Dâu tây Sơn La - từ "chua chảy nước mắt" trở thành "món quà mong đợi"
21:14 - 11/10/2024
Trái dâu tây trên đất Sơn La trong mấy năm gần đây đã trở thành mặt hàng được người tiêu dùng mong đợi bởi hương vị thơm ngon, ngọt ngào và sắc màu đầy quyến rũ. Kết quả ấy có phần đóng góp mang tính quyết định của việc ứng dụng khoa học công nghệ…
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Hành trình đi lên của cây dâu tây Sơn La
Cây dâu tây có mặt trên đất Sơn La từ hơn chục năm trước và bản Xuân Quế, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) là một trong những mảnh đất "cội nguồn" của loại cây này. Nhưng nhắc tới trái dâu tây ngày ấy, không ít người vẫn còn nhăn mặt bởi nhớ tới cái cảm giác chua lên tận óc. "Trước đây, nhìn thấy dâu tây thì đẹp nhưng cũng chỉ mua vài khóm về trồng làm cảnh, chứ ăn trái dâu tây ngày ấy thì chua đến chảy nước mắt" – ông Lò Văn Châu, hộ trồng và kinh doanh hàng tấn dâu tây mỗi năm ở bản Cò Nòi (Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La), bảo vậy.
Cũng theo ông Châu, để có được những trái dâu tây thơm, ngọt và tươi hồng như hôm nay thì người trồng dây tây ở Sơn La nói chung và ở xã Cò Nòi nói riêng đã phải trải qua một hành trình không đơn giản: Lúc đầu, diện tích cây dâu tây ở Mai Sơn này chỉ là mấy ngàn m2, rồi tăng lên 1-2ha nhưng sản lượng thấp, chất lượng thì… chua thôi rồi. Nhưng nhờ những khóa tập huấn khuyến nông và hệ thống mạng internet phát triển, chúng tôi lên mạng tìm hiểu và biết rằng có những giống dâu tây, những phương pháp trồng dâu tây mang lại trái ngọt và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Người trồng dâu tây nhờ thế mà vận dụng theo và thành công.
Đến hôm nay thì diện tích dâu tây ở riêng huyện Mai Sơn này đã lên tới trên 300ha và sản lượng quả tươi khoảng 400 tấn/vụ. "Dâu tây Mai Sơn bây giờ chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước. Tuy sản lượng quả tươi rất lớn nhưng vì chất lượng thơm ngon nên nhiều khi cháy hàng. Nhà tôi có mấy ha nhưng lắm khi phải từ chối nhận đơn đặt hàng, ngay cả trong những ngày chính vụ" – ông Châu phấn khởi chia sẻ như vậy.
Đến với HTX Dâu tây Xuân Quế (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La), gặp giám đốc HTX là anh Nguyễn Văn Nam – người có hơn 10 năm gắn bó với cây dâu tây. Anh Nam bảo: Dâu tây là loại trái cây ăn tươi nên để chinh phục được khách hàng là một hành trình không đơn giản. Khi mới phát triển cây dâu tây, ngày nào bán được vài chục kg quả là chúng tôi vui lắm rồi. Nhưng bây giờ thì hơn 50ha dâu tây của HTX chúng tôi, có những ngày bán được cả tấn mà khách hàng vẫn đặt đơn tới tấp.
Trò chuyện cùng anh Nam, mới hiểu thêm nhiều về cây dâu tây và hành trình đến với Dâu tây VietGap, sản phẩm OCOP 3 sao của dâu tây Sơn La: Nếu không có những thuận lợi trong thời đại công nghệ số, mạng lưới viễn thông phát triển thì người trồng dâu tây ở Sơn La không thể có kết quả tốt như ngày hôm nay. Chỉ cách đây khoảng 5-6 năm, nhiều hộ dân khi phải triển diện tích trồng mới dâu tây thì vẫn còn rụt rè theo kiểu "vừa làm vừa xem" nhưng bây giờ thì cây dâu tây tăng trưởng nhanh lắm vì nông dân ai cũng tự tin với kiến thức của mình. Khó khăn gì thì chỉ ới mấy dòng lên mạng là đầy người vào tư vấn ngay, từ khâu chọn giống, chọn phân bón, đến cách phòng bệnh, thu hái, đóng gói phân phối sản phẩm...
