Điểm sáng du lịch Đại Từ: [Bài 2] Để hương trà níu chân du khách
12:21 - 26/04/2025
THÁI NGUYÊN Phát huy thế mạnh của vùng đất ‘đệ nhất danh trà’, một số địa phương ở huyện Đại Từ đang phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn gắn với văn hóa trà.
Việt Nam xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc
Giấc mơ mắc ca Tây Bắc Doanh nghiệp cạn vốn
Ruộng sạch, lúa khỏe nhờ thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Hạt điều Việt: từ nông trại tới bàn ăn thế giới

Những ngôi nhà bên đồi chè tạo nên khung cảnh đẹp riêng có cho vùng đất này. Ảnh: Quang Linh.
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ở Đại Từ
Dưới bóng Tam Đảo xanh rì, nơi những triền núi ôm lấy những thung lũng trù phú, huyện Đại Từ được biết đến là “trái tim” của xứ trà nổi tiếng Thái Nguyên. Vùng quê này đang trên hành trình đánh thức tiềm năng du lịch, nơi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng và hương trà thơm ngát, đậm đà, tạo nên những trải nghiệm độc đáo, níu chân du khách.
Trên vùng đất “Đệ nhất danh trà” của nước ta, Đại Từ nổi lên như một điểm sáng đầy tiềm năng. Nằm nép mình bên chân dãy núi Tam Đảo hùng vĩ, nơi đây được thiên nhiên ban tặng một tiểu vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, đây là điều kiện lý tưởng không chỉ cho cây chè phát triển mà còn cho các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng.
Cảnh quan ở đây đa dạng với núi non, suối thác, những cánh rừng còn giữ được nét nguyên sơ và hệ sinh thái động thực vật phong phú. Bên cạnh đó, Đại Từ còn là mái nhà chung của nhiều dân tộc anh em (Tày, Nùng, Dao, Sán Chay...), mỗi dân tộc mang một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên một bức tranh đa màu sắc.

Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp kết hợp với văn hóa trà giúp địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: Quang Linh.
Nhưng có lẽ “viên ngọc quý” độc đáo nhất của Đại Từ chính là vị thế thủ phủ chè của tỉnh Thái Nguyên với hơn 5.000ha. Nghề trồng và chế biến chè ở đây không chỉ là hoạt động kinh tế đơn thuần mà đã ăn sâu vào lối sống, nếp nghĩ, trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa địa phương. Những đồi chè xanh mướt, uốn lượn theo triền đồi không chỉ tạo ra những sản phẩm trà nức tiếng mà còn kiến tạo nên những bức tranh phong cảnh hữu tình, một tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch nông nghiệp và trải nghiệm.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với thương hiệu chè
Trong hành trình khám phá Đại Từ, xã La Bằng là một điểm đến không thể bỏ qua. Chỉ cách trung tâm huyện khoảng 10km, xã vùng cao này sở hữu vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa đặc sắc. Với diện tích tự nhiên hơn 2.200ha, trong đó có hơn 330ha chè tập trung chủ yếu ở các xóm La Cút, La Nạc, Rừng Vần, Tân Sơn, Đồng Đình…
Thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây đã tạo cho cây chè một hương vị thơm ngon, đậm đà rất riêng, vị chát dịu ban đầu nhanh chóng chuyển thành vị ngọt sâu lắng nơi cuống họng – một đặc trưng mà hiếm nơi nào có được. Cây chè vì thế đã trở thành cây mưu sinh chủ lực, gắn bó máu thịt với đời sống của phần lớn người dân trong xã.
Niềm tự hào của người dân La Bằng còn được nhân lên khi 100% các xóm trong xã được công nhận là Làng nghề chè truyền thống. Đặc biệt, từ năm 2012, nhãn hiệu tập thể “chè La Bằng” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, khẳng định chất lượng và uy tín trên thị trường.

