Dựng “hàng rào” chặn dịch tả lợn châu Phi

Dựng “hàng rào” chặn dịch tả lợn châu Phi

11:06 - 25/07/2024

Nhờ mạnh dạn tiêm vaccine phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội đã vực dậy nghề chăn nuôi.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Yên tâm "bám trụ" nghề chăn nuôi

 

Ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Kim Bôi, xã Vạn Kim (huyện Mỹ Đức) chia sẻ, năm 2023, là lần đầu tiên dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào trại lợn của ông. Ông đã phải bán chạy đàn lợn thịt (khỏe mạnh) với giá 44.000 đồng/kg (giá hòa vốn khoảng 55.000 đồng/kg).

Đàn lợn nái chửa (9 con) còn lại đã có con mắc bệnh. Xác định nếu không làm gì thì số lợn còn lại cũng sẽ chết nên ông đánh liều tự dùng vaccine dịch tả lợn Châu Phi tiêm cho toàn bộ đàn nái và lợn con. Kết quả thật bất ngờ khi những con nái đã dương tính với bệnh được tiêm vaccine không phát huy hiệu quả, chết. Tuy nhiên, số lợn chưa nhiễm bệnh khả năng bảo hộ lại rất cao.

Nhận thấy vaccine hiệu quả, sau khi xử lý toàn bộ lợn bệnh, vệ sinh chuồng trại bằng thuốc sát trùng, ông đã bắt thêm 7 lợn hậu bị về nuôi và sử dụng vaccine dịch tả lợn Châu Phi tiêm phủ cho toàn bộ đàn lợn. Hiện tại, trong chuồng ông vẫn duy trì 50 con lợn thịt và 10 con nái.

Qua theo dõi, toàn bộ số lợn được tiêm sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Gần đây nhất gia đình ông vừa xuất bán 58 con lợn thịt đúng thời điểm giá cao (68.000 đồng/kg), sau khi trừ đi chi phí ông có lãi 2,5 triệu đồng/con.

Theo ông Lượng, mặc dù việc đánh liều tiêm vaccine cho lợn nái và hậu bị của ông thành công nhưng qua theo dõi nhận thấy, không nên tiêm vaccine này cho lợn nái vào giai đoạn đang mang bầu, vì lợn con sinh ra rất khó nuôi. Đối với lợn thịt, thời gian tiêm vaccine thích hợp nhất là từ 4-5 tuần tuổi. Sau tiêm có thể cho uống thêm điện giải nếu lợn có biểu hiện sốt.

“Chăn nuôi không thể cầu may mãi được, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu không có vacine dịch tả lợn Châu Phi có lẽ chẳng ai dám tiếp tục chăn nuôi vì rủi ro vô cùng lớn. Nhiều người bảo giá bán vaccine dịch tả lợn Châu Phi 65.000 đồng/liều/con là cao, nhưng so với việc nếu con lợn đó được bảo hộ, xuất bán thành công (khoảng 100-110kg xuất bán) chi phí chỉ tương đương 1kg lợn hơi. Hơn nữa, đàn lợn được bảo hộ thì người nuôi thuận lợi tái đàn, từng bước mở rộng quy mô thì giá trị mang lại còn lớn hơn gấp nhiều lần”, ông Lượng đánh giá.

Dựng “hàng rào” chặn dịch tả lợn châu Phi- Ảnh 1.

Đàn lợn hậu bị của gia đình anh Nguyễn Mạnh Đại phát triển khỏe mạnh sau tiêm vaccine DTLCP và đã sinh sản thành công. Ảnh: T.Q

Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Đại ở thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng đã mời cán bộ kỹ thuật của Công ty CP AVAC Việt Nam - đơn vị nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine AVAC ASF LIVE đến thăm trại nuôi, hỗ trợ lấy mẫu lợn mang đi xét nghiệm bệnh… Khi có kết quả 70 con lợn thịt chưa đến kỳ xuất bán âm tính với loại bệnh này, tháng 7/2023, anh bắt đầu tiêm những mũi vaccine DTLCP AVAC ASF LIVE đầu tiên cho đàn lợn của gia đình.

Trước đó dù đã đi tận Đan Phượng (Hà Nội) thăm mô hình thành công sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi, nhưng anh Đại vẫn chưa dám sử dụng. Tuy nhiên, khi đàn lợn nái chửa (9 con) còn lại đã có con mắc bệnh, xác định nếu không làm gì thì số lợn còn lại cũng sẽ chết nên anh đánh liều tự dùng vaccine dịch tả lợn Châu Phi tiêm do Công ty cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất tiêm cho toàn bộ đàn nái và lợn con.

