Diễn đàn “Nông dân SXKD giỏi Quảng Nam tham gia chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản”

Diễn đàn “Nông dân SXKD giỏi Quảng Nam tham gia chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản”

22:44 - 18/05/2024

Trong chương trình hợp tác “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022-2025”. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay 2 ngành đã phối hợp rà soát, đưa 3.307 hộ sản xuất nông nghiệp, có 167 sản phẩm ở Quảng Nam lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn

Giá tiêu bước vào chu kỳ tăng, giá tiêu ở Đắk Nông, Đắk Lắk 'nóng' lên từng ngày
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil

Chiều qua (17/5), hưởng ứng tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh lần thứ 5 - Techfest Quảng Nam 2024, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tổ chức diễn đàn "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản".

Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: T.H

Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, đến nay toàn tỉnh có 138.934 hộ đăng ký nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và đã có 59.838 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp; nhiều hộ nông dân SXKDG đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, các tổ hợp tác, HTX liên kết, hợp tác trong phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, tìm tòi sáng chế và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến cuối năm 2023, trên địa bàn Quảng Nam đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cây quế Trà My, sâm Ngọc Linh và yến sào Cù Lao Chàm; xây dựng được 70ha rau các loại, 26,7ha sen tươi, 12,2ha bưởi, 6,5ha ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP; 2ha cây bòn bon được chứng nhận hữu cơ; 9 mã số vùng trồng đối với sản phẩm dưa hấu để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; cấp 3 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa cho 0,32ha ngô, 5ha lúa ST24, 2 cây ớt tại thị xã Điện Bàn. Có 395 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 334 sản phẩm 3 sao, 61 sản phẩm 4 sao.

Diễn đàn "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản" thu hút đông đảo nông dân, hội viên, doanh nghiệp tham gia. Ảnh: T.H

"Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn của các trang trại, THT, HTX nông nghệp, chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao trở lên bước đầu đã mang lại hiệu quả, trong đó nổi lên một số mô hình như, chuyển số trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ trứng gà tại trang trại chăn nuôi Bình Minh, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên; phương án thí điểm trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cho các sản phẩm Nếp Hương Bầu xã Bình Đào, Thăng Bình…", bà Tâm cho biết.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam tham quan các gian hàng tại hội chợ do Hội Nông dân tỉnh tổ chức năm 2023. Ảnh: T.H

Cũng theo bà Lê Thị Minh Tâm, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được các cấp Hội quan tâm.

Theo đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về việc "Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022-2025", Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã tổ phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.

Phó Bí thư Quảng Nam Lê Văn Dũng giới thiệu sản phẩm OCOP của nông dân Quảng Nam với lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: T.H

"Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay 2 ngành đã phối hợp rà soát, đưa 3.307 hộ sản xuất nông nghiệp, có 167 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.

Từ những hỗ trợ của Hội Nông dân cùng sự chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội; đến nay, nhiều nông dân SXKDG trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc cây trồng, quản lý trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phát huy hiệu quả mạng xã hội zalo, Facebook, xây dựng các kênh bán hàng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất", bà Tâm chia sẻ.

Trung tâm OCOP Quảng Nam và khởi nghiệp Tam Kỳ tiêu thụ, quản bá rất nhiều sản phẩm OCOP. Ảnh: T.H

Bà Lê Thị Minh Tâm cho biết thêm, tại diễn đàn, cần làm rõ hơn các nội dung như, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh hiện nay bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, nhưng nhìn chung nông dân vẫn còn khá mơ hồ về chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, các mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở phương án thí điểm.

Vậy cần những giải pháp gì về cơ chế chính sách của nhà nước cũng như yêu cầu thay đổi trong cách thức sản xuất từ phía người nông dân để phát huy hiệu quả của chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh trong thời gian đến.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng thăm hỏi, động viên mô hình HTX nông nghiêp xanh Duy Oanh. Ảnh: T.H

Hai là, thực hiện theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023- 2028, hằng năm Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đưa ra chỉ tiêu phấn đấu có trên 4.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả khi hộ nông dân và sản phẩm nông nghiệp của nông dân đã lên sàn thì cần có những chính sách gì từ nhà nước cũng như vai trò của nông dân, chủ thể sản phẩm OCOP trong sản xuất, kinh doanh.

Ban tổ chức trao giải nhất thuộc về bà Trần Thị Minh Thuý với dự án khởi nghiệp Sữa chua sấy thăng hoa. Ảnh: T.H

Thứ ba là việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị chuỗi nông sản. Nhưng hiện nay mặc dù chúng ta đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhưng việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy nguyên nhân là do đâu và hướng đi trong thời gian tới là gì?.

Bên cạnh đó, cần nói đến chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn liền với xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, mã vùng nuôi, tuy nhiên việc thực hiện các nội dung này đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ta hiện nay còn khá khiêm tốn. Vậy cần làm gì để phát huy tốt hiệu quả của chuyển đổi số đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trong thời gian đến…

Cùng ngày, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi nông dân với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024. Cuộc thi là một trong những hoạt động được hội Nông dân tỉnh tổ chức nhằm hưởng ứng tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh lần thứ 5 - Techfest Quảng Nam 2024.

Theo đánh giá của BTC, năm nay, cuộc thi nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh. Số lượng và chất lượng của các dự án tăng vượt bậc so với các năm trước.

Nếu như năm 2022 chỉ có 10 dự án tham gia, năm 2023 có 31 dự án thì năm 2024 cuộc thi đã nhận được sự tham gia của 55 tác giả, nhóm tác giả với các dự án phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn, nhiều dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh, mang lại hiệu quả KTXH cao, tạo công ăn việc làm cho người lao động…

Tại buổi tổng kết, BTC đã trao giải nhất thuộc về bà Trần Thị Minh Thuý với dự án khởi nghiệp Sữa chua sấy thăng hoa; giải nhì thuộc về ông Nguyễn Thanh Tuất với dự án khởi nghiệp "Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với cây Ớt trên địa bàn huyện Phú Ninh" và giải ba thuộc về bà Nguyễn Thị Phúc - Phan Thị Ngọc Quý với dự án khởi nghiệp "Mô hình du lịch cộng đồng trong làng nghề truyền thống trồng Quật" cùng 6 giải khuyết khích.