp mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh; thường xuyên tra cứu, tìm hiểu phương pháp chăm sóc chè với những dịch vụ phân bón, bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng. Nghiên cứu và đầu tư hệ thống nhà xưởng chế biến, kho tàng, sàn tầng hong chè, máy sao chè, máy vò chè hiện đại, máy hút chân không, máy hái chè… "chúng tôi tổ chức nhiều buổi họp dân, quán triệt sâu sắc quan điểm muốn làm ăn lớn, muốn có thương hiệu tốt, thương hiệu bền vững thì phải bắt đầu từ mỗi hộ trồng chè, từ mỗi người trồng chè. Trước tiên, sản phẩm chè búp phải sạch, phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phải được thu hái đúng cách… thật may là ở đây có đến hơn 400 hộ dân tham gia sản xuất chè nhưng ai cũng đồng tình với quan điểm ấy" – Bà Bình nhớ lại.
Có nguyên liệu tốt, có máy móc hiện đại, lại có quan điểm xây dựng thương hiệu đúng đắn nên sản phẩm chè Phỏng Lái với thương hiệu chè Trọng Nguyên nhanh chóng gặt hái những thành công trên thị trường chè trong nước và là nguồn cung ứng chủ lực chè thô cho việc xuất khẩu sản phẩm chè tinh chế sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc. Năm 2019, chè Trọng Nguyên đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La.
Đưa chúng tôi đi thăm gian hàng trưng bày sản phẩm chè Trọng Nguyên, bà Bình bảo: Tuy chúng tôi chỉ có 1 thương hiệu chè Trọng Nguyên nhưng nhờ vào kiến thức chuyển đổi số nên gian hàng của chúng tôi trở nên đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã bao bì. Sản phẩm của chúng tôi không chỉ được đóng trong những túi hút chân không với nhiều trọng lượng khác nhau để phù hợp với nhu cầu mua và sử dụng của khách hàng mà chúng tôi còn có những sản phẩm đóng hộp hoặc đựng trong ống tre; trong hộp giấy cứng rất đẹp, phù hợp với việc mua quà biếu tặng. Nhưng điều quan trọng là bên trong những bao bì đa dạng này, sản phẩm chè Trọng Nguyên với tư cách là sản phẩm OCOP 4 sao, với khát vọng làm vừa lòng khách hàng, luôn mang lại cho người thưởng thức những hương vị riêng có của chè vùng cao Phỏng Lái – Thuận Châu – Sơn La. Chúng tôi tự hào với thương hiệu quả mình và luôn nỗ lực vì thương hiệu đó.