Chuyển đổi số nông nghiệp cần thực chất, hiệu quả
08:33 - 16/08/2024
Thông qua mạng xã hội, kênh tiếp thị trực tuyến, nông dân không chỉ bán sản phẩm đơn thuần mà còn trực tiếp bán những câu chuyện của nông sản do chính mình làm ra.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Lợi ích lớn nhưng ứng dụng công nghệ số còn ít
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030” xác định nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên. Đến nay, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu nhất định, song vẫn tồn tại nhiều thách thức.
Tăng trưởng nông nghiệp trung bình hàng năm của nước ta hiện nay khoảng 3,5%, cũng cao hơn mức trung bình của châu Á và khu vực Đông Nam Á. Nhưng tỷ trọng số hoá trong nông nghiệp theo ước tính của Bộ Thông tin - Truyền thông thì mới đạt 2,1%, ở mức thấp so với thế giới.
Ông Đỗ Anh Dũng, Trưởng phòng Thông tin - Đào tạo (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, nền nông nghiệp nước ta cũng thường xuyên phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, biến đổi khí hậu. Do đó, việc ứng dụng công nghệ Data Analytics (phân tích dữ liệu) vào phân tích và quản lý vùng khí hậu sẽ giúp cảnh báo rủi ro cho nông dân để sớm ứng phó.
Trong khi đó, công nghệ Blockchain và hệ thống quản lý thông tin địa lý (GIS) có thể được sử dụng để tạo ra hệ thống truy xuất nguồn gốc. Qua đó, nông dân có thể cung cấp thông tin về nguồn gốc và quá trình sản xuất của sản phẩm nông nghiệp. Người tiêu dùng quét mã QR hoặc tìm kiếm trên hệ thống để xem thông tin chi tiết về sản phẩm, đảm bảo biết rõ chất lượng, nguồn gốc.
“Chuyển đổi số cung cấp các kênh giao tiếp, phản hồi giữa nông dân và người tiêu dùng. Các nền tảng trực tuyến cho phép người tiêu dùng gửi phản hồi, đặt câu hỏi và nhận được thông tin hồi đáp từ nông dân. Điều này giúp tạo mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng mà không phải qua thương lái”, ông Đỗ Anh Dũng cho hay.
Nhằm tăng cường tiếp cận với công nghệ số, áp dụng vào thực tế sản xuất gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lớp tập huấn "Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp" cho 40 đại biểu là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật, thành viên các HTX, nông dân… trên địa bàn tỉnh. "Qua lớp tập huấn, chúng tôi đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm”, bà Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Chè Kim Thoa (TP Thái Nguyên) tham gia lớp tập huấn cho biết.
Không ỉ lại vào công nghệ
Theo TS Đào Thị Hương (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên), chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu trong bối cảnh công nghệ ngày càng phổ biến.
Không chỉ khắc phục những hạn chế về chất lượng sản phẩm, chuyển đổi số còn kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản..., từ đó hình thành nền nông nghiệp hiện đại, đem lại giá trị, thu nhập cao.
TS Hương cho rằng, để chuyển đổi số đi vào thực chất và hiệu quả, nông dân cần tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua những sàn giao dịch như Tiktok shop, Voso, Sendo...
"Chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều công cụ hữu ích để bà con truyền thông, tiếp thị..., từ đó nâng cao thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, nông dân không nên ỉ lại vào trí tuệ nhân tạo AI trong việc sản xuất các sản phẩm truyền thông, tiếp thị sản phẩm. Mỗi nông dân hãy thổi hồn vào sản phẩm bằng những câu chuyện độc đáo, chân tình mà chỉ có người sản xuất ra nông sản mới hiểu được. Người tiêu dùng sẽ không chỉ mua sản phẩm nhờ những đặc tính hữu ích, giá trị dinh dưỡng... mà sẽ mua cả câu chuyện trong mỗi sản phẩm", TS Hương chia sẻ.
Cũng theo TS Hương, nông dân cũng cần chú trọng phát triển các chuỗi sản xuất gắn với công nghệ số. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hướng đến mục tiêu tạo mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái nông nghiệp một cách tự nhiên theo chuỗi giá trị; thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua ứng dụng công cụ mạng xã hội, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp.