Đề xuất đánh thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón: Nông dân nói gì?

Đề xuất đánh thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón: Nông dân nói gì?

14:48 - 25/06/2024

Nhiều nông dân cho rằng việc đưa phân bón vào danh mục các mặt hàng phải chịu thuế VAT với mức 5% sẽ khiến tình hình sản xuất của họ khó khăn hơn khi chi phi đầu vào tăng cao.

Tôm nguyên liệu có thể thiếu hụt đến hết quý I năm sau
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam

Trong phiên thảo luận tại Hội trường chiều 24/6 về dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), rất nhiều ý kiến của các đại biểu tranh luận có nên đánh thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón thay vì 0% như hiện nay hay không.

 

Phân bón thuộc danh mục bình ổn giá

Theo đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc tính thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón sẽ tạo áp lực với người nông dân. Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phân tích: "Phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ba loại phân bón là đạm, DAP, NPK là một trong 9 loại hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân".

Đề xuất đánh thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón: Nông dân nói gì?- Ảnh 1.

Công nhân Nhà máy đạm Phú Mỹ kiểm tra hàng trong kho. Ảnh: Phan Hà

"Giá thành phân bón liên quan trực tiếp đến chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, người chịu thuế giá trị gia tăng là người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân là người trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động lớn của quy định này" – đại biểu Tú bày tỏ quan điểm.

Cũng chung ý kiến với đại biểu Tú, đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) cho rằng: theo quy định của Luật Giá phân bón là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, do đó cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) lại cho rằng: Việc đưa mặt hàng phân bón ra khỏi đối tượng không chịu thuế, trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp để giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào và tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước.

"Hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế, như Nga 20%, Trung Quốc 11%, kể cả Malaysia, Indonesia và Thái Lan là 8% chứ không như các đại biểu nêu trên" – đại biểu Thanh dẫn chứng.

Giá phân bón tăng, nông dân sẽ gặp khó

Là người trực tiếp sản xuất, bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương – Thái Bình) rất lo lắng nếu mặt hàng phân bón bị đánh thuế VAT 5% thay vì 0% như hiện nay.

Đề xuất đánh thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón: Nông dân nói gì?- Ảnh 2.

Chị Trần Thị Lanh cho rằng giá phân bón tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất của nông dân. Ảnh: NVCC

Chị Lanh cho biết: "Người trồng lúa như chúng tôi hiện chủ yếu vẫn lấy công làm lãi, nếu giá vật tư đầu vào trong đó có phân bón tăng cao thì chắc chắn chi phí sản xuất cũng sẽ tăng. Nếu thế làm sao có lãi nổi?".

Ngoài là Giám đốc HTX, chị Lanh cũng là Chủ nhiệm CLB đại điền của huyện Kiến Xương. Mỗi vụ chị canh tác cũng như nhận khoán của bà con diện tích trồng lúa lên tới 400ha, đồng nghĩa với việc sử dụng lượng phân bón mỗi vụ là không hề nhỏ. Theo tính toán của chị Lanh, giá vật tư đầu vào chiếm tới 30% chi phí sản xuất nên "nếu giờ phân bón bị liệt vào mặt hàng đánh thuế, thì quả thật nông dân chúng tôi quá khổ sở, thiệt thòi".

"Tôi mong muốn giá vật tư xuống thấp để nông dân chúng tôi có thêm động lực gắn bó với ruộng đồng. Nghề nông vốn đã phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết rồi, nay lại thêm giá vật tư tăng thì việc canh tác sẽ gặp nhiều khó khăn. Rất mong các cấp ngành tính toán hợp lý để đảm bảo lợi ích của nông dân, giúp chúng tôi yên tâm sản xuất" – chị Lanh đề nghị.

Không sản xuất lớn như chị Lanh, nhưng khi nghe thông tin phân bón có thể bị đánh thuế 5%, chị Nguyễn Thị Oanh (Nho Quan – Ninh Bình) cũng khá hoang mang. Chị cho hay: "Nói thật giờ làm lúa chủ yếu là giữ đất chứ có ai trông chờ gì lãi lờ nữa đâu. Nhà tôi vẫn cấy vì nghĩ mình lấy công làm lãi, cố một tí đỡ phải đong gạo, bớt đi một khoản chi tiêu hàng tháng. Nhưng giờ nếu phân bón bị đánh thuế giá sẽ tăng, chắc chắn chúng tôi cũng phải mua giá cao hơn, chưa kể tiền giống má, thuê cấy, gặt rồi đóng góp thuỷ lợi… thì có khi còn lỗ. Đến lúc đó chắc bỏ ruộng chứ cấy hái sao nổi".

Việc đưa phân bón vào danh sách các mặt hàng phải chịu thuế VAT có thể sẽ mang lại nguồn thu từ thuế cho Nhà nước nhưng cần đánh giá đầy đủ những tác động mà nó mang lại, đặc biệt là tác động đến sự phát triển của các ngành hàng bị ảnh hưởng trực tiếp như ngành nông nghiệp. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ việc đánh thuế mặt hàng này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, có giảm hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp không; so với lợi ích từ việc thu thuế thì cái nào có tác động mạnh hơn… có như vậy quyết sách mới thực sự hiệu quả và ý nghĩa.