Cho lợn ăn bột chè xanh là đề tài mới lạ của một trường Đại học ở Thái Nguyên

Cho lợn ăn bột chè xanh là đề tài mới lạ của một trường Đại học ở Thái Nguyên

09:28 - 14/04/2024

Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên vừa tổ chức Hội nghị tham vấn Đề tài Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên “Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên” năm 2023 - 2024.

Thả rong để nuôi tép, làm chơi, ăn thật
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới

Ngày 2/4 Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tham vấn Đề tài Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên "Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên" năm 2023 - 2024.

 
Cho lợn ăn bột chè xanh là đề tài mới lạ của một trường Đại học ở Thái Nguyên- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Theo nhiều nghiên cứu đã được công bố, chè xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng bao gồm: Polyphenol, polysacarit, saponin, các vitamin và khoáng chất. Tác dụng của chè xanh đối với chăn nuôi lợn thịt ở các tỷ lệ khác nhau sẽ có những tác động khác nhau đến khả năng sinh trưởng, chất lượng thịt. 

Đặc biệt là Polyphenol trong chè xanh có thể làm giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể xuống (mỡ bụng, mỡ lưng, mỡ phủ tạng) và làm giảm độ dày trung bình của mỡ lưng. 

Polyphenol có thể làm giảm sự tích lũy cholesterol trong cơ thể, vì cholesterol gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và của người tiêu dùng. Ngoài ra, bột lá chè xanh có thể cải thiện màu sắc của thịt lợn, một trong những chỉ tiêu đánh giá phẩm chất thịt lợn.

Việc bổ sung bột lá chè xanh vào khẩu phần ăn của lợn thịt có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ axit amin thiết yếu trong cơ của lợn, cơ có chất lượng tốt tỷ lệ này có thể đạt đến 40%.

Cho lợn ăn bột chè xanh là đề tài mới lạ của một trường Đại học ở Thái Nguyên- Ảnh 2.

Đại diện Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Để thực hiện đề tài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã triển khai mô hình thí nghiệm trên lợn đen bản địa tại hộ chăn nuôi của ông Dương Văn Hải và lợn ngoại thương phẩm tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Liễu (xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) với tổng số 72 con lợn. 

Nhóm nghiên cứu đã triển khai xây dựng mỗi hộ 4 ô thí nghiệm (Đối chứng, thí nghiệm 1, thí nghiệm 2, thí nghiệm 3), mỗi ô 9 con lợn, tương ứng với 4 mức bổ sung bột lá chè xanh trong khẩu phần ăn (0%, 1%, 3%, 5%). Các nguyên liệu chính gồm: cám gạo, cám ngô, đậu tương, bột lá chè và men vi sinh…

Sau 9 tháng triển khai, kết quả bước đầu cho thấy đàn lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh giúp tăng khả năng miễn dịch, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hóa, tăng chất lượng thịt lợn. 

Lợn thí nghiệm được nuôi theo phương thức chăn nuôi chuồng hở thông thoáng tự nhiên, trên nền đệm lót có bổ sung men vi sinh nên nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, không phải tắm cho lợn, giúp giảm mùi hôi trong chuồng nuôi.

Cho lợn ăn bột chè xanh là đề tài mới lạ của một trường Đại học ở Thái Nguyên- Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Phát biểu tại Hội nghị tham vấn, ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao trách nhiệm, nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học, của nhóm nghiên cứu, của cơ quan quản lý nhà nước - Sở Khoa học và Công nghệ. 

Đồng thời, đề nghị các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu quan tâm hơn nữa tới môi trường, áp dụng quy trình chuồng trại chăn nuôi sạch, không mùi, không muỗi, không phân; tiến tới có thể áp dụng nuôi trong các khu du lịch sinh thái.

Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm phụ cho trà nên phải có phảng phất mùi trà, mầu sắc trà; tiến tới phối hợp với doanh nghiệp sản xuất thức ăn đóng gói có bao bì, mã vạch bán cho người chăn nuôi; đồng thời tăng lô thí nghiệm, thêm công thức tăng tỷ lệ bột trà xanh trong khẩu phần ăn; khuyến cáo thời gian nuôi, khối lượng xuất chuồng tốt nhất.

Mục tiêu phải nâng cao hiệu quả kinh tế, giá bán cao gấp 2 - 3 lần giá lợn thông thường; đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao thương hiệu cho trà Thái Nguyên. 

Sau khi dự án kết thúc, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tiếp quản đề tài, để kết quả đề tài khoa học trở thành sản phẩm thương mại của tỉnh Thái Nguyên.

Cho lợn ăn bột chè xanh là đề tài mới lạ của một trường Đại học ở Thái Nguyên- Ảnh 4.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và đại diện các sở, ngành liên quan mô hình thí nghiệm trên lợn đen bản địa tại hộ chăn nuôi của ông Dương Văn Hải ((xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức, TP.Thái Nguyên). Ảnh: Trung Kiên

Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên đề nghị tiếp tục mở rộng mô hình để nuôi ở 3 tỷ lệ công thức; mở rộng ô thí nghiệm tăng tỷ lệ bột trà xanh mỗi ô; đăng ký nhãn hiệu, tên gọi cho sản phẩm nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên; xây dựng video clip từ khi chọn con giống đến bàn ăn.

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên đã giới thiệu với các đơn vị, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển cả du lịch và chăn nuôi; các điểm du lịch cộng đồng, các kênh phân phối, giới thiệu quảng bá sản phẩm…có khả năng tiếp quản, phát huy kết quả của đề tài.