Cơ giới hóa nông nghiệp tại Quảng Bình tăng nhanh
17:37 - 10/06/2024
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có gần 31.250 máy sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, tăng 27% so với năm 2022.
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 31.250 máy sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Số lượng máy tăng 27% so với năm 2022. Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt tăng rất cao. Khâu làm đất trồng lúa cơ giới hóa đến hơn 96%; ngô, lạc, sắn, đậu xanh đạt 86%. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu tưới, chăm sóc đạt gần 75% và khâu thu hoạch lúa đạt gần 91%.
Những năm gần đây, nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đã góp phần tăng mạnh số lượng máy móc trên đồng ruộng. Việc đầu tư các thiết bị cơ giới hiện đại không những góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích canh tác mà còn từng bước hướng tới nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững.
HTX Dịch vụ - Sản xuất nông nghiệp Hàm Hòa (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) được đánh giá là đơn vị đi đầu áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Theo ông Nguyễn Hải Bằng, Giám đốc HTX cho hay, đến nay, tài sản của HTX có trên 5 tỷ đồng với dàn máy móc mới như máy cày, máy gặt liên hợp, máy gieo sạ…
“Trong vụ đông xuân vừa qua, chúng tôi đã lần đầu tiên đưa máy sạ cụm vận hành trên đồng ruộng. Qua đó, bà con vừa giảm được nhân công, giảm được lượng giống và cây lúa phát triển tốt hơn. Trung bình mỗi ha nông dân có thể tiết kiệm được chi phí từ 2 - 3 triệu đồng”, ông Bằng cho hay. Cũng theo ông Bằng, những vụ tiếp theo, HTX sẽ vận động bà con sử dụng cơ giới hóa và công nghệ vào đồng ruộng.
Huyện Lệ Thủy được xác định là vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Quảng Bình với diện tích gieo cấy trên 10.200ha. Ông Nguyễn Xuân Tân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho hay: Trong 10 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn với các khâu làm đất, gặt… cơ bản nông dân tại các địa phương đều đã sử dụng máy móc nên đã giải phóng được sức lao động và giảm chi phí đầu vào đáng kể.
Trong vụ đông xuân 2023 - 2024, mô hình sản xuất lúa hướng hữu cơ, sử dụng thiết bị bay để gieo sạ và bón phân đã được thực hiện trên cánh đồng xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy. Kết quả sản xuất cho thấy, nông dân đã tiết kiệm được nhân công, lượng thóc giống gieo sạ giảm được một nửa. “Với việc áp dụng công nghệ này, mỗi ha lúa có thể tiết kiệm đến 3 triệu đồng. Nếu diện tích này tăng lên con số 1.000ha thì sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất lên đến 3 tỷ đồng. Đó thực sự là con số không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp” - ông Tân nhìn nhận.
Trên cánh đồng lúa của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy), chúng tôi bắt gặp những chiếc máy gặt không xả thóc vào bao mà chứa vào bụng máy, khi bụng máy đầy thì từ máy gặt sẽ có vòi xả thóc lên bồn chứa xe công nông chở thẳng về nơi phơi.
Ông Nguyễn Văn Diện, chủ máy gặt cho chúng tôi hay: “Với sự cải tiến này, khi vận hành trên ruộng, máy gặt sẽ tiết kiệm được nhân lực phụ đứng trên máy để đóng bao và giảm được nhân công khâu bốc bao lúa từ máy gặt lên bờ, lên phương tiện vận chuyển đến sân phơi”.
Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ. “Tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng vùng, nhất là đối với vùng sản xuất hàng hóa tập trung và ngành hàng có giá trị gia tăng cao” - ông Cường cho biết.