Dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm tăng rất lớn, giá gà, giá lợn hơi có biến động không?

Dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm tăng rất lớn, giá gà, giá lợn hơi có biến động không?

21:25 - 08/09/2024

Chia sẻ với Dân Việt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối tăng rất lớn, giá gà, lợn hơi có biến động không? - Ảnh 1.
 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt. Ảnh: TQ

 

Chăn nuôi lợn của Việt Nam vẫn là ngành chủ lực

Theo Thứ trưởng Tiến, quy mô đàn lợn của chúng ta đang ở mức gần 30 triệu con, 8 tháng năm 2024 đàn lợn tăng trưởng 2,2%, đàn gia cầm đạt 562,8 triệu con vẫn tăng trưởng 3,4%.

"Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội nghị về phát triển chăn nuôi lợn bền vững trong tình hình mới để thúc đẩy tái đàn, chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Qua đó giúp chúng ta chủ động được sản phẩm, thị trường trong nước vừa đảm bảo người chăn nuôi có lãi, giá thị trường vừa phải.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong "rổ thực phẩm" của chúng ta thì thịt lợn chiếm 28%, trong 8 tháng năm 2024 CPI vẫn ở mức cho phép. Theo các chuyên gia phân tích, dự báo từ nay đến cuối năm rất khó tăng. Như chúng ta đã biết, mỗi lần tăng lương hay có các yếu tố khác tác động thì CPI sẽ biến động rất lớn nhưng năm nay, CPI sẽ cơ bản ổn định. Riêng nông nghiệp chúng ta không chỉ đủ lượng cung mà còn có sản phẩm để xuất khẩu rất nhiều.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay: 8 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt (đàn lợn tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023). Như vậy, có thể thấy, chăn nuôi lợn của Việt Nam là ngành chủ lực rất quan trọng, đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi Việt Nam, cũng như thế giới, hiện nay đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, sự phụ thuộc nguyên liệu TACN, tình trạng kháng kháng sinh, … đặc biệt vấn đề quản lý môi trường đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành cần phải giải quyết.

Với đặc thù chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu quy mô chăn nuôi; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; xử lý môi trường chăn nuôi còn bất cập.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, thịt lợn hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong "rổ thực phẩm" của người tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn luôn là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm. Từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng tổng đàn lợn được duy trì. Sản lượng thịt lợn cũng ngày một tăng, đáp ứng cơ bản đầy đủ nhu cầu về thịt lợn cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, giá thịt lợn từ cuối năm 2023 đến nay cũng khá tốt, bảo đảm có lợi cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi.

Dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối tăng rất lớn, giá gà, lợn hơi có biến động không? - Ảnh 2.

Chủ trang trại chăm sóc đàn lợn ở Kim Sơn (Ninh Bình. Ảnh: TQ

Nguồn cung, giá lợn hơi ổn định

Dự báo thêm về nguồn cung, giá lợn, gà các tháng cuối năm, lãnh đạo Bộ NNPTNT cho rằng: So với cùng kỳ năm 2023, nguồn cung thịt lợn, gia cầm năm nay sẽ vẫn giữ ở mức ổn định nên giá các mặt hàng này sẽ không có biến động nhiều mà vẫn duy trì ở mức vừa phải. Trong đó, giá lợn hơi sẽ chỉ duy trì ở mức như hiện nay (giá lợn hơi hôm nay 7/9 tại các vùng ở mức từ trên 60.000 đồng đến 66.000 đồng/kg - PV) đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong những năm qua, Bộ NNPTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. Đặc biệt là trong việc kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn hoạt động buôn lậu, nhập khẩu trái phép thịt lợn, các sản phẩm thịt lợn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, dịp cuối năm, cận Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NNPTNT.

"Nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung là đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh. Xây dựng ngành hàng thịt lợn theo chuỗi liên kết, hài hoà lợi ích giữa các thành phần tham gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn đặc sản, bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị", Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Theo đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đây là những đề án về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại và Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045...

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, Bộ NNPTNT đã và đang ban hành kế hoạch thực hiện các đề án thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Việc triển khai các dự án ưu tiên trong các đề án chiến lược sẽ tạo ra cú hích quan trọng cho ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng phát triển hơn nữa trong thời gian tới.