Trải nghiệm công việc hái chè cũng là một hoạt động được nhiều khách du lịch lựa chọn. Ảnh: Quang Linh.
Ông Triệu Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng chia sẻ: “Chúng tôi xác định phát triển du lịch phải gắn liền với thế mạnh cốt lõi là cây chè và bảo tồn văn hóa bản địa. Xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa bảo vệ cảnh quan môi trường, đặc biệt là bảo vệ rừng đầu nguồn và dòng suối Kẹm, để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng một cách bền vững, song song với việc nâng tầm thương hiệu chè.”
Sự chuyển mình của La Bằng không chỉ nằm ở những chủ trương, định hướng mà còn hiện hữu sinh động qua những câu chuyện cụ thể về phát triển du lịch. Mô hình La Bằng homestay của anh Nguyễn Văn Tới, người dân tộc Tày ở xóm Tân Sơn là một điển hình.
Anh Tới kể lại, trước đây, gia đình anh cũng như nhiều hộ khác trong xóm chủ yếu sống dựa vào cây chè. Thu nhập tuy có nhưng khá bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường. Nhận thấy lợi thế về khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp và nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách, đặc biệt vào dịp cuối tuần, anh đã nung nấu ý tưởng làm du lịch.

Một mô hình homestay được thiết kế gần gũi với thiên nhiên. Ảnh: Quang Linh.
Nghĩ là làm, năm 2020, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng 1,8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng homestay ngay trên mảnh đất liền kề đồi chè của gia đình. La Bằng homestay ra đời với các hạng mục khá bài bản: một nhà sàn cộng đồng lớn mang đậm kiến trúc truyền thống của người Tày, các phòng nghỉ nhỏ tiện nghi, nhà hàng phục vụ ẩm thực địa phương và cả một bể bơi ngoài trời để du khách thư giãn. Homestay của anh có thể phục vụ cùng lúc khoảng 450-500 khách.

Thưởng thức những sản phẩm trà tuyệt hảo của vùng đất này khiến nhiều du khách khó quên. Ảnh: Thanh Tiến.
Đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm
Không chỉ La Bằng, những năm trở lại đây xã Hoàng Nông cũng là một điểm đến đầy hứa hẹn với những tiềm năng riêng biệt. Nơi đây hấp dẫn từ vẻ đẹp có phần hoang sơ, mãnh liệt hơn, đặc biệt là tại khu vực Cửa Tử thuộc xóm Đồng Khuôn.
Nơi đây có dòng suối Cửa Tử và suối Khoai bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo, chảy len lỏi giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và những bãi đá tự nhiên hùng vĩ. Địa hình này rất phù hợp để phát triển các loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm, trekking, tắm suối dành cho những du khách yêu thích thiên nhiên.

Ngày càng nhiều du khách nước ngoài đến Đại Từ khám phá, trải nghiệm. Ảnh: Quang Linh.
Bên cạnh tài nguyên sinh thái, Hoàng Nông cũng sở hữu những vùng chè đẹp say đắm lòng người, tiêu biểu là làng nghề chè xóm Cầu Đá. Những đồi chè ở đây được ví như những “thảm lụa xanh” trải dài tít tắp, tạo nên một không gian vô cùng thoáng đãng và đẹp mắt, được đánh giá là một trong những vùng có cảnh quan đồi chè đẹp nhất tỉnh Thái Nguyên. Chính vẻ đẹp này đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chụp ảnh, đặc biệt vào những dịp cuối tuần hay mùa thu hoạch chè.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông cho biết, hiện nay, trên địa bàn đã hình thành được một số mô hình homestay, farmstay, bước đầu đáp ứng nhu cầu lưu trú và trải nghiệm của du khách. Xã đang định hướng người dân phát triển du lịch một cách đa dạng, bên cạnh khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, khám phá ở Cửa Tử, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa, du lịch nông nghiệp với trọng tâm là trải nghiệm văn hóa trà tại các làng nghề.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đại Từ, hiện nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình homestay, farmstay, cải tạo nhà cửa để đón khách, phát triển các dịch vụ ăn uống với những món ăn mang đậm hương vị địa phương. Các HTX và cơ sở sản xuất chè không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến việc tạo ra không gian trải nghiệm cho du khách, lấy hoạt động trải nghiệm và văn hóa bản địa làm điểm nhấn.
Du khách đến đây không chỉ được ngắm cảnh, nghỉ ngơi mà còn được tham gia vào các công đoạn làm chè, được nghe những câu chuyện về lịch sử cây chè trên mảnh đất này. Mọi người còn được tìm hiểu về nghệ thuật pha trà, thưởng trà và cảm nhận sâu sắc hơn về vai trò của cây chè trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.