Có nên uống nước vối hàng ngày?
21:25 - 03/10/2024
Nước vối là thức uống được nhiều người yêu thích, vậy có nên uống nước vối hàng ngày?
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Tác dụng của cây vối với sức khoẻ
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, cây vối thường được trồng ở các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên nước ta. Nhiều bộ phận trên loại cây này có thể sử dụng, gồm lá vối. Lá vối mùi thơm dễ chịu và nhiều người còn dùng nước lá vối như một loại nước uống yêu thích mỗi ngày.
Một số tác dụng của cây vối:
- Thanh nhiệt: Loại cây này vị hơi đắng, tính mát và được nhiều người sử dụng để thanh nhiệt như một loại nước uống giải khát.
- Lá vối và nụ vối chứa nhiều tanin - là chất có tính kháng khuẩn và giảm viêm hiệu quả, giúp se lành niêm mạc đại tràng và tốt cho những người bị viêm đại tràng, viêm ruột hay bị tiêu chảy.
- Nụ vối còn chứa polyphenol và flavonoid cùng với nhiều hoạt chất có khả năng làm chậm quá trình hấp thu đường và kiểm soát đường máu rất hiệu quả.
- Dùng lá vối khô hoặc tươi sau khi được sắc lên có thể giúp bạn sát trùng vết loét, mụn nhọt hay những vết thương do bỏng.
Có nên uống nước vối hàng ngày?
Nước vối tuy tốt cho sức khoẻ nhưng có nên uống hàng ngày không? Báo Tuổi trẻ dẫn lời lương y Bùi Hồng Minh - chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết nước vối có thể uống hằng ngày nhưng mỗi ngày chỉ nên sử khoảng một ấm trà để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng bài tiết của thận. Đặc biệt, khi uống nước vối cần lưu ý:
- Ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa: Lá vối vị đắng nhẹ giúp kích thích tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng. Ngoài ra, thành phần tanin trong lá vối có vai trò bảo vệ niêm mạc đường ruột, tinh dầu lá vối có tính kháng khuẩn cao kháng lại vi khuẩn gây bệnh đường ruột.
Tuy nhiên uống quá nhiều nước lá vối không tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt khi uống nước lá vối ngay sau bữa ăn. Với công dụng cải thiện tiêu hóa, lá vối sẽ làm tăng nhu động ruột. Thức ăn ở ruột non chưa kịp hấp thu đã bị đẩy xuống ruột già và thải trừ ra ngoài. Vì vậy rất dễ gây hiện tượng đi ngoài phân sống, tiêu chảy.
- Tiêu diệt vi khuẩn có lợi: Do tính kháng khuẩn cao nên uống nhiều nước lá vối cũng sẽ tiêu diệt lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Điều này làm cơ thể thiếu sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.
Vì thế, bạn nên uống nước lá vối khô đồng thời kết hợp bổ sung men hỗ trợ tiêu hóa để giảm tính kháng khuẩn trong lá vối, tránh tiêu diệt vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
- Do tính kháng viêm, kháng khuẩn mạnh nên cần dùng ở mức độ hạn chế nhằm tránh gây hại các vi khuẩn có lợi trong cơ thể.
- Đối với những người quá gầy, tình trạng sức khỏe quá yếu ớt, bị suy nhược thì không nên sử dụng cây vối.
- Nên nấu loãng nước vối, không nên sử dụng nước quá đặc vì sẽ gây kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột, tiêu chảy, mệt mỏi…
- Trước khi sử dụng cây vối trong bất kỳ trường hợp nào, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Không nên sử dụng nước lá vối để qua đêm, không uống khi bụng đang đói hoặc ngay sau khi ăn.
- Thận trọng khi sử dụng cây vối cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ nhỏ hoặc người mắc các bệnh lý nền.
- Người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp, không dùng cây vối để thay thế hoàn toàn cho các phương pháp điều trị theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa.
Cách pha nước lá vối
Bạn có thể dùng lá vối khô hoặc tươi để pha nước uống. Dưới đây là một số cách pha nước lá vối mà bạn có thể tham khảo:
- Cách pha nước lá vối tươi:
+ Dùng 5 đến 7 chiếc lá vối tươi, rửa sạch và sau đó để cho lá ráo nước.
+ Vò nhẹ lá và để vào ấm.
+ Đổ nước sôi vào ấm. Sau đó gạn bỏ nước.
+ Tiếp tục đổ thêm một lượt nước sôi nữa và đậy nắp ấm lại.
+ Sau 15 phút là có thể uống.
- Cách pha nước lá vối khô:
+ Lấy một nắm lá vối khô rửa sạch rồi bỏ vào ấm.
+ Sau đó, đổ nước vào ấm và đun sôi lên. Khi nước đã sôi thì tiếp tục đun trong khoảng 5 phút.
+ Để nước nguội bớt là có thể uống được.
- Cách pha nước nụ vối:
+ Dùng nụ vối tươi đem rửa sạch và sấy khô. Sau đó, cho vào hộp và đậy kín nắp để dùng trong thời gian dài.
+ Lấy khoảng 20g nụ vối đã được sấy khô cho vào chảo nóng để sao thơm.
+ Sau đó cho vào ấm hãm với nước sôi và uống hết trong ngày.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Có nên uống nước vối hàng ngày?". Hãy uống nước vối đúng cách để nhận được những lợi ích tốt nhất cho sức khoẻ.