Chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, kinh tế tập thể là cánh cửa mở ra khá giả cho nông dân Bắc Kạn
10:50 - 10/05/2025
Chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, kinh tế tập thể là cánh cửa mở ra khá giả cho nông dân Bắc Kạn. Để nâng cao sức cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận cho người nông dân tại Bắc Kạn, việc liên kết, hợp tác dựa trên nền tảng kinh tế tập thể đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Bắp cải trồng theo kiểu Nhật Bản, nông dân không phải lo đầu ra
Ngành hàng sầu riêng Thái Lan đang lao đao
Giá lúa gạo hôm nay 9/5/2025: Biến động nhẹ
Giá cao su hôm nay 9/5/2025: Thế giới biến động khá mạnh
Đẩy mạnh xây dựng mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp
Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp chính là kim chỉ nam, tạo cơ sở vững chắc để hình thành và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tại tỉnh Bắc Kạn, các cấp Hội Nông dân đã và đang tích cực triển khai Nghị quyết này, mang lại những kết quả khả quan, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống hội viên.

Việc xây dựng các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được xem là một hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế cho hội viên nông dân. Các chi, tổ này hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động và đảm bảo đạt được 5 tiêu chí cốt lõi: cùng lĩnh vực lao động, ngành sản xuất; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng lợi.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Bắc Kạn đã thành lập được 287 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với sự tham gia của 3.168 hội viên. Riêng trong quý 1 năm 2025, tỉnh đã thành lập mới 7 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, cùng với đó là 2 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác, cho thấy sự phát triển liên tục của mô hình này.

Nội dung và hình thức sinh hoạt của các chi, tổ hội nông dân luôn được đổi mới theo hướng thiết thực, bám sát tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng miền, đồng thời gắn liền với việc hỗ trợ sản xuất và nâng cao đời sống cho hội viên. Thông qua các hoạt động này, Hội Nông dân các cấp đã tập hợp và thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
Hiệu quả từ mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp đã được khẳng định rõ nét thông qua các mô hình kinh tế cụ thể. Điển hình là mô hình chăn nuôi dê tại thôn Nà Tẳng, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn của anh Hoàng Đại Nghĩa, một thành viên tham gia tổ HND nghề nghiệp chăn nuôi dê từ năm 2024.

Anh Nghĩa chia sẻ về những lợi ích mà anh nhận được, trước đây, các hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nhưng từ khi tham gia tổ liên kết, việc chăn nuôi đã quy mô hơn. Các thành viên cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh và hỗ trợ nhau tìm đầu ra cho sản phẩm.
Anh Nghĩa cho biết, khi một hộ không có dê giống hoặc dê thịt để bán, họ sẽ giới thiệu cho các thành viên khác, tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ hiệu quả, tránh tình trạng ế hàng và giúp kinh tế bền vững hơn. Hiện gia đình anh Nghĩa đang duy trì đàn dê hơn 30c con, dự kiến sẽ phát triển lên hơn 60 con trở để vừa nuôi thương phẩm, vừa sinh sản. Anh Nghĩa nhận định, điều kiện tự nhiên đồi núi ở địa phương rất thuận lợi với nguồn thức ăn phong phú cho dê, giúp đàn dê phát triển tốt.

Ông Hà Sỹ Thoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn cho biết, tại xã Lương Bằng ngoài Tổ hợp tác nuôi dê còn có các tổ hợp tác nuôi ong, trồng rừng… các tổ hợp tác này hiện đều đang phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Cầu nối giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn
Một mô hình liên kết hiệu quả khác là việc nuôi gà Lạc Thủy thả tập trung trên núi cao tại thôn Khuổi Già, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn, thông qua liên kết với HTX Toàn Thắng. Mô hình này là một phần của dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.

Để thực hiện hiệu quả mô hình này, các hộ dân tham gia dự án đã thành lập các Tổ Hợp tác và liên kết chặt chẽ với HTX Toàn Thắng để được hỗ trợ về kỹ thuật, thức ăn và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Anh Hoàng Văn Nhiếp, Giám đốc HTX Toàn Thắng cho biết, HTX đã và đang hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho tổng đàn gà lên đến 10.000 con. Mô hình này đã trải qua hai chu kỳ thành công với mỗi chu kỳ 7.000 con, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.

“HTX không chỉ hỗ trợ quy trình chăn nuôi mà còn thực hiện sơ chế gà để đưa ra thị trường, tập trung vào một sản phẩm chủ lực để thâm nhập sâu hơn vào thị trường. Gà Lạc Thủy nuôi tại Khuổi Già rất được thị trường ưa chuộng bởi độ săn chắc, thơm ngon đặc trưng khi được nuôi thả trên núi, thu hút thương lái từ nhiều tỉnh thành”, anh Nhiếp cho biết thêm.
Cùng với đó, HTX Toàn Thắng còn thể hiện vai trò tích cực trong việc hỗ trợ người dân bằng cách đầu tư mở rộng cơ sở chăn nuôi, xây dựng xưởng chế biến thức ăn, tự ép cám viên theo hướng sản xuất sạch, nhằm tiếp tục liên kết với người dân duy trì mô hình sau khi dự án kết thúc.

Bà Nông Thị Thoa, Tổ trưởng Tổ Hợp tác số 1 thôn Khuổi Già khẳng định lợi ích rõ rệt của việc xây dựng Tổ Hợp tác và liên kết với HTX. Việc nuôi tập trung và công tác phòng bệnh tốt giúp đàn gà luôn ổn định, giảm thiểu hao hụt. Quan trọng hơn, việc liên kết với HTX giúp người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm và công tác phòng bệnh cũng sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.
Nhìn chung, quá trình xây dựng, thành lập và phát triển các chi, tổ HND nghề nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân mà còn phù hợp với điều kiện thực tiễn trong bối cảnh phát triển nông nghiệp hiện đại.
Việc tham gia các chi, tổ hội giúp nông dân nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất thông qua các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và dạy nghề. Đồng thời, các chi, tổ hội còn là cầu nối giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất hiệu quả từ Quỹ hỗ trợ nông dân.
Ông Nguyễn Công Lệnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định, mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân, từng bước thay đổi phương thức sản xuất truyền thống.
Mô hình này cũng đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.
“Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh để lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng địa phương và nhu cầu của hội viên, từ đó thành lập và nhân rộng mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp hiệu quả hơn nữa. Mục tiêu trong năm 2025 là thành lập thêm nhiều chi, tổ HND nghề nghiệp mới, khẳng định vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của kinh tế tập thể trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Bắc Kạn”, ông Lệnh cho biết thêm.
Có thể thấy, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và kinh tế tập thể thực sự là những đòn bẩy quan trọng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp, giúp người nông dân tại Bắc Kạn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.