Dâu tây Sơn La - sản phẩm OCOP mà khách hàng luôn mong đợi
Chị Nguyễn Thị Hồng Khánh, tiểu thương chuyên thu mua trái cây ở Sơn La về Hà Nội, tâm sự: Em ở ngay Bưu Điện Hà Đông (Hà Nội) nhưng vì nghề thu mua và vận chuyển trái cây từ Sơn La về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi nên 8 năm nay em có thời gian sống trên đất Sơn La nhiều hơn ở nhà. Sơn La là tỉnh có lượng trái cây rất lớn và phong phú về chủng loại, mùa nào thức ấy nên làm ăn rất thuận lợi. Riêng về dâu tây Sơn La, với tổng diện tích hơn 400ha; mỗi năm, bọn em thu mua đến cả chục tấn tại 3 huyện Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn nhưng ở Mai Sơn là địa bàn trọng điểm nhất. "Việc bán dâu tây Sơn La của chúng em rất thuận vì dâu Sơn La không chỉ mẫu mã đẹp, đảm bảo chất lượng, màu sắc quả tươi mà ăn rất ngon. Chất đường trong dâu Sơn La ngọt và mát chứ không khắt, không chua như một số dâu tây ở nơi khác. Khi đầu vụ, giá 1 kg dâu tây tới vài ba trăm ngàn nhưng cứ mang về tới Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh là hết ngay" – chị Khánh bảo vậy.
Nói về thành công của cây dâu tây ở Sơn La, anh Nguyễn Văn Linh ở xã Cò Nòi, cho biết: Trước đây tôi cũng trồng nhiều loại cây ăn quả như nhãn, bưởi, cam… nhưng nay chuyển hết cả mấy ha đất của gia đình sang trồng dâu tây vì thu nhập từ dâu tây lớn hơn nhiều so với cây trồng khác. Giống dâu tây mà chúng tôi đang trồng hiện nay là giống dâu tây Hana - Nhật bản, cho nhiều trái, trái to và thời gian chín có thể kéo dài đến 4-5 tháng; đặc biệt là quả rất ngọt nên khách hàng rất yêu thích. Người trồng dâu tây ở Mai Sơn chúng tôi liên kết chặt chẽ với nhau trong những nhóm mạng xã hội nên bảo ban nhau được rất nhiều. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi luôn nhắc nhau là giữ gìn thương hiệu sản phẩm OCOP mà dây tây đạt được; tức là chúng tôi tạo ra những sản phẩm vừa sạch, vừa ngon; bao gói cẩn thận cho khách vận chuyển thuận lợi; coi trọng quyền lợi người tiêu dùng.
Trở lại HTX dâu tây Xuân Quế, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX cho biết thêm: Để cây dâu tây ở Sơn La thành một trong những lợi thế nông sản trên thị trường, người trồng dâu tây chúng tôi không chỉ nỗ lực đầu tư cho mỗi ha đến 600-700 triệu đồng/năm mà còn rất nỗ lực học hỏi, cập nhập các thông tin hữu ích trên mạng xã hội. Ngay như giống dâu tây, chúng tôi cũng đã thử nghiệm qua 4-5 loại giống và cũng mới thành công với giống cây Hana của Nhật Bản này được khoảng 4-5 năm nay. Khi áp dụng làm dâu tây hữu cơ, chúng tôi cũng phải lựa chọn nhiều loại phân, nhiều loại công nghệ và đến nay mới rút ra rằng công nghệ phân bón hữu cơ của Nga là phù hợp với cây dâu tây ở Mai Sơn. Đơn giản hơn, như mọi người đều thấy là tấm nilon phủ luống dâu và béc phun tưới ẩm trong vườn, chúng tôi cũng phải tìm kiếm và thử nghiệm rất nhiều sao cho hiệu quả. Đó là chưa nói tới những công nghệ sâu hơn, những máy móc hiện đại hơn như nhà lạnh, máy sấy nhiệt, thiết kế bao bì, nhãn mác…
"Tóm lại, để đạt được các tiêu chí VietGap, để được công nhận là sản phẩm OCOP, người trồng dâu tây ở Sơn La luôn phải nỗ lực, phải coi khách hàng là thượng đế; tức là khách hàng phải yên tâm khi sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Vì thế, nên chúng tôi có những sản phẩm dâu tây bán tới hơn 1 triệu đồng/kg như "Dâu tây Hoàng Đế", hay ít nhất thì mỗi ha dâu tây cũng mang lại cho người sản xuất nguồn lợi từ 300 – 400 triệu đồng/ha/năm. Với Sơn La, cây dâu tây đang có những lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có", anh Nam khẳng định như vậy.