Đề xuất lập đường dây nóng phản ánh gian lận mã số sầu riêng

Đề xuất lập đường dây nóng phản ánh gian lận mã số sầu riêng

16:14 - 24/07/2024

Trước tình hình phát triển nóng cây sầu riêng thời gian qua, doanh nghiệp và người dân kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát các đơn hàng.

Công nghệ quyết định thị phần của hơn 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh tại Trung Quốc
Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ nông dân Cabo Verde phục hồi sức khỏe đất
Đầu tư nuôi biển: Chính sách vẫn ở đất liền, còn cuộc sống đã ra khơi
Vừa nhận cọc bán thì giá lúa đột ngột tăng cao, nhiều nông dân Long An tiếc vì rơi mất cả chục triệu lãi
Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Theo bà Phan Thị Mến, một số địa phương còn lúng túng trong giải quyết hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo bà Phan Thị Mến, một số địa phương còn lúng túng trong giải quyết hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại tọa đàm về đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng do Báo Nông thôn ngày nay/Báo điện tử Dân Việt tổ chức ngày 23/7, bà Phan Thị Mến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ Sutech cho biết, do có giá trị lớn, từ khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tình trạng gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã xảy ra.

Là người trực tiếp tư vấn cho hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu, bà Mến cho biết việc phát hiện mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói bị sử dụng trái phép thường tương đối chậm. Thường khi lô hàng lên tới cửa khẩu, chủ của mã số mới biết bị lợi dụng, gây thiệt hại không nhỏ.

Để đảm bảo lợi ích cho người sản xuất sầu riêng, bà Mến kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng quy định pháp luật liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói một cách chặt chẽ hơn. Từ đó, tạo đà cho việc cấp và quản lý được thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, cũng như có căn cứ pháp lý để xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động này. 

"Bộ NN-PTNT và trực tiếp là Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) có thể thiết lập đường dây nóng để doanh nghiệp, người dân phản ánh kịp thời khi phát hiện dấu hiệu gian lận mã số", bà Mến đề xuất và nhấn mạnh rằng, việc ngăn chặn gian lận mã số cần được thực hiện sớm, chủ động ngay từ khi có nguy cơ.

Cũng theo bà Mến, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận mã số thời gian qua là do một số địa phương còn lúng túng trong giải quyết hồ sơ xin cấp mã số, mỗi địa phương làm một kiểu. Cá biệt, trong 1 tỉnh trồng sầu riêng trọng điểm, mỗi huyện lại có một hướng dẫn riêng, gây khó khăn cho đơn vị sản xuất.

Kiến nghị giải pháp, bà Mến cho rằng, Bộ NN-PTNT, Cục BVTV cần nghiên cứu triển khai những hướng dẫn về quy định thời gian nhận, trả kết quả như một thủ tục hành chính. Đây là cơ sở để đẩy nhanh công tác xác minh tại địa phương, cũng như đảm bảo tiến độ làm việc với nước nhập khẩu.

Cùng với đó là hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp theo kiểu "cầm tay chỉ việc" hoặc hội thảo đầu bờ. 

 

Đồng tình với quan điểm của bà Mến, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục BVTV nêu quan điểm, rằng việc phát hiện gian lận mã số cần thực hiện từ sớm, từ xa. Có như vậy mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Cục BVTV đang phối hợp với các bên liên quan, đồng thời chỉ đạo các chi cục kiểm dịch vùng, chi cục trồng trọt - BVTV địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu để trao đổi thông tin, từ đó có phương án truy xuất nguồn gốc hiệu quả.

"Chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất. Mỗi người sản xuất sầu riêng và trái cây nói chung cần ý thức được mỗi sai phạm dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến cả ngành hàng", ông Hiếu nói.

Về vấn đề xử lý vi phạm, lãnh đạo Cục BVTV cam kết sẽ tạm dừng thủ tục xuất khẩu với những lô hàng phát hiện vi phạm. Nếu tổ chức, cá nhân lặp lại sai phạm nhiều lần, Cục có thể tham mưu, đề xuất thu hồi mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Tính đến nay, cả nước mới cấp được mã số cho khoảng 25.000ha sầu riêng trên tổng số 150.000ha. Ông Hiếu đánh giá, diện tích trồng sầu riêng được cấp mã còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của ngành hàng này.

Cũng theo ông Hiếu, hiện Cục BVTV cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để Việt Nam có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Do đó, việc quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp, cũng như giám sát các vùng trồng càng trở nên cấp bách.

"Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc liên tục mở rộng diện tích vùng trồng sầu riêng. Các cấp, các ngành và địa phương cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng", ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung Quốc đã đưa ra 22 thông báo các thay đổi về SPS. Trong số đó, có 4 thông báo liên quan đến sầu riêng, bao gồm quy tắc kiểm soát dư lượng chì, nguồn nước tưới, đất trồng.