Để gia tăng sản lượng, Trung Quốc biến đất hoang thành đất canh tác

Để gia tăng sản lượng, Trung Quốc biến đất hoang thành đất canh tác

11:02 - 25/07/2024

Trung Quốc đang quyết tâm tăng diện tích đất canh tác trong nỗ lực tăng sản lượng lương thực để nuôi sống 1,4 tỷ dân và giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguốn vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hội nông dân tỉnh Sơn La đồng hành cùng bà con phát triển sản xuất, kinh doanh
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc với tỉnh Sơn La về việc xúc tiến, tiêu thụ nông sản
Giá tiêu không thể trụ vững, đi xuống ở Đắk Nông, Đắk Lắk hôm nay
Philippines nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, sẽ 'mua mạnh gạo Việt Nam'

Ông Lý Căn Nguyên đứng trên cánh đồng lúa mì ở vùng đất nhiễm mặn của mình. Khoảnh đất ở bên trái vẫn chưa được xử lý. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày một lớn trong việc sản xuất nhiều lương thực hơn, khi nhập khẩu ngũ cốc tăng lên mức kỷ lục và căng thẳng thương mại gia tăng. Điều đó thúc đẩy các quan chức hàng đầu nước này tập trung vào mục tiêu tăng đất canh tác.

Trung Quốc đang phải nuôi sống 1/5 dân số toàn cầu khi chỉ sở hữu chưa đến 1/10 diện tích canh tác trên toàn thế giới, buộc nước này phải nhập khẩu một lượng lớn lương thực từ nước ngoài.

Bắc Kinh hiện đang nỗ lực thay đổi điều này, tăng cường đầu tư và phát triển công nghệ để biến những vùng đất mặn hoặc ô nhiễm thành những vùng đất có thể canh tác. Đây có thể sẽ là chủ đề được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 3 vào tuần tới.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tục thúc đẩy khả năng tự lực lương thực trong bối cảnh quan hệ với phương Tây rạn nứt, ông Donald Trump có thể đắc cử vào tháng 11/2024 và cuộc xung đột Ukraine có thể gây rủi ro nguồn cung. Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc và các nhà cung cấp ở nước ngoài.

Mặc dù Trung Quốc khó có thể sớm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, nhưng quyết tâm hướng tới an ninh ngũ cốc là rất rõ ràng. Luật an ninh lương thực đầu tiên của nước này có hiệu lực hồi tháng trước, nhằm củng cố các nỗ lực đẩy mạnh sản xuất trong nước hơn nữa và buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm về vấn đề sản xuất lương thực ở địa phương. Đạo luật nhanh chóng được soạn thảo và thông qua, điều này cho thấy tính cấp bách của vấn đề.

"Đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ không thể né tránh đối với một quốc gia có 1,4 tỷ dân, đó là vấn đề an ninh và chủ quyền cơ bản. Và đất canh tác là điều quan trọng nhất để thực hiện điều này", Khổng Tường Binh, giáo sư chuyên về đất đai tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết.

Ông Khổng ước tính rằng Trung Quốc có hơn 6 triệu ha đất chưa được khai thác, hoặc bị bỏ hoang do đô thị hóa nhanh chóng. Trên hết, nhiều khu vực rộng lớn không thể sử dụng để canh tác do ô nhiễm hoặc độ mặn quá cai. Đây là vấn đề mà Trung Quốc đã bắt đầu giải quyết được sau nhiều năm nghiên cứu.

Một ví dụ là ngôi làng Nam Lưu Hà ở phía đông tỉnh Sơn Đông. Nằm chỉ cách biển Hoàng Hải chưa đầy 20 km, đất ở khu vực này mặn đến nỗi nông dân không thể trồng trọt được mấy hoặc phải tìm công việc ở nơi khác.

Giờ đây, nhờ một phương pháp cải tạo đất mới bằng cách làm mềm đất khô cứng giữ muối và cho nước xả qua, các cánh đồng trong làng đã có thể trồng được những hàng lúa mì cao đến đầu gối, và gần đây đã được thu hoạch. Nếu được nhân rộng, công nghệ này có thể cải thiện sản lượng ngũ cốc và các loại cây trồng khác trong nước.

