Đa dạng các hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng ở Điện Biên
13:41 - 17/08/2024
Để giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc giữ rừng và thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Điện Biên trồng được trên 11.000 ha rừng; hiện tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 54%; bình quân mỗi năm trên 32.000 ha rừng được hỗ trợ kinh phí để khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh. Những diện tích rừng của tỉnh luôn được bảo vệ tốt, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, xâm lấn rừng đều được kiểm soát chặt chẽ; việc huy động lực lượng tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng luôn được nhân dân ủng hộ, tham gia nhiệt tình…
Để có được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, chính quyền các cấp, nhân dân góp phần quan trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố góp phần thực hiện hiệu quả công tác phát triển và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh những năm qua.
Ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Bên cạnh việc tăng cường phát tờ rơi, tuyên truyền bằng pa nô, tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động… để tuyên truyền. Từ nguồn quỹ của dịch vụ môi trường rừng, mỗi dịp tuyên truyền chúng tôi trích kinh phí sử dụng mua dụng cụ phục vụ bảo vệ rừng cấp phát cho dân, nhờ đó việc tuyên truyền hiệu quả hơn rất nhiều vì người dân thấy được quyền lợi, lợi ích kinh tế khi tham gia vào giữ rừng. Đối với các diện tích rừng do chính quyền xã quản lý và bảo vệ, chúng tôi phối hợp và phát huy tối đa vai trò của đảng viên, người có uy tín… để họ trở thành lực lượng chủ lực trong công tác tuyên truyền người dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Đặc biệt, thông qua các cuộc họp làng, họp dân… thực hiện lồng ghép các đợt tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng đến với người dân. Từ đó, phát huy sức mạnh của cộng đồng xóm, của toàn dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Chủ động trong công tác tham mưu, tuyên truyền là Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng kiểm lâm ở các địa bàn đã tổ chức 574 buổi tuyên truyền trực tiếp đến 31.654 người các quy định quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền trên loa phát thanh thôn, bản 1.479 lượt với tổng 1.778 giờ phát. Qua đó, có 25.067 người đại diện cộng đồng các thôn, bản, các chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng theo đúng quy định pháp luật.
Riêng với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, việc tuyên truyền bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện đồng thời theo hình thức trực tiếp (tập huấn đến chủ rừng) và tuyên truyền bằng các bài viết, tin, ảnh, phóng sự truyền hình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuyên truyền về quản lý và bảo vệ rừng còn được các cơ quan chức năng tỉnh tổ chức sâu rộng trong các trường học để học sinh góp phần chuyển tải những thông điệp về bảo vệ rừng đến với phụ huynh và người dân. Thông qua hoạt động tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, các em học sinh được tiếp cận thông tin về rừng ngay tại nơi mình sinh sống. Bên cạnh đó, các em cũng được cung cấp thêm nhiều thông tin về tầm quan trọng của rừng với vai trò là "lá phổi xanh của trái đất" cũng như trong phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào. Một số trường học tổ chức tham quan, tìm hiểu thực tế về rừng, lợi ích của rừng và cảnh quan thiên nhiên. Thông qua đó giúp các em có thêm những hiểu biết về vai trò của rừng đối với đời sống xã hội, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng; những tác động làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Bằng việc đa dạng hóa các kênh thông tin, việc tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã được tiếp cận một cách sinh động, hiệu quả; đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đến người dân. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác phát triển và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.