Đóng góp lớn của WASI cho ngành cà phê Nghiên cứu giống cà phê thích ứng biến đổi khí hậu
21:21 - 01/10/2024
ĐẮK LẮK Việc nghiên cứu những giống cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu đang được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) chú trọng triển khai.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Từ năm 2010 đến nay, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã nghiên cứu, chọn tạo giống theo hướng mới, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thạc sỹ Đinh Thị Tiếu Oanh, Trưởng bộ môn Cây công nghiệp (thuộc WASI) cho biết, đối với các giống cà phê mang tính chịu hạn, từ năm 2011 đến nay, theo chương trình hợp tác với Nestlé, Viện đã nhập nhiều giống được Nestlé tài trợ.
Hiện nay, Viện đã nhập về 9 giống để khảo nghiệm và đã sử dụng những giống này để chọn lọc trực tiếp cũng như lai tạo với các giống thương mại ngay tại Việt Nam để cho ra các giống mới có khả năng chịu hạn tốt của các giống du nhập, đồng thời mang đặc tính năng suất, chất lượng cao của giống Việt Nam.
“Qua các chương trình nghiên cứu giống của nhà nước, các đề tài cấp Bộ, cấp quốc gia cũng như các chương trình hợp tác, Viện đã chọn lọc, lai tạo ra 10 dòng cà phê triển vọng để đưa vào các chương trình nghiên cứu. Hi vọng trong thời gian sớm nhất Viện sẽ đưa ra các giống cà phê chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa có năng suất, chất lượng cao để phục vụ cho tái canh, đặc biệt trồng ở những vùng có điều kiện nước tưới hạn chế để khắc phục hiện tượng thiếu nước ở các vùng này. Đây là hướng nghiên cứu mới của chúng tôi”, Thạc sỹ Đinh Thị Tiếu Oanh cho hay.
Cũng theo Thạc sỹ Oanh, WASI cũng hợp tác với Nestlé để nghiên cứu thêm một số giống có nhiều đặc tính ưu việt khác như giống kháng tuyến trùng. Đây cũng là hướng được Viện chú trọng. Tuy nhiên, nguồn vật liệu của Việt Nam đang hạn chế nên Viện mong muốn được nhập thêm các giống, vật liệu từ nước ngoài có các đặc tính này để có thể sử dụng gốc ghép cho các giống thương mại để trồng ở những vùng bị nhiễm bệnh. Đồng thời có thể lai tạo hoặc chọn các giống có khả năng kháng tuyến trùng bằng các phương pháp khác nhau như chọn giống theo truyền thống, sinh học phân tử để tạo các nguồn đột biến và tạo ra các giống kháng tuyến trùng nhằm phục vụ cho chương trình tái canh cà phê cũng như những vùng bị nhiễm tuyến trùng.
Theo TS Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng phụ trách WASI, thời gian tới, Viện sẽ tập trung cho công tác nghiên cứu theo định hướng chung của Bộ NN-PTNT, đó là chọn tạo những giống cà phê có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu cao.
Song song đó, Viện cũng sẽ nghiên cứu thêm những tính trạng có thể tạo ra thêm phân khúc sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao hơn sau này. Chẳng hạn như tiếp tục nghiên cứu những giống có chất lượng nước uống tốt hơn, đặc biệt Viện hướng tới tạo ra những giống phục vụ việc sản xuất cà phê đặc sản trong tương lai.
Ngoài ra, WASI còn nghiên cứu những giống cà phê có thể chống chịu được với những điều kiện bất thuận, đặc biệt là tình trạng thiếu nước do biến đổi khí hậu trong tương lai và những giống cà phê có khả năng kháng các loại sâu bệnh hại nguy hiểm.
“Chúng tôi có thể phát triển những dòng cà phê với những đặc tính mà thế giới đang cần, chẳng hạn như cà phê có hàm lượng cafein rất thấp hoặc không có cafein để phục vụ cho chế biến cà phê và những giống cà phê có hàm lượng cafein rất cao để phục vụ cho ngành dược liệu, đó là những định hướng nghiên cứu trong những năm tới của chúng tôi”, TS Phan Việt Hà cho hay.