"Chúng tôi đã bắt đầu tìm cách cải tạo đất từ rất sớm nhưng những nỗ lực gần đây mới cho thấy sự hiệu quả", Lý Căn Nguyên, người quản lý khoảng 67 ha cánh đồng trồng ngô và đậu tương, nói. Ông trở lại làm nông nghiệp sau một thập kỷ làm việc trong ngành xây dựng và dệt may, và thậm chí trong các trang trại muối gần đó.

Muối thấm lên bề mặt đất ở làng Nam Lưu Hà, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Diện tích đất bị nhiễm mặn ở Trung Quốc gần bằng diện tích của Áo và tương đương với khoảng 6% diện tích đất canh tác. Đất nhiễm mặn thậm chí còn lan rộng dọc theo sông Hoàng Hà do các phương pháp tưới tiêu truyền thống và biến đổi khí hậu. Điều này nghiêm trọng đến mức ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nêu vấn đề này trong các bài phát biểu kể từ 2020.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc cho biết đất mặn chiếm ít nhất 10% diện tích đất canh tác toàn cầu và "việc quản lý bền vững các loại đất này là điều rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu lương thực".

Ông Lý Căn Nguyên đã làm việc với giáo sư Hồ Thục Văn từ Bắc Kinh, người đã phát triển phương pháp xử lý đất mặn sau nhiều năm nghiên cứu ở Mỹ. Sản lượng đã tăng gấp 3 lần kể từ khi đất được xử lý, ngang bằng một cánh đồng lúa mì thông thường, các nhà nghiên cứu của ông Hồ Thục Văn cho biết.

Nhóm của ông đã cải tạo hơn 133.000 ha đất mặn trên khắp Trung Quốc kể từ khi dự án thực địa đầu tiên của ông ra mắt vào năm 2008 và có kế hoạch cải tạo thêm khoảng 27.000 ha trong năm nay.

Không chỉ những vùng đất mặn đang được tạo, Tập đoàn Công nghệ Kiến trúc Trùng Khánh, một công ty công nghệ xây dựng ở tây nam Trung Quốc, là một trong nhiều công ty đã thử nghiệm biến các mỏ không sử dụng thành đất nông nghiệp. Công ty này đã biến hơn 30 ha mỏ đá vôi thành đất canh tác từ năm 2020 - 2023.

Ở một diễn biến khác, chính phủ đã đóng cửa một số sân golf được cho là đã chiếm đất canh tác bất hợp pháp. Một số chính quyền địa phương dưới áp lực thúc đẩy sản xuất ngũ cốc thậm chí đã chặt hàng chục nghìn cây trồng và phá hủy vành đai xanh ở các thành phố để nhường chỗ cho đất nông nghiệp.

Nhìn chung, những nỗ lực của Trung Quốc đã cho thấy những thay đổi rõ ràng. Tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã tăng trong 2 năm qua sau khi liên tục sụt giảm. Điều này giúp tăng cường hơn nữa khả năng sản xuất ngũ cốc và hiện thực hóa mục tiêu giảm nhập khẩu hơn 30%.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng ô nhiễm kim loại nặng và thuốc trừ sâu vẫn sẽ là mối đe dọa đối với chất lượng đất nông nghiệp của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng sẽ không thể sớm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu đậu tương, khi những diễn biến thời tiết xấu gần đây có thể buộc nước này tăng nhập khẩu ngũ cốc hơn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tổng lượng nhập khẩu ngô, lúa mì, đậu tương, lúa miến và lúa mạch, 5 mặt hàng nhập khẩu chính của Trung Quốc, sẽ tăng lên mức kỷ lục, đạt gần 161 triệu tấn trong niên vụ 2023-24 và có thể tăng hơn nữa trong niên vụ tiếp theo.

"Nhờ vào việc tăng năng suất, Trung Quốc có thể bắt kịp với nhu cầu ngày một lớn trong nước. Nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ là nhà nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và đậu tương hàng đầu thế giới", Joe Glauber, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho biết.