Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, phòng chống dịch gặp khó khăn

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, phòng chống dịch gặp khó khăn

13:40 - 22/07/2025

QUẢNG TRỊ Nhân lực mỏng, kinh phí eo hẹp, sự thiếu ý thức của một bộ phận người chăn nuôi khiến cuộc chiến phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại Quảng Trị gặp khó khăn.

Nâng tầm nông sản từ những mô hình trang trại bền vững
Giá cao su hôm nay 20/7/2025: Tuần này thế giới tăng mạnh
Giá tiêu hôm nay 20/7/2025: Tuần này quay đầu giảm
Long An đột phá ứng dụng công nghệ cao phát triển 4 cây, 2 con
Giá lúa gạo hôm nay 20/7/2025: Gạo xuất khẩu tuần này giảm giá mạnh

Theo tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Trị, chỉ tính từ ngày 18-20/7/2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phải tiêu hủy 1.322 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.

Các địa phương tại Quảng Trị đang triển khai quyết liệt các phương án phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Võ Dũng.

Các địa phương tại Quảng Trị đang triển khai quyết liệt các phương án phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Võ Dũng.

Tính đến ngày 20/7, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 631 hộ/91 thôn/16 xã gồm Kim Phú, Tân Thành, Đồng Lê, Tân Gianh, Quảng Trạch, Phong Nha, Tuyên Lâm, Tuyên Sơn, Trung Thuần, Hòa Trạch, Cồn Tiên, Minh Hóa, Dân Hóa, Tuyên Hóa, Nam Gianh và Nam Ba Đồn. Lực lượng chức năng đã phải tiêu hủy 4.626 con lợn với tổng trọng lượng gần 273 tấn. Hiện nay chỉ mới xã Kim Phú qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới; toàn tỉnh còn 15 ổ dịch tả lợn Châu Phi.

Quảng Trạch là xã thiệt hại lớn nhất do dịch tả lợn Châu Phi gây ra. Tính đến ngày 20/7, địa phương này có gần 2.000 con lợn tại 234 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh với tổng trọng lượng phải tiêu hủy hơn 113 tấn (gần 42% tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy toàn tỉnh).

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Trạch cho biết, địa phương hiện gặp nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí và vật tư phòng chống dịch. Quảng Trạch tiếp giáp nhiều xã khác nên nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi rất cao.

Các vùng đất đồi cứng, người dân không thể tự đào hố, phải thuê máy móc chuyên dụng đào rãnh dài để tập kết tiêu hủy. Các thôn trên địa bàn xã đã hợp đồng đơn vị máy đào, chọn điểm xa khu dân cư. Có lúc lợn chết quá nhiều, không kịp chôn tay, phải đào rãnh dự phòng…

 

“Xã chỉ có 1 cán bộ phụ trách chăn nuôi - thú y, địa bàn rộng với 13 thôn. Sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, Trạm Chăn nuôi - Thú y số 2 Ba Đồn đã tăng cường lực lượng phối hợp phòng chống dịch. Tuy nhiên, có thời điểm, dịch tả lợn Châu Phi đồng thời xuất hiện tại nhiều thôn nên việc phân phối nhân lực vẫn rất khó khăn”, ông Tuấn cho hay.

Trong lúc kinh phí chưa được phân bổ, chủ yếu xin hỗ trợ hóa chất từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Trị, Quảng Trạch đã phải huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, nông dân, dân quân, thậm chí đề xuất lực lượng công an, quân sự tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch hiện gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch hiện gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Khó khăn trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi còn đến từ một bộ phận người chăn nuôi thiếu trách nhiệm. Trong giai dịch tả lợn Châu Phi mới xuất hiện, một số hộ chăn nuôi tại xã Quảng Trạch còn vứt xác lợn bệnh bừa bãi, các thôn phải huy động máy móc thu gom tiêu hủy. Tuy nhiên, nhờ tăng cường vận động, ý thức cộng đồng đã nâng lên, hành vi này hiện không còn tái diễn tại xã Quảng Trạch.

Còn tại xã Lệ Ninh, tình trạng vứt xác lợn bệnh bừa bãi cũng xẩy ra. Đại diện Công an xã Lệ Ninh cho biết, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, người dân phát hiện một điểm có lợn chết bị vứt bừa bãi, mỗi con nặng vài chục kg đến hàng tạ, gây ô nhiễm môi trường và đe dọa lây lan dịch ra các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngày 20/7, Công an xã Lệ Ninh đã phối hợp lực lượng dân quân tuần tra, kiểm soát, đồng thời lập chốt kiểm dịch tạm thời.

“Khi các lực lượng vào cuộc, tình trạng vứt xác heo đã giảm hẳn”, đại diện Công an xã Lệ Ninh cho hay.

Sử dụng ngân sách dự phòng mua hóa chất vật tư phòng chống dịch

Để phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Trị đã chỉ đạo cán bộ các Trạm Chăn nuôi - Thú y về địa phương phối hơp, hỗ trợ chẩn đoán lấy và gửi mẫu xét nghiệm, nhiều cán bộ tăng cường trực tiếp tham gia cùng các địa phương. Đơn vị cũng đã xây dựng phương án trình Sở Nông nghiệp và Môi trường về việc sử dụng ngân sách dự phòng để mua hóa chất phục vụ công tác chống dịch.