Dự báo xuất khẩu tăng trưởng tích cực nửa cuối năm 2024

Dự báo xuất khẩu tăng trưởng tích cực nửa cuối năm 2024

17:57 - 19/07/2024

Kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025, giúp Việt Nam hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ khả quan trong quý III/2024. 

Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ khả quan trong quý III/2024. 

Trong Báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá nửa đầu năm tiếp tục khởi sắc và đạt những kết quả tích cực. 

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,5% (đạt 190,08 tỷ USD); nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.

Trong 6 tháng, 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%. "Xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng (nông sản, công nghiệp chế biến chế tạo, nhiên liệu khoáng sản)", Bộ Công thương nhấn mạnh. 

Riêng nhóm hàng nông sản, đà tăng trưởng đã có từ 2023. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 34,5% về trị giá xuất khẩu, dù lượng giảm 10,6%; gạo tăng 32% về trị giá và 10,4% về lượng; hạt tiêu tăng 30,9% giá trị xuất khẩu, dù giảm 6,8% về lượng.

Ngoài ra, chè các loại tăng 32,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 17,4%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 5,9% về trị giá, dù lượng giảm 7,7%.

Về thị trường xuất khẩu, các đối tác thương mại lớn đều phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 22,1% so với cùng kỳ.

 

Tiếp đến là Trung Quốc, với kim ngạch ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%. Thị trường EU ước đạt 24,46 tỷ USD, tăng 14,1%. Hàn Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.

Dự báo 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Công thương cho rằng có những yếu tố thuận lợi từ bối cảnh quốc tế và trong nước để thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại.

Cụ thể, kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Theo WTO, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới sẽ tăng trưởng đến 3,3% vào năm 2025. Xuất khẩu của Việt Nam hưởng lợi từ làn sóng này. Điều ấy thể hiện ở việc, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có đơn hàng đến hết Quý III/2024.

Ngoài ra, hoạt động nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất được đẩy mạnh trong những tháng gần đây cho thấy giá trị xuất khẩu hàng hóa thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo chu kỳ, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong dịp cuối năm. Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ Hoa Kỳ và có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tình hình xuất khẩu gạo được dự báo khả quan vào quý III/2024, khi Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% hiện hành xuống còn 15%. Doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,83 triệu tấn gạo sang Philippines trong 5 tháng đầu năm, chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta.