Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè
16:30 - 30/11/2024
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.
Giá cà phê đột ngột giảm cuối tuần, cà phê Đắk Lắk tụt xuống thấp gần bằng Lâm Đồng
Chuyển đổi hữu cơ ở vùng chè được dãy Tam Đảo che chở
Bức tranh trái chiều trong xuất khẩu sắn
Công nghệ chế biến lúa gạo thu hút sự quan tâm
Thảo luận tại diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao sáng 5/11, nhà báo Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam đặt vấn đề về giá bán chè ở mức thấp, thị trường khó khăn nhưng để làm một cuộc cách mạng, thay đổi sản xuất, nâng giá chè để thương mại tốt hơn và nâng cao đời sống bà con trồng chè, cần tháo gỡ nhiều điểm thắt.
Giải thích rõ ràng hơn về giá chè, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng nhìn ở bình diện chung, chè Việt Nam xuất khẩu có giá rẻ nhưng giá nội tiêu vẫn cao hơn giá chè thế giới.
“Mảng nội tiêu chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La. Ở Thái Nguyên có loại chè bán thấp nhất ở giá bình quân 7 USD/kg, nhưng cũng có loại chè bán với giá khoảng hơn 20 USD. Như vậy, hòa chung giá xuất khẩu và giá nội tiêu, giá chè trung bình cả nước ở khoảng 4 USD/kg”, ông Long làm rõ vấn đề.
Theo ông Long, thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.
Nhưng hiện nay nay, với yêu cầu và chọn lọc của thị trường, một số doanh nghiệp đã và đang thay đổi, chuyển từ tranh mua tránh bán nguyên liệu để sản xuất sang liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp chưa vào cuộc gắn kết với nông dân, từ đó diễn ra tình trạng giá chè “dìm nhau”, cản trở sự phát triển của ngành chè.
Hiện nay, trong ngành chè Việt Nam có một số ít mô hình liên kết nông - công nghiệp, đã và đang chứng minh là mô hình phát triển hiệu quả và tương đối bền vững. Như Công ty cổ phần chè Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ (tỉnh Gia Lai), Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (tỉnh Tuyên Quang), Công ty cổ phần Chè Than Uyên (tỉnh Lai Châu), các hợp tác xã sản xuất chè an toàn…
Kinh nghiệm của các địa phương có chè, hoặc có doanh nghiệp chè phát triển là do chính quyền địa phương đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp chè duy trì được liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và chế biến; phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến. Doanh nghiệp và người trồng chè phải cùng có trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng, cùng xây dựng thương hiệu và cùng được hưởng lợi từ sản phẩm đem lại. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân, người dân có trách nhiệm với doanh nghiệp.
Ông Long khẳng định, nếu doanh nghiệp không cùng tạo vùng nguyên liệu chất lượng, không liên kết sản xuất, không chú trọng cải tiến máy móc, chất lượng nhà xưởng, còn tình trạng dìm và phân tán, phân chia thị trường thì ngành chè sẽ không thể thoát khỏi “bẫy giá rẻ” của thế giới.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chè thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Tham gia các cuộc thi sản phẩm chè thế giới và khu vực. Xây dựng các video về vùng chè, về sản xuất để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về quy mô sản xuất và quy trình sản xuất an toàn của doanh nghiệp, hợp tác xã…
Trong tương lai chè Việt sẽ từng bước để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, thay vì xuất khẩu chè thô, giá rẻ thì cần hướng đến xây dựng thương hiệu chất lượng và nâng cao giá bán cho sản phẩm chè.