Đây là loại quả đặc sản đang chín thơm lừng vùng Tây Nguyên, hễ cắt bán là nhà nào cũng có cục tiền to
11:09 - 04/07/2024
Nông dân nhiều nơi ở Tây Nguyên bắt đầu bước vào vụ thu hoạch sầu riêng với niềm vui được mùa, được giá. Nhiều vườn sầu riêng mang lại tiền tỷ, nhiều nông dân đếm tiền mỏi tay ngay tại vườn.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Sầu riêng được mùa, được giá, nông dân đếm tiền mỏi tay
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng, ở Thị trấn EaT'ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông có hơn 2ha trồng sầu riêng giống Dona năm thứ 7. Cuối tháng 5, khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch, chị mới tiến hành nhận đặt cọc với thương lái cho toàn bộ 300 cây trong vườn với giá 80.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Ước tính năm nay vườn sầu riêng nhà chị Hằng thu về hơn 35 tấn, gần 3 tỷ đồng đã trong tầm tay.
"Vụ sầu riêng năm ngoái vì thương lái vào đặt cọc sớm nên giá sầu riêng chỉ được 60.000 đồng/kg. Rút kinh nghiệm từ vụ trước năm gần sát vụ thu hoạch tôi mới chốt giá sầu với thương lái nên được giá hơn. Được mùa, được giá thế này, năm nay đếm tiền mỏi tay", chị Hằng phấn khởi.
Bà con nông dân rất phấn khởi khi vừa được mùa, thương lái cũng chốt giá sầu riêng cao hơn năm trước.
Tỉnh Gia Lai cũng là một trong những nơi thu hoạch sầu riêng sớm so với toàn vùng Tây Nguyên. Anh Hoàng Văn Đạt, ở xã Bình Giáo, huyện Chư Prông có vườn sầu riêng 200 cây, giống Ri6. Dự kiến vụ này gia đình sẽ thu được khoảng 25 tấn quả. Với giá của thương lái đang tìm mua, 60.000 đồng/kg, gia đình anh sẽ thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.
"Bây giờ trồng sầu riêng rất khoẻ, thương lái, công ty đến tận vườn thu mua. Giá cả cập nhật hàng ngày trên mạng rồi mở điện thoại ra là xem được ngay. Bà con nông dân mình có đủ thông tin để có thể chốt giá tốt nhất. Không phải lo lắng ép giá gì nữa. Làm cả năm rồi, lúc thu hoạch này là lúc cho vợ đếm tiền thôi, niềm vui cũng chỉ thế thôi", anh Hoàng Văn Đạt vui vẻ chia sẻ.
Cũng đang phấn khởi vì được mùa, được giá, anh Nguyễn Văn Phận, ở xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai vừa chốt giá với thương lái cho 250 cây sầu giống Dona. Năm nay dự tính sản lượng vườn cây được gần 30 tấn, với giá 80.000đồng/kg, gia đình anh sẽ thu về khoảng 2,4 tỷ đồng.
"Mấy năm liên tục làm sầu riêng đều được cả, bà con phấn khởi lắm. Cứ thế này, chẳng mấy chốc mà giàu thôi", anh Nguyễn Văn Phận hồ hởi.
"Bẻ kèo", "huỷ cọc" – nỗi lo chưa hồi kết
Bà Nguyễn Thị Lý, một thương lái thu mua sầu riêng tại huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) cho biết, năm nay sản lượng sầu riêng rất dồi dào và chất lượng quả tốt khi bà con nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc và làm trái. Hiện giá sầu riêng Ri6 dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, còn sầu riêng Dona dao động từ 70.000 - 85.000 đồng/kg.
Bà Lý nhận định, đây sẽ tiếp tục là vụ sầu riêng thắng lớn của nông dân tỉnh Gia Lai và các vùng lân cận: "Sầu riêng năm nay ngon, chất lượng, vừa được mùa, được giá, bà con phấn khởi thương lái chúng tôi cũng rất vui. Giờ bắt đầu là bận rộn thu hoạch làm sao đúng thời điểm, để chất lượng quả tốt nhất".
Anh Nguyễn Văn Phúc, một thương lái sầu riêng ở tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện anh đang đặt cọc sầu riêng giống Ri6 với giá 55.000/kg, sầu riêng Dona với giá 80.000/kg. Thời điểm này, lác đác một số vườn ở Đắk Nông đã bắt đầu thu hoạch, thương lái như anh đang phải tật thuê nhân công thu hái. Nhưng điều khiến anh Phúc lo lắng nhất là chuẩn bị vào chính vụ, giá sầu riêng rất có thể sẽ có những biến động.