Cũng theo anh Đại, do hai khu nuôi lợn thịt và lợn nái của gia đình anh nằm giáp nhau, thời điểm anh tiêm vaccine DTLCP cho đàn lợn thịt, đàn lợn nái đang mang thai, anh định đánh liều tiêm thử cho cả lợn nái nhưng phía công ty khuyến cáo không nên tiêm. Sau đó, một số con nái chưa được tiêm có biểu hiện mắc bệnh và lần lượt nối nuôi nhau ra đi. Điều may mắn là, đàn lợn thịt vừa được tiêm phòng vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường.

Để củng cố hơn nữa niềm tin vào loại vaccine mới, 29 ngày sau tiêm, anh Đại cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty AVAC lấy mẫu máu đàn lợn mang đi xét nghiệm, đồng thời gửi thêm mẫu máu tới Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để kiểm tra, đối chứng. Kết quả của cả hai lượt kiểm tra cho thấy, khả năng bảo hộ với bệnh DTLCP sau khi tiêm vaccine đạt trên 94%.

"70 con lợn thịt tiêm vaccine DTLCP đợt đầu tiên đã mạnh khỏe, an toàn vượt qua bão dịch, đã cho xuất chuồng. Thời điểm xuất bán, giá lợn hơi ổn định ở mức cao, 67.000 - 68.000 đồng/kg nên tính ra mỗi con lợn thịt xuất chuồng, gia đình tôi có lãi 2,2 - 2,5 triệu đồng, bù lại cho những lúc vất vả, thua lỗ vì dịch bệnh" - anh Đại hồ hởi khoe.

Tiếp tục nghiên cứu, phát triển vaccine DTLCP

Dựng “hàng rào” chặn dịch tả lợn châu Phi- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam và anh Nguyễn Mạnh Đại (phải) ở thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng (Mỹ Đức, Hà Nội) kiểm tra sức khỏe đàn lợn đã được tiêm phòng vaccine DTLCP. Ảnh: T.Q

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), hiện nay, DTLCP đang bùng phát ở 21 tỉnh, thành phố. Trong đó, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lạng Sơn là những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất. 

Trước tình hình cấp bách, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất vaccine đã bổ sung công dụng đối tượng tiêm phòng. Cụ thể, vaccine ASF trước đây sử dụng cho đối tượng từ 8 - 10 tuần tuổi, giờ đã có thể sử dụng cho đối tượng nuôi từ 4 tuần tuổi trở lên. Hiện nay, vaccine DTLCP đã sản xuất được khoảng 6 triệu liều, sử dụng tiêm phòng ở trong nước 3,9 triệu liều, xuất khẩu trên 300.000 liều.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, để tổ chức tiêm vaccine thương mại, Cục Thú y và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y 40 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức tiêm phòng giám sát. Đã có hơn 650.000 liều vaccine được sử dụng, chất lượng đạt 100%. Lợn sau tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.

Theo ông Long, nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh do chính quyền địa phương có dịch chưa thực sự quan tâm vào cuộc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo quy định, chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh. Hệ thống thú y từ cấp tỉnh đến cấp xã đều rất thiếu, yếu, chưa tham mưu kịp thời, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, còn tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn có thể làm dịch bệnh lây lan diện rộng.

“Đến nay, các doanh nghiệp đã sản xuất, cung ứng ra thị trường 5,7 triệu liều vaccine phòng bệnh. Người nuôi vẫn chưa tin tưởng nhiều vào miễn dịch của loại vaccine mới do quá trình theo dõi và nghe các tin đồn các trại tiêm lợn thịt chưa đảm bảo. Các ổ dịch phát sinh thời gian qua chủ yếu tại những địa bàn chưa tiêm vaccine”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho biết, vaccine AVAC ASF LIVE được đăng ký và cấp giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y. Các kết quả thu được cho thấy sự đồng nhất giữa nghiên cứu và thực tiễn, vaccine hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại, ngoài cung cấp trong nước công ty đã ký kết phân phối xuất khẩu loại vaccine này tới một số quốc gia trên thế giới.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Điệp, vaccine DTLCP AVAC ASF LIVE đã khẳng định hiệu quả và được phép lưu hành tự do trên đối tượng lợn thịt. Vaccine cũng đc chứng minh an toàn và hiệu quả trên đối tượng lợn giống. Công ty đã hoàn tất quy trình và đang đăng ký cấp phép theo quy định để bổ sung đối tượng sử dụng cho lợn giống, bao gồm lợn hậu bị, nái và đực giống.