Chuyển đổi nông nghiệp Mường Ảng: Từ truyền thống đến đột phá

Chuyển đổi nông nghiệp Mường Ảng: Từ truyền thống đến đột phá

13:22 - 15/10/2024

Huyện Mường Ảng (Điện Biên) hiện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp truyền thống với các loại cây trồng như lúa, ngô, cà phê... Tuy nhiên, các loại cây trồng này chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Làm sao để người dân làm giàu bằng nông nghiệp là bài toán cần lãnh đạo huyện giải quyết.

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: "Hầu hết nông dân ở Mường Ảng vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Các mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa chưa được triển khai rộng rãi, dẫn đến khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường và ổn định đầu ra. Chăn nuôi cũng là một nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, chăn nuôi ở đây vẫn chủ yếu theo hình thức truyền thống, không đảm bảo an toàn sinh học và tiềm ẩn nhiều rủi ro". Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết chuyên đề về "tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hình thành các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sâu.

 
 
Chuyển đổi nông nghiệp Mường Ảng: Từ truyền thống đến đột phá   - Ảnh 1.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện Mường Ảng đang tập trung chỉ đạo các xã có điều kiện mở rộng vùng trồng cà phê. Đây là cây được huyện xác định là cây trồng chủ lực của huyện. Ảnh: Thanh Tùng

Nhưng để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện để người dân sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng cao là điều không dễ. Theo ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng thì huyện đang gặp một số vấn đề khó khăn như: Đất nông nghiệp ở Mường Ảng có diện tích hạn chế và phân bố không đều, khiến việc canh tác, mở rộng quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn. Địa hình đồi núi, đất dốc cũng gây khó khăn cho việc cơ giới hóa nông nghiệp. Năng suất cây trồng và vật nuôi tại đây còn thấp do phụ thuộc vào kỹ thuật canh tác cũ, không bền vững. Điều này ảnh hưởng đến khả năng nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Hầu hết nông dân ở Mường Ảng không có đủ vốn để đầu tư vào sản xuất. Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là các thủ tục phức tạp và yêu cầu về tài sản đảm bảo. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Mường Ảng gặp nhiều khó khăn.

Việc khó nhưng Mường Ảng quyết làm vì cuộc sống người dân

Theo quan điểm của ông Tô Trọng Thiện thì huyện Mường Ảng sẽ phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững. Huyện đã xác định việc phát triển cây công nghiệp (cây cà phê), cây ăn quả thành vùng nguyên liệu là hết sức quan trọng. Từ năm 2021, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn cùng nhân dân trên địa bàn phục hồi 13,4ha cà phê, trồng mới 18,1ha nâng tổng diện tích cà phê toàn huyện lên 2.193,5ha. Riêng năm 2024 sẽ trồng mới trên 500ha cây cà phê.

Chuyển đổi nông nghiệp Mường Ảng: Từ truyền thống đến đột phá   - Ảnh 2.

Diện tích cà phê của Mường Ảng hiện nay đã đạt trên 2000ha. Cây cà phê đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân Mường Ảng. Ảnh: Thanh Tùng

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết huyện Mường Ảng có tiềm năng phát triển các loại cây ăn quả như bưởi, xoài... Những loại cây này không chỉ phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng mà còn có nhu cầu cao trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Việc phát triển vườn cây ăn quả có thể mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, đặc biệt trong thời kỳ thu hoạch. Đặc biệt là cây cà phê là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cà phê chất lượng cao như Arabica. Mường Ảng có thể khai thác lợi thế này để phát triển vùng chuyên canh cà phê, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Để xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Mường Ảng, huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc thực hiện chế biến sâu cà phê, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm cà phê sạch, có chất lượng cao và ổn định. Hiện nay trên địa bàn có 2 cơ sở chế biến cà phê bột và các sản phẩm từ cà phê gồm: Công ty TNHH Hải An và Cơ sở chế biến cà phê Hà Chung. Các dòng sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao và 3 sao gồm: Cà phê bột Hà Chung - bột pha phin, cà phê bột Minh Duy, cà phê bột Chị Em, cà phê pha phin Arabica Hải An, cà phê hòa tan Adew.

Phát triển cây ăn quả, hướng đi mới cho người dân

Theo ông Tô Trọng Thiện thì huyện Mường Ảng cũng tích cực chuyển đổi một phần diện tích đất nương, đất vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam lòng vàng, nhãn, mít, na... Hiện nay tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 412,5ha; tập trung tại các xã: Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Búng Lao, thị trấn Mường Ảng. Diện tích xoài Đài Loan, bưởi da xanh được đầu tư từ năm 2018 (trên 40ha) đã cho thu hoạch ổn định, năng suất một số diện tích đạt 6 tấn/ha.

Chuyển đổi nông nghiệp Mường Ảng: Từ truyền thống đến đột phá   - Ảnh 3.

Huyện Mường Ảng đã quy hoạch từng vùng trồng cây nông, công nghiệp tập trung đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ảnh: Thanh Tùng

Với mục đích hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập; đồng thời, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, các hộ dân đã thành lập hợp tác xã. Hiện nay trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã kinh doanh lĩnh vực cây ăn quả gồm: Hợp tác xã Hoa quả sạch Mường Ảng và Hợp tác xã Lộc Rừng.

Năm 2020, hơn 20 hộ dân trên địa bàn thị trấn Mường Ảng và các xã Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Búng Lao đã thành lập Hợp tác xã hoa quả sạch Mường Ảng. Hợp tác xã có diện tích sản xuất gần 100ha, trong đó bưởi da xanh trên 50ha, còn lại là nhãn, cam, xoài và mít. Hiện nay, cây trồng phát triển ổn định, trung bình mỗi năm hợp tác xã thu hoạch từ 300 - 500 tấn quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên từ 50 - hơn 100 triệu đồng/năm.

Là một trong những thành viên tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn quả, ông Hà Văn Hoan, thị trấn Mường Ảng cho biết: "Gia đình tôi hiện có 2,5ha trồng chủ yếu bưởi da xanh, cam, ổi xen lẫn cây cà phê. Nhờ chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật nên vườn cây của gia đình sinh trưởng phát triển tốt; tỷ lệ ra hoa đậu quả cao, mẫu mã đẹp. Trừ chi phí, thu nhập từ cây ăn quả mang lại cho gia đình từ 200 - 300 triệu đồng/năm."

Chuyển đổi nông nghiệp Mường Ảng: Từ truyền thống đến đột phá   - Ảnh 4.

Ngoài cây cà phê thì Mường Ảng còn tập trung mở rộng diện tích cây ăn quả, đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Ảnh: Thanh Tùng

Thời gian tới huyện Mường Ảng tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng diện tích cây ăn quả hiện có; ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hàng hóa, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên một số nhóm cây ăn quả có khả năng phát triển thành sản phẩm đặc sản của huyện, gắn với du lịch sinh thái, dễ tiếp cận với thị trường và chế biến tập trung như: Bưởi, xoài, mít... Tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất gắn với chế biến sản phẩm cây ăn quả nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.