"Dù giá lên quá cao hay xuống quá thấp thì thương lái như mình đều rất lo lắng. Giá lên cao thì có thể nông dân sẽ "bẻ kèo", huỷ cọc, tìm cách bán cho thương lái khác. Mà giá xuống thấp thì thương lái mình bị lỗ. Chuyện giá xuống thấp, thương lái "bẻ kèo" với nông dân mình cũng đã thấy nhiều. Cho nên, chỉ mong giá ổn định như bây giờ để cả nông dân và thương lái đều có lợi thôi.", anh Nguyễn Văn Phúc cho biết.
Cũng làm nghề thu mua sầu riêng lâu năm, anh Huỳnh Phú Quý, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, giữa nông dân và thương lái vẫn còn có những khoảng cách. Hai bên chưa xây dựng được niềm tin và sự chia sẻ với nhau. Chính vì vậy, mỗi khi thị trường có biến động, vì lợi ích ngắn hạn đã xảy ra những câu chuyện đáng buồn "bể kèo", huỷ cọc, vi phạm các hợp đồng đã ký kết.
Hiện giá sầu riêng (Tại Gia Lai) Ri6 dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, còn sầu riêng Dona dao động từ 70.000 - 85.000 đồng/kg.
"Nông dân hoặc thương lái đơn phương huỷ hợp đồng khá phổ biến. Đây là hợp đồng dân sự, chỉ có kiện ra toà án dân sự để xử thôi. Nhưng chờ xử được thì cũng quá tội, mất quá nhiều thời gian và đôi khi cũng khó thoả đáng", anh Huỳnh Phú Quý than thở.
Cần xây dựng chiến lược lâu dài về chất lượng và sự hợp tác
Theo Sở NN&PTNN tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 6.000ha sầu riêng, trong đó diện tích kinh doanh chiếm khoảng một nửa, tập trung ở các huyện như Chư Prông, Ia Grai, Đăk Đoa, Chư Sê và Chư Pưh. Tỉnh đã xây dựng được 16 mã số vùng trồng sầu riêng và đang xây dựng sầu riêng thành nông sản chiến lược.
Tỉnh Đắk Lắk là vùng trồng sầu riêng nhiều nhất cả nước với hơn 32.000ha. Tỉnh vừa trải qua một mùa khô khốc liệt gây ra tình trạng rụng trái ở nhiều nhà vườn. Nhưng với nền tảng kinh nghiệm và sự tích cực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của các hội viên nông dân, đa số các vườn ở xã vẫn có triển vọng duy trì được năng suất.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, để ngành hàng sầu riêng bền vững, cần xây dựng chiến lược lâu dài về chất lượng, cùng với đó là tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu của Đắk Lắk là Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng. Sầu riêng Đắk Lắk được nhập khẩu chính thức vào thị trường này từ ngày 11/7/2022 với nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói. Điều này, đòi hỏi nhà vườn phải thay đổi tập quán sản xuất từ việc chỉ quan tâm đến năng suất sang tập trung vào chất lượng của sản phẩm. Tại Đắk Lắk hiện nay đang nhân rộng các mô hình canh tác sầu riêng theo các tiêu chuẩn chất lượng như Viet GAP, thậm chí Global GAP.
Số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích cây sầu riêng cả nước đến tháng 4/2024 đã lên tới khoảng 151.000 ha, tăng gấp đôi so với năm 2020. Dự báo sản lượng sầu riêng năm 2024 này có thể lên đến 1,5 triệu tấn.
Khắc phục tồn tại trong tiêu thụ sầu riêng, tăng cường liên kết nông dân với doanh nghiệp là đòi hỏi cấp thiết của các địa phương trong đó có vùng Tây Nguyên. Tham Dự diễn đàn "Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam" vừa tổ chức tại Đắk Lắk tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, sầu riêng Việt Nam đang manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi sầu riêng rộng đường tiêu thụ lại xảy ra tình trạng mạnh ai nấy thu mua, không mua được thì người này nâng giá một chút, người kia tăng một chút, cuối cùng tạo giá ảo.
Để tránh tình trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các bên liên quan phải tổ chức lại khâu sản xuất. Cần có sự tham gia ngay từ đầu của doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau, tạo niềm tin, mối liên kết chặt chẽ giữa các bên.
"Phải tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất với nhau. Doanh nghiệp và người dân phải chuyển mối quan hệ từ "thuận mua vừa bán" sang hợp tác. Phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề "nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị.