Để cây ném tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển
21:28 - 10/09/2024
QUẢNG TRỊ Ném là cây trồng truyền thống đem lại thu nhập ổn định cho người dân ven biển Quảng Trị. Tuy nhiên để tạo sinh kế bền vững, cây ném cần một hướng đi mới.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Đất cát bạc màu nhanh sau những vụ ném
Cây ném (hay còn gọi là cây hành tăm) là cây trồng phổ biến tại các xã ven biển tỉnh Quảng Trị. Cây ném trồng từ cuối tháng 8 âm lịch và thu hoạch vào tháng giêng, tháng hai năm sau. Không chỉ bán củ ném, thân lá cây ném cũng là gia vị được sử dụng trong rất nhiều món ăn dân dã như cá kho, thịt gà kho ném, cháo canh, bánh canh… Vì vậy, người trồng ném trên đất cát tại Quảng Trị thường gieo trồng với mật độ dày rồi tỉa thưa bán thân, củ và lá. Khi củ ném già, thân héo rũ, người dân sẽ thu hoạch để bán củ, để giống.
Lâu nay, người dân ven biển Quảng Trị vẫn trồng ném theo phương thức truyền thống. Phân bón hoá học được sử dụng với tỷ lệ cao giúp cây ném phát triển nhanh trong thời gian đầu. Tuy nhiên, đây cũng là lý do khiến cây ném nhanh tàn, năng suất thấp.
Ông Trần Bình Tham ở thôn 6, xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) cho biết, cây ném được trồng từ tháng 8 năm trước đến tháng giêng, hai năm sau. Đó là thời điểm nguồn nước cho cây trồng trong lòng đất tương đối đảm bảo. Tuy nhiên bước sang vụ hè thu thì những vùng đất cát, đặc biệt là cuối nguồn hệ thống thủy lợi không thể có đủ nước tưới. Vấn đề đặt ra là trong vụ đông xuân, cần phải tạo được một lớp mùn trong lòng đất cát để giữ được độ ẩm thường xuyên phục vụ cho cây trồng ở vụ hè thu.
Theo ông Tham, việc sử dụng phân bón hóa học hết sức tiện lợi, giảm ngày công lao động. Tuy nhiên, đất cát không thể giữ được nước nên phân bón hóa học cũng dễ dàng bị rửa trôi nên chỉ sau một vài trận mưa, đất lại trở nên bạc màu.
Đây có lẽ là lý do khiến đất cát tại nhiều xã ven biển Quảng Trị ngày càng thoái hóa, bạc màu. Vì vậy, trong vụ hè thu, các loại hoa màu như môn, mướp đắng, khoai lang, sắn… đều sinh trưởng, phát triển kém, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp.
Cũng theo ông Tham, nếu nông dân không kịp thời bổ sung thành phần hữu cơ, phân xanh, việc canh tác không thể đem lại năng suất bền vững. Bên cạnh đó, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh cũng giúp tạo ra năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn, từ đó nâng cao giá trị nông sản trên đất cát bạc màu.
Từ lâu, người dân đã nhận thức được lợi ích của việc trồng ném theo hướng hữu cơ. Vì vậy thời gian qua, nhiều hộ dân đã chủ động sử dụng phân chuồng ủ hoai, phân xanh để canh tác. Tuy nhiên, nông dân chỉ mò mẫm học theo nhau làm chứ chưa có hướng dẫn cụ thể về việc ủ phân đúng kỹ thuật để đem lại hiệu quả cao.
"Diện tích đất có thể trồng ném ở Triệu Lăng nói riêng và các xã ven biển của Quảng Trị rất lớn. Cây ném mang lại giá trị lớn nhưng chúng tôi vẫn cho rằng hoàn toàn có thể nâng cao giá trị hơn nữa nếu sản xuất theo quy trình nhằm tăng năng suất, chất lượng, trong đó chú trọng việc bổ sung thành phần dinh dưỡng hữu cơ hợp lý cho đất. Lợi ích mang lại không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn là vấn đề môi trường", ông Tham chia sẻ.
Trồng ném theo hướng hữu cơ
Vụ đông xuân 2023 - 2024, được sự hỗ trợ của Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR) tỉnh Quảng Trị, UBND xã Triệu Lăng phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị trồng 2,5ha ném theo hướng hữu cơ trên đất cát.
Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ. Rác thải sinh hoạt hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp, phân chuồng, mùn hoai sẽ kết hợp với chế phẩm vi sinh dạng bột ủ thành phân hữu cơ sử dụng cho việc trồng ném.
Độ ẩm của đống ủ phải đạt 60 - 70%, ủ trong môi trường yếm khí, tránh ánh nắng trực tiếp. Phế thải nông nghiệp như rơm rạ, trấu, phân chuồng thường ủ 40 - 60 ngày. Những phế phẩm nông nghiệp khác như lá mía, thân ngô, lạc hoặc cây bèo hoa tím... cần thời gian ủ dài hơn.
Nguồn phân này sẽ bón cho cây ném với liều lượng 300kg phân chuồng đã qua xử lý; 50kg phân hữu cơ vi sinh và 25kg phân khoáng hữu cơ/sào.
Ông Trần Bình Tham ở thôn 6 (xã Triệu Lăng) tham gia mô hình cho hay, mặc dù gieo trồng trên chân đất cát nghèo dinh dưỡng nhưng nhờ được bón phân đầy đủ, cân đối, tăng lượng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh và phân khoáng hữu cơ, chăm đúng quy trình kỹ thuật nên cây ném phát triển tốt, ít sâu bệnh, củ to. Trồng ném theo hướng hữu cơ chủ yếu sử dụng phân chuồng hoai mục đã giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, giữ độ ẩm tốt.
Sau 6 - 7 tháng trồng và chăm sóc, năng suất cây ném đạt 40 - 42 tạ/ha. Với giá bán bình quân 60 - 70 nghìn đồng/kg, lợi nhuận đạt 130 triệu đồng/ha, tương ứng với 6,5 triệu đồng/sào, cao hơn so với trồng sắn và khoai lang trên cùng chân đất khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha và cao gấp 3 lần trồng lúa.
Mô hình sản xuất cây ném theo hướng hữu cơ thành công đã tăng giá trị trên đơn vị sản xuất, người dân nắm bắt thêm tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nâng cao thu nhập.
"Điều quan trọng là sau vụ ném sản xuất theo hướng hữu cơ, năng suất các loại cây trồng khác tăng đáng kể nhờ đất được bổ sung chất dinh dưỡng. Nguồn mùn còn lại trong đất giúp đất được giữ ẩm tốt hơn để phục vụ sản xuất trong vụ hè thu", ông Tham chia sẻ.
Từ những lợi ích của việc trồng ném theo hướng hữu cơ, ông Đặng Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa vùng cát đưa vào trồng ném theo hướng hữu cơ. Địa phương cũng sẽ quy hoạch vùng trồng, hình thành các vùng chuyên canh ném tập trung, sản xuất theo quy mô nhóm hộ nhằm góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vùng đất cát ven biển, tiến tới xây dựng vùng sản xuất và xây dựng thương hiệu ném sạch Triệu Lăng để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho rằng, mô hình trồng ném theo hướng hữu cơ mang lại lợi ích kép về mặt môi trường và hiệu quả kinh tế. Kết quả từ mô hình giúp người dân mạnh dạn khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng đất cát, tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả cao và bền vững trong sản xuất.
"Thông qua tập huấn, người dân cũng nắm được quy trình kỹ thuật thâm canh cây ném trên cát. Điều quan trọng là người dân ngày càng nhận thức được giá trị của việc sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, phân vi sinh, hữu cơ khoáng và hạn chế phân hóa học để cải tạo đất, tạo sinh kế bền vững", ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết.