Đầu tư nuôi biển: Chính sách vẫn ở đất liền, còn cuộc sống đã ra khơi
12:10 - 07/09/2024
QUẢNG NINH Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển phải qua nhiều bộ, ngành, dẫn đến thủ tục hành chính phức tạp, người tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản khó tiếp cận.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Hiện nay tiến độ giao, cho thuê mặt nước biển cho các tập thể, hộ gia đình để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của các tập thể và cá nhân.
45.000ha dành cho nuôi biển tại Quảng Ninh
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, cho biết theo quy định tại Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Sở có trách nhiệm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về tích hợp các khu vực biển để nuôi trồng thủy sản vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch không gian biển; tham mưu cấp phép nuôi trồng thủy sản biển trong ranh giới 6 hải lý theo thẩm quyền.
Theo ông Sơn, hiện toàn tỉnh đã quy hoạch 45.246 ha trên vùng biển của 9 địa phương: Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản; trong đó: Vùng biển trong 3 hải lý: 23.975ha (53,0%); Vùng biển từ ngoài 3 đến 6 hải lý: 13.031ha (28,8%); Vùng biển ngoài 6 hải lý: 8.240ha (18,2%). Các địa phương đang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, cập nhật diện tích khu vực biển quy hoạch nuôi trồng thủy sản vào bản đồ chuyên đề thuộc Quy hoạch tỉnh.
"Sở đã sắp xếp khu vực biển dành thu hút các dự án đầu tư nuôi biển công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương đã quan tâm triển khai theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tổng diện tích khu vực biển các địa phương dành để thu hút đầu tư nuôi công nghiệp là 13.400 ha/45.246 ha. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu đầu tư với diện tích gần 4.000 ha như: Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Miền Trung, Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông, Công ty TNHH Thủy sản LENGER Việt Nam, Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An", ông Sơn cho hay.
Để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện quy hoạch, giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, các địa phương có biển đã xây dựng và phê duyệt phương án/đề án, bản đồ/sơ đồ khu vực biển phát triển nuôi trồng thủy sản. Kết quả: 7/9 địa phương (Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà) hoàn thành việc lập, phê duyệt phương án/đề án, bản đồ quy hoạch nuôi biển. Riêng thị xã Quảng Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, giao khu vực biển, tiếp nhận giải quyết hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản. Còn 2/9 địa phương (Hạ Long, Móng Cái) chưa hoàn thành phê duyệt phương án/đề án, bản đồ nuôi biển.
Về thực hiện thủ tục giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết đối với đối tượng là cá nhân theo điểm a, Khoản 2, Điều 44 Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 thuộc thẩm quyền cấp huyện (khu vực biển nằm trong vùng biển 3 hải lý): Hầu hết các địa phương chưa triển khai việc giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho nhóm đối tượng này. Riêng thị xã Quảng Yên đã và đang triển khai tiếp nhận hồ sơ, phân loại đối tượng và hoàn thiện thủ tục theo quy định. Đến nay, thị xã Quảng Yên đã tiếp nhận 344 hồ sơ của cá nhân đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của địa phương và đang xin ý kiến các sở, ngành liên quan; Sở NN-PTNT đã có ý kiến trả lời bằng văn bản.
Đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp tỉnh (khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý): Có 1 tổ chức (HTX Thủy sản Trung Nam, huyện Vân Đồn) đã nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Sở TN-MT đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo trình tự thủ tục hành chính, xin ý kiến và có văn bản trả lời của Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp có đơn xin rút hồ sơ để xác định lại diện tích, hiện chưa nộp lại nên chưa có kết quả cuối cùng.
Nói về những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân khiến việc giao mặt nước biển bị chậm, ông Nguyễn Minh Sơn đã thẳng thắn chỉ rõ.
Đối với cấp tỉnh, Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định về giao khu vực biển còn một số bất cập; việc thẩm định hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong vùng biển từ 3-6 hải lý, ngoài ý kiến của các cơ quan Quân đội, Công an cấp tỉnh còn phải lấy ý kiến của 4 Bộ, ngành liên quan là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫn đến thủ tục hành chính phức tạp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản biển khó tiếp cận.
Đối với cấp huyện, công tác quản lý nhà nước trong thực hiện giao, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương chưa chặt chẽ, không có sự thống nhất giữa huyện và xã về danh sách các tổ chức, cá nhân đang nuôi trồng thủy sản trên biển đã được cấp quyền sử dụng mặt nước; nên xảy ra tình trạng dự án đã thực hiện thủ tục ĐTM nhưng đến bước trình phê duyệt hồ sơ đề nghị giao khu vực biển mới phát hiện có sự chồng lấn về ranh giới giữa các cơ sở nuôi; dẫn đến vướng mắc khi thực hiện giao mới do trùng lấn với diện tích mặt biển đã được địa phương giao, cho thuê.
Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo một số phường, xã chưa nắm chắc chủ trương, chỉ đạo của tỉnh, huyện trong việc triển khai thực hiện cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản. Cách nghĩ, cách hiểu các quy định của pháp luật trong thực hiện thủ tục hành chính về đánh giá tác động môi trường, cấp phép và giao khu vực biển còn hạn chế, máy móc, thiếu linh hoạt, dẫn đến tiến độ công việc chậm trễ, không đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của tỉnh và nhu cầu của nhân dân… chưa đáp ứng được yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, HTX, người dân có nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên biển.
Một số tổ chức, HTX đã được UBND huyện ban hành quyết định cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản; tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa thực hiện các thủ tục tiếp theo đảm bảo theo quy định hiện hành; việc triển khai thực hiện thủ tục hồ sơ đánh giá tác động môi trường, đề nghị cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản theo quy định còn lúng túng.
Theo ông Sơn, hầu hết các địa phương chưa xây dựng phương án, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo thứ tự ưu tiên và chưa xác định cụ thể tọa độ, ranh giới khu vực biển dành thu hút đầu tư nuôi biển nên khó khăn trong công tác lựa chọn nhà đầu tư.
Tháo gỡ khó khăn
Trước muôn vàn vướng mắc trong giao biển tại Quảng Ninh, Sở NN-PTNT đã đề nghị Sở TN-MT chủ trì rà soát, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đánh giá tác động môi trường; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp tỉnh; đôn đốc và hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản đối với nhóm đối tượng thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Tổ chức giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, báo cáo với cấp có thẩm quyền giao khu vực biển với vùng biển ngoài 6 hải lý.
Ông Nguyễn Minh Sơn cho biết, Sở NN-PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND các địa phương có nuôi biển tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện các quy định về cấp phép nuôi biển, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực theo Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Về phía các địa phương, phải khẩn trương rà soát, xác định cụ thể nhu cầu sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; trong đó, phân rõ thẩm quyền giao khu vực biển, nhu cầu diện tích khu vực biển, đối tượng chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi biển… đảm bảo rõ các thông tin cá nhân. Xác định cụ thể ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực biển dành thu hút đầu tư nuôi công nghiệp gắn với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo mặt bằng sạch.
Đối với các trường hợp là cá nhân xin giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền cấp huyện, cần rà soát kỹ, lựa chọn đối tượng theo những tiêu chí về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm, cam kết sử dụng khu vực biển được giao đúng mục đích; ưu tiên các đối tượng theo thứ tự diện chính sách, người địa phương… và áp dụng hạn mức giao khu vực biển theo đúng quy định; đảm bảo khách quan, minh bạch.