Đồng Tháp khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Đồng Tháp khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

21:31 - 25/08/2024

Đồng Tháp là đơn vị thứ 3 ở ĐBSCL khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL đến năm 2030.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Đồng Tháp là đơn vị thứ 3 ở ĐBSCL tổ chức khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL đến năm 2030. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp là đơn vị thứ 3 ở ĐBSCL tổ chức khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL đến năm 2030. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Đồng Tháp vừa tổ chức khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL đến năm 2030.

Lễ khởi động Đề án diễn ra tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười). HTX tham gia mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 50ha gồm 24 hộ dân tham gia từ vụ hè thu, thu đông 2024 và vụ đông xuân 2025.

Nông dân tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vật tư như giống, phân bón, chế phẩm sinh học Trichoderma phân hủy rơm rạ, chi phí cơ giới hóa (máy sạ cụm/sạ hàng khí động học), drone phun thuốc. 50% chi phí còn lại được huy động từ nguồn hỗ trợ xã hội hóa gồm giống, phân bón, công sạ cụm, chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính, hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện (gồm các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty TNHH Tư Sang, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam tài trợ)

Trong năm 2024, toàn tỉnh Đồng Tháp đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 28 nghìn ha, năm 2025 gần 70 nghìn ha và đến năm 2030 tăng lên gần 162 nghìn ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong năm 2024, toàn tỉnh Đồng Tháp đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 28 nghìn ha, năm 2025 gần 70 nghìn ha và đến năm 2030 tăng lên gần 162 nghìn ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được chọn khởi động Đề án, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi chia sẻ, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được HTX triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân, gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa SRP, ghi chép nhật ký sản xuất và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng. Với những kinh nghiệm hiện có cùng sự quyết tâm cao của thành viên, HTX quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án này.

 

Theo cam kết ban đầu giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi và các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, trong vụ thu đông năm 2024, các doanh nghiệp sẽ thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ông Huỳnh Thanh Mẫn, Chủ nhiệm Tâm Việt Hội quán (thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) cho biết: “Tâm Việt Hội quán là một trong các đơn vị được chọn triển khai Đề án từ vụ lúa thu đông 2024. Nông dân chúng tôi rất phấn khởi, tin tưởng vào hiệu quả của Đề án mang lại bởi tham gia Đề án, bà con sẽ được hỗ trợ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng", “1 phải 5 giảm”, ứng dụng công nghệ 4.0 vào đồng ruộng giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận”.

Nông dân xử lý chế phẩm vi sinh để phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, từ đó tạo thành phân hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân xử lý chế phẩm vi sinh để phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, từ đó tạo thành phân hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, việc khởi động Đề án nhằm hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị. Từ đó giúp cho địa phương phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng Tháp là một trong 5 tỉnh được chọn triển khai mô hình thí điểm khởi động Đề án tại khu vực ĐBSCL. Trong năm 2024, toàn tỉnh Đồng Tháp đăng ký tham gia Đề án với diện tích 28 nghìn ha, năm 2025 gần 70 nghìn ha và đến năm 2030 tăng lên gần 162 nghìn ha.

Theo kế hoạch năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai Đề án tại 7 huyện, thành phố trồng lúa của tỉnh gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười và TP Hồng Ngự với tổng diện tích gần 70.000ha. Năm 2030 sẽ triển khai thêm tại huyện Lấp Vò, phấn đấu tổng diện tích tham gia Đề án đạt 161.000ha.