Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ hội đổi đời cho nông dân

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ hội đổi đời cho nông dân

11:12 - 26/05/2024

BÌNH ĐỊNH Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, mía, mì mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao là cơ hội đổi đời cho nhiều nông dân.

Xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản phục hồi nhanh ngoài dự kiến
Trồng măng tre hữu cơ, vừa dễ, vừa kiếm bộn tiền
"Mai vàng mùa nước nổi" thực ra là thứ rau dại gì mà ở Long An dân đi hái bán đắt vẫn khối người mua?
Các tỉnh Tây Nguyên vẫn tăng giá tiêu ầm ầm, duy nhất giá tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu giảm
Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng chuyên sâu

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, trong năm 2023, tỉnh này chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích 2.644ha, trong đó chuyển đổi từ đất trồng lúa được 1.735ha, còn lại là diện tích chuyển đổi từ đất trồng mì (sắn) và mía kém hiệu quả. Vụ đông xuân 2023 - 2024, Bình Định tiếp tục chuyển đổi 45ha, gồm 43ha đậu phộng (lạc) và 2 rau màu.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Định ngày càng được được tổ chức chuyên sâu hơn, đáp ứng quy hoạch vùng sản xuất của các địa phương, áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Ngành nông nghiệp tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo cách vừa rà soát, vừa ưu tiên sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan”, ông Kiều Văn Cang cho hay.

Hiện mỗi năm Bình Định gieo trồng được 10.920ha đậu phộng, dự kiến tới năm 2025 diện tích đậu phộng ở tỉnh này sẽ tăng lên 15.000ha. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện mỗi năm Bình Định gieo trồng được 10.920ha đậu phộng, dự kiến tới năm 2025 diện tích đậu phộng ở tỉnh này sẽ tăng lên 15.000ha. Ảnh: V.Đ.T.

Điểm sáng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Định là hiện tỉnh này đã ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) các dự án liên kết sản xuất, các mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 4.422ha. Trong đó, đã chứng nhận VietGAP với diện hơn 281ha cây trồng (gồm gần 122ha rau, gần 130ha cây ăn quả, 14,8ha lúa nếp, 7ha đậu phộng, 5ha ớt và 3ha dừa); chứng nhận hữu cơ cho gần 122ha cây trồng, trong đó có 6,7ha lúa ở huyện Hoài Ân, 2,5ha bưởi ở huyện Hoài Ân, 2,4ha rau ở thị xã An Nhơn, 100ha dừa ở thị xã Hoài Nhơn và 10ha dừa ở huyện Phù Cát.

Bình Định đang duy trì 8 dự án cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất lúa giống cũng đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đã liên kết sản xuất giống lúa với diện tích gần 3.600ha, sản lượng ước trên 20.000 tấn.

“Qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay Bình Định đã hình thành vùng trồng đậu phộng tập trung ở các xã Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Lâm, Cát Tài (huyện Phù Cát); xã Bình Thuận, Bình Tân (huyện Tây Sơn); vùng trồng ớt tập trung ở các xã Mỹ Tài, Mỹ Hiệp, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ), xã Cát Tài, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh (huyện Phù Cát)… Đặc biệt, Bình Định đã hình thành vùng sản xuất lúa giống tập trung ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, qua đó đã chủ động được một phần lúa giống phục vụ sản xuất”, ông Kiều Văn Cang cho hay.

Bình Định là tỉnh có năng suất đậu phộng cao nhất nước. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định là tỉnh có năng suất đậu phộng cao nhất nước. Ảnh: V.Đ.T.

Đậu phộng, cây trồng được nông dân lựa chọn

Thời gian qua, đậu phộng là một trong những cây trồng hàng đầu được nông dân Bình Định lựa chọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trên những vùng đất cát. Trong năm 2023, toàn tỉnh Bình Định gieo trồng được 10.920ha đậu phộng, dự kiến đến năm 2025 diện tích đậu phộng ở tỉnh này sẽ tăng lên 15.000ha, tập trung thành vùng sản xuất lớn ở các huyện Tây Sơn, Phù Cát và Phù Mỹ.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) là xã có diện tích trồng đậu phộng tập trung nhiều nhất tỉnh và cũng là nơi đậu phộng có năng suất cao nhất nước.

Ông Lương Văn Khoa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, nông dân huyện này trồng được 4.248ha đậu phộng với các giống đậu phộng mỏ két (đậu phộng sẻ), L14, LDH 09... Các địa phương có diện tích trồng đậu phộng lớn ở huyện Phù Cát gồm xã Cát Hiệp với 890ha, xã Cát Lâm 710ha, xã Cát Trinh 585ha. Từ đầu tháng 4/2024 đến nay, diện tích đậu phộng vụ đông xuân ở huyện Phù Cát đã được nông dân thu hoạch, năng suất bình quân đạt hơn 43 tạ/ha.

