Đau đầu ứng phó chuột hại mùa màng

Đau đầu ứng phó chuột hại mùa màng

22:08 - 09/04/2024

HẢI PHÒNG Trung bình các năm gần đây, Hải Phòng có diện tích lúa bị chuột phá hại khoảng 700ha, trong đó nhiều địa phương thậm chí mất trắng.

Thả rong để nuôi tép, làm chơi, ăn thật
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới
Lúa xuân năm 2024 ở Hải Phòng đang đẻ nhánh rộ và sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Đinh Mười.

Lúa xuân năm 2024 ở Hải Phòng đang đẻ nhánh rộ và sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Đinh Mười.

Vụ lúa xuân 2024, diện tích gieo cấy tại TP Hải Phòng đạt hơn 2.600ha. Đến thời điểm hiện tại, lúa đang sinh trưởng tốt và đang vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Để bảo vệ mùa màng, những ngày gần đây người dân đã đổ ra đồng để thực hiện các biện pháp diệt chuột.

Xã Liên Am (huyện Vĩnh Bảo) là một trong những địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, riêng đất trồng lúa hơn 300ha. Những năm gần đây, diện tích và mức độ gây hại của chuột trên lúa và các cây trồng khác đang ngày càng gia tăng, nông dân luôn trong tình trạng phải “ăn chia” năng suất với chuột.

Mặc dù nhiều địa phương đã ký hợp đồng đánh chuột với các doanh nghiệp và áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ cây lúa và rau màu như dùng bả, quây nilon, dùng bẫy thủ công…, tuy nhiên tình hình chuột gây hại vẫn rất phức tạp.

“Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, cả hệ thống chính trị vào cuộc và vụ nào cũng quyết liệt nhưng năm nào toàn xã cũng có từ 1 - 2ha lúa không cho thu hoạch do chuột gây hại”, ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Liên Am cho hay.

Người dân xã Mỹ Đức, huyện An Lão cắm cọc để quây nilon, phòng chuột phá lúa vụ xuân. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân xã Mỹ Đức, huyện An Lão cắm cọc để quây nilon, phòng chuột phá lúa vụ xuân. Ảnh: Đinh Mười.

Tại huyện Kiến Thụy, diện tích gieo cấy vụ xuân 2024 đạt gần 3 nghìn ha, tập trung ở các xã Thuận Thiên, Kiến Quốc, Du Lễ, Ngũ Đoan, Ngũ Phúc, Tân Trào, Đại Hà... Những năm gần đây, thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Kiến Thụy cho thấy mỗi vụ có trên dưới 100ha lúa bị chuột gây hại. Riêng năm 2023, diện tích bị chuột phá hại nặng hơn 21ha, cao gấp 3 lần so với năm 2022. Tại một số địa phương như xã Thanh Sơn và xã Đại Hà, diện tích bị chuột phá hại lên tới 50% diện tích gieo cấy. 

Chị Phạm Thị Thủy trú tại xã Thanh Sơn (huyện Kiến Thụy) cho biết, vụ xuân 2024 gia đình chị cấy hơn 4 sào lúa, trong đó một phần diện tích gần đường hoặc xen kẽ với nghĩa trang nên thường xuyên bị chuột cắn phá. Do đó những ngày qua, ngoài việc cắm cọc và quây nilon xung quanh, gia đình chị đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để diệt chuột, bảo vệ lúa thời kỳ đẻ nhánh.

“Các vụ trước chúng tôi có đăng ký diệt chuột với một đơn vị dịch vụ. Mấy vụ đầu tiên có đạt hiệu quả nhưng đến nay không còn ăn thua do chuột đã dần thích nghi với mồi bả. Vì vậy, cùng với việc quây nilon xung quanh ruộng, chúng tôi dùng thêm bẫy thủ công và thuốc sinh học để diệt chuột”, chị Thủy nói thêm.

Bà Lê Thị Thanh Huyền – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kiến Thụy cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng chuột phá hoại mùa màng ngày càng phức tạp là do diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng tăng, chuột có thêm chỗ trú ngụ, sinh sản.

Thời điểm này, rất dễ gặp hình ảnh người dân quây nilon trắng xóa trên các cánh đồng ở Hải Phòng để ngăn chuột. Ảnh: Đinh Mười.

Thời điểm này, rất dễ gặp hình ảnh người dân quây nilon trắng xóa trên các cánh đồng ở Hải Phòng để ngăn chuột. Ảnh: Đinh Mười.

 

Ngoài ra, các biện pháp phòng trừ chuột được áp dụng nhưng chưa triển khai trên diện rộng với tần suất dày. Hiện số lượng các xã ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ diệt chuột giảm do nhiều nguyên nhân và việc thu phí dịch vụ diệt chuột đối với các đơn vị dịch vụ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, khả năng sinh sản của chuột rất nhanh, trong khi thời gian giữa các vụ ngày càng rút ngắn, các loài thiên địch của chuột như rắn, mèo... ít dần cũng là điều kiện thuận lợi cho quần thể chuột phát triển.

“Mặc dù triển khai đa dạng biện pháp diệt chuột như bẫy, đánh bắt thủ công, bẫy sinh học, quây nilon, ký hợp đồng với các đơn vị diệt chuột... song tại một số địa phương, tình hình chuột hại diễn biến phức tạp. Giải pháp hiện nay là tiến hành thường xuyên, đồng loạt công tác diệt chuột trên diện rộng với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị và toàn thể nhân dân”, bà Huyền chia sẻ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng, trung bình mỗi năm, toàn Thành phố có diện tích bị chuột phá hại lên đến 700ha, có nhiều địa phương thậm chí mất trắng.

Để kiểm soát, quản lý chuột hại hiệu quả, vụ xuân năm 2024, đơn vị đã triển khai thực hiện thí điểm các biện pháp quản lý tổng hợp chuột hại trên cây lúa tại 2 địa điểm gồm cánh đồng thôn Vân Đoài (xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng) với diện tích 20ha và cánh đồng thôn Kim Lĩnh (xã Chiến Thắng, huyện An Lão) với diện tích 15ha.

Diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng tăng, bờ bụi rậm rạp là những yếu tổ thuận lợi để chuột có thêm chỗ trú ngụ và sinh sản. Ảnh: Đinh Mười.

Diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng tăng, bờ bụi rậm rạp là những yếu tổ thuận lợi để chuột có thêm chỗ trú ngụ và sinh sản. Ảnh: Đinh Mười.

Chi cục đã phối hợp với UBND các xã triển khai thí điểm rải mồi bả tập trung bằng bả trộn sẵn Gimlet 0.2GB, Antimice 0.006GB. Cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã tập huấn, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương trước khi rải mồi bả để người dân nắm được tập tính gây hại của chuột, các biện pháp kỹ thuật, tác dụng của thuốc và phương pháp rải mồi đúng, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương đã chỉ đạo và phát động các trưởng thôn, tổ chức, cá nhân có diện tích tích tụ, tổ đội diệt chuột… kết hợp với cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật rải mồi bả tại các gò, đống, nghĩa trang, bờ bụi xung quanh diện tích làm thí điểm.

Quá trình triển khai, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn, đánh giá…, cùng các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở kết quả từ các mô hình, sẽ là cơ sở khoa học để phối hợp cùng các địa phương và tham mưu cho Sở NN-PTNT TP Hải Phòng đưa ra biện pháp quản lý chuột hại hiệu quả, giúp người dân bảo vệ sản xuất.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng hướng dẫn người dân xác định 5 dấu hiệu nhận biết nơi có chuột để rải mồi là hang chuột, đường đi của chuột, phân chuột, vết cắn phá, vết chân chuột. Từ đây sẽ sử dụng bả diệt chuột trộn sẵn rải trên đồng ruộng vào giai đoạn đầu vụ, khi lấy nước đổ ải. Đây là một trong các biện pháp quản lý chuột hại có hiệu quả, làm giảm mật độ chuột hại trên đồng ruộng.