Đang nghiên cứu giống lúa giảm phát thải phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Đang nghiên cứu giống lúa giảm phát thải phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

13:55 - 14/12/2024

Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Trần Ngọc Thạch cho biết, đơn vị đang nghiên cứu chọn tạo giống lúa giảm phát thải phục vụ cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

Giá tiêu cuối tuần tăng tiếp, duy Đắk Lắk không có biến động song giá tiêu vẫn cao thứ hai Tây Nguyên
Giá cà phê tiếp tục tăng mạnh tại Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, đỉnh mới được thiết lập
Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe
Sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Hòa Bình ước đạt 10 nghìn tấn
Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 6,66 tỷ USD

Tại tọa đàm với chủ đề: "Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao" do Hiệp hội ngành hàng lúa gạo và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại TP.Cần Thơ mới đây, ông đề xuất nghiên cứu khả năng ứng dụng sạ bằng thiết bị drone để thúc đẩy năng lực xuống giống trên cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ông có thể giải thích tại sao đề xuất vấn đề này không?

Đang nghiên cứu giống lúa giảm phát thải phục vụ đề án 1 triệu 1 ha- Ảnh 1.

Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch (bên trái) kiểm tra sự phát triển của lúa trong mô hình. Ảnh: Huỳnh Xây

 

- Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cắt giảm lượng lúa giống xuống còn dưới 70kg/ha (vẫn đảm bảo được năng suất, thậm chí năng suất còn vượt trội hơn). Việc làm này nhằm giảm chi phí đầu vào cho người dân, ngoài ra còn giúp giảm lượng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ít làm cỏ và các chi phí khác có liên quan trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, để việc giảm giống gieo sạ đạt được kết quả như mong muốn, đồng ruộng phải đảm bảo được mặt bằng và khả năng thoát nước cao, cùng với đó là tránh xuống giống khi trời mưa để giảm nguy cơ rửa trôi giống.

Ngoài ra, để giảm lượng giống đầu vào, thay vì vẩy bằng tay như cách làm truyền thống của người dân, cần có những thiết bị gieo sạ chính xác như sạ hàng, sạ cụm. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là toàn bộ ĐBSCL chỉ chưa tới 100 máy sạ, như vậy để đáp ứng nhu cầu sạ cho 500.000ha/vụ theo kế hoạch đề án là thách thức, áp lực rất lớn (thời gian gieo sạ yêu cầu nhanh theo kịp mùa vụ).

Ưu điểm từ sạ cụm, sạ hàng kết hợp vùi phân đã được minh chứng. Vì vậy, trước mắt, giải pháp tháo gỡ áp lực vừa nêu ra là cần nâng cao năng suất cho máy sạ cụm, sạ hàng. Cùng với đó là nghiên cứu khả năng ứng dụng gieo sạ bằng drone để thúc đẩy năng lực xuống giống.

Được biết, thời gian qua, Viện Lúa ĐBSCL đã có thử nghiệm về việc sử dụng drone cho cả 3 công đoạn sạ giống, bón phân, phun thuốc và bước đầu đã có kết quả. Vậy kết quả ra sao, thưa ông?

- Hiện nay, nông dân vùng ĐBSCL sử dụng drone rất nhiều ở khâu phun thuốc. Tuy nhiên, các máy drone cũng đã có tính năng gieo sạ và bón phân. Nếu các khâu này đều dùng drone, thì cả vụ lúa, từ gieo sạ đến thu hoạch đều cơ giới hóa hoàn toàn.

Theo thử nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL, chỉ 15 phút là có thể gieo sạ giống lúa được 1ha, nếu thời tiết thuận lợi 1 ngày có thể gieo sạ 50ha. Ngoài ra, thử nghiệm cũng cho thấy, drone có thể dùng bón lót phân sau khi rút cạn nước để trục đất, vùi phân, làm phẳng mặt ruộng trước khi gieo sạ. Cách này cũng có thể giảm số lần bón phân.

Theo tính toán, chỉ cần 5 vụ lúa, có thể thu hồi được chi phí đầu tư cho 1 máy drone vừa có thể gieo sạ, vừa phun thuốc, vừa bón phân. Nếu làm được các khâu trên, chi phí sản xuất lúa tiếp tục giảm. Việc chăm sóc lúa của người dân trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Theo ông, ngoài vấn đề thiết bị gieo sạ, chất lượng lúa giống phục vụ cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần được quan tâm như thế nào?

- Đương nhiên, vấn đề chất lượng hạt giống phải cần được quan tâm nhiều hơn. Nếu tỷ lệ nảy mầm thấp, nhiều lẫn tạp thì sẽ kéo giảm chất lượng lúa gạo và tốn nhiều chi phí cho việc thuê công dặm lại ruộng.

Trong khuôn khổ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nhu cầu giống có thể lên đến vài trăm ngàn tấn, trong khi hiện chỉ có vài doanh nghiệp chính quy đảm bảo được.

Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL đang phối hợp với các địa phương để giải quyết vấn đề này bằng những vùng sản xuất giống tập trung, chất lượng hơn. Song song đó là phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương nâng cao năng lực sản xuất giống của các hợp tác xã và tổ sản xuất.

Viện lúa ĐBSCL đang nghiên cứu chọn tạo giống lúa phát thải thấp, ông có thể thông tin thêm về công việc này không?

- Nhằm phục vụ cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Viện Lúa ĐBSCL đang nghiên cứu chọn tạo ra những giống lúa, ngoài những tiêu chí về năng suất, chất lượng gạo và khả năng chống chịu sâu bệnh, còn có khả năng phát thải thấp. Các giống lúa có khả năng đẻ nhánh sớm để ức chế lượng cỏ dại nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc cỏ, sử dụng hiệu quả phân đạm và nước tiết kiệm.

Hơn nữa, hơi khác hơn một chút, chúng tôi còn nghiên cứu vai trò của cộng đồng vi sinh vật trong đất ở điều kiện ngập khi tương tác với cây lúa để sinh ra khí phát thải. Từ đó, tìm ra cách, giải pháp ức chế, nhằm giảm phát thải trong điều kiện khó có khả năng quản lý nước. Việc làm này cho phép áp dụng cho những nơi, thời điểm, mùa vụ không quản lý được nước hoặc thoát nước sẽ làm tăng chi phí sản xuất để đạt mục tiêu giảm khí phát thải trong canh tác lúa.

Để đóng góp nhiều hơn cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Viện Lúa ĐBSCL mong muốn sự hợp tác của IRRI và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nghiên cứu, tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn về giống, kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải và tăng lợi nhuận cho người nông dân.