“Vụ đông xuân 2023 - 2024 nông dân Cát Hiệp xuống giống được 890ha đậu phộng, tăng 65ha so với vụ đông xuân năm ngoái, năng suất bình quân đạt 44 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với vụ mùa năm ngoái” ông Nguyễn Tôn Hiến, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp cho hay.

 
Bình Định đang duy trì và phát triển 8 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định đang duy trì và phát triển 8 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: V.Đ.T.

Vụ đông xuân năm nay, ông Nguyễn Văn Thiện (57 tuổi), người có thâm niên 12 năm trồng đậu phộng ở thôn Hòa Đại (xã Cát Hiệp) sản xuất được 3 sào đậu phộng, năng suất đạt từ 2,5 - 2,7 tạ/sào (500m2/sào), mỗi sào đậu phộng ông Thiện thu lãi ròng từ 8 - 10 triệu đồng.

“Vụ đông xuân 2023 - 2024 gia đình tôi trồng được 30 sào đậu phộng mỏ két, năng suất ước đạt khoảng 3 tạ/sào, cao hơn năm ngoái khoảng 0,2 tạ/sào. Hiện nay, thương lái đang mua với giá 25.500 đồng/kg đậu loại 1 dùng để ép dầu và 24.500 đồng/kg đối với đậu phộng dùng để làm bánh kẹo… Với giá này, nông dân trồng đậu phộng có lãi trên 70 triệu đồng/ha”, bà Thái Thị Hiền (57 tuổi) ở xã Cát Hiệp chia sẻ.

Chuyển đổi cây trồng phù hợp từng vùng

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, để công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao nhất, ngành chức năng tỉnh này phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi theo hướng tập trung với các giống cây trồng phù hợp với từng vùng.

Ví như ở huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn tập trung duy trì vùng sản xuất lúa tập trung; các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và Tây Sơn tập trung phát triển vùng sản xuất cây đậu phộng; các huyện Hoài Ân, An Lão tập trung phát triển cây ăn quả. Theo đó, các vùng chuyển đổi nói trên được chuyển giao kỹ thuật canh tác an toàn, những bộ giống mới; xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thực hiện cấp mã số vùng trồng để hình thành vùng nguyên liệu lớn; triển khai xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Huyện Hoài Ân (Bình Định) là địa phương đang phát triển mạnh diện tích bưởi da xanh. Ảnh: V.Đ.T.

Huyện Hoài Ân (Bình Định) là địa phương đang phát triển mạnh diện tích bưởi da xanh. Ảnh: V.Đ.T.

Đối với cây trồng cạn, hiện nay các địa phương ở Bình Định đang tăng cường chuyển giao công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện nhiều vùng trồng cây trồng cạn ở Bình Định đã áp dụng nhiều hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước bằng công nghệ tưới phun mưa cho cây đậu phộng và cây hành; tưới nhỏ giọt cho cây ớt và cây dưa hấu.

Diện tích trồng rau ở Bình Định đang được duy trì và phát triển 8 vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng nhãn hiệu “Lá lành” trên quy mô diện tích hơn 106ha/1.260 nông hộ tham gia, kết nối tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và các quầy bán rau an toàn trên địa bàn tỉnh, sản lượng liên kết tiêu thụ bình quân trên 25 tấn/tháng.

Đặc biệt, với nhóm cây ăn quả, hiện nay Bình Định đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn và áp dụng các công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã có 105ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm “Cam xoàn An Lão”, “Bưởi da xanh Hoài Ân”, “Dừa xiêm Hoài Ân”, “Xoài cát Phù Cát”… đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, đây là tấm “thẻ căn cước” để các sản phẩm nói trên thâm nhập các thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Bình Định duy trì vùng sản xuất lúa tập trung huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định duy trì vùng sản xuất lúa tập trung huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Ngày 16/4/2024 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành Quyết định số 1336/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh. Theo đó đến năm 2030, tổng diện tích cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn Bình Định là hơn 10.500ha, trong đó diện tích cây hàng năm gần 7.715ha, cây lâu năm hơn 2.787ha.

“Trước mắt, đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn chủ lực ở Bình Định được tưới bằng kỹ thuật tiên tiến sẽ đạt 5.966ha, trong đó có hơn 5.153ha cây hàng năm và gần 813ha cây lâu năm, có khoảng 25% diện tích được tưới tự động”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định cho biết.