Được mùa lúa xuân, nông dân đất Tổ phấn khởi, đi gặt mà cười tươi như hoa

Được mùa lúa xuân, nông dân đất Tổ phấn khởi, đi gặt mà cười tươi như hoa

22:53 - 11/06/2024

Tỉnh Phú Thọ đang cao điểm thu hoạch hơn 35.000ha lúa xuân 2024, năng suất ước đạt trên 61 tạ/ha, sản lượng đạt trên 217.000 tấn; được mùa, được giá khiến nông dân phấn khởi, cười tươi như hoa trên những cánh đồng lúa vàng óng.

Tôm nguyên liệu có thể thiếu hụt đến hết quý I năm sau
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam

Tỉnh Phú Thọ được mùa lúa xuân 2024

Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh Phú Thọ gieo cấy diện tích hơn 35.000 ha. Trong đó, giống lúa chất lượng cao (J02, HT1, TBR225…) đạt hơn 20.000 ha (chiếm hơn 60% diện tích gieo cấy); diện tích gieo cấy giống lúa lai đạt hơn 12.000 ha.

 
Được mùa lúa xuân, nông dân đất Tổ phấn khởi, đi gặt mà cười tươi như hoa- Ảnh 1.

Vụ lúa xuân 2024 năm nay, Phú Thọ đạt năng suất gần 62 tạ/ha. Lúa xuân được mùa lại được giá, bà con phấn khởi. Ảnh: Hoan Nguyễn

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở tỉnh Phú Thọ đâu đâu cũng rộn rã tiếng máy gặt đập trên ruộng. Người nông dân đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa xuân, thời tiết thuận lợi nên bà con tập trung gặt lúa, xuất bán luôn.

Năm nay, lúa xuân 2024 ở Phú Thọ có năng suất và sản lượng cao hơn hẳn so với vụ lúa xuân 2023. Theo đó, lúa xuân 2024 thu hoạch ước đạt năng suất 61,6 tạ/ha, sản lượng đạt 217.900 tấn. Lúa xuân 2024 được mùa nên nông dân Phú Thọ rất phấn khởi.

Dưới ruộng lúa vàng trĩu hạt, bà Nguyễn Thị Lễ (xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao) giọng khỏe khoắn khoe: "Vụ lúa xuân 2024 là vụ đầu tiên tôi gieo cấy toàn bộ hơn 15ha giống chất lượng cao J02. Hiện gia đình đang vào cao điểm thu hoạch đại trà trên cánh đồng lớn; năng suất lúa ước đạt hơn 3 tạ/sào. Tính ra tăng thêm hơn 1 tạ mỗi sào so với trước đây". 

Được mùa lúa xuân, nông dân đất Tổ phấn khởi, đi gặt mà cười tươi như hoa- Ảnh 2.

Nông dân Phú Thọ cười tươi như hoa trên cánh đồng lúa xuân được mùa, được giá. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Lúa giống mới chất lượng cao, bông dài, hạt mẩy, đều vàng óng, không bị đổ gãy như các giống lúa thường, tôi mừng lắm. Đã vậy, doanh nghiệp về tận đầu bờ mua hết với giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với vụ lúa xuân 2023. Không những được mùa mà vụ lúa xuân 2024 này, nhà tôi được cả giá bán cao nhất từ trước đến nay, vui lắm...", bà Lễ phấn khởi cho biết thêm.

Ngay từ đầu vụ, lúa xuân 2024 ở tỉnh Phú Thọ chịu nhiều bất lợi về thời tiết do mưa lạnh và sâu hại. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, sâu sát ruộng đồng, bà con kịp thời xử lý và chăm sóc cây lúa. Một yếu tố khác, đó là lịch thời vụ sớm hơn mọi năm, vào thời điểm thời tiết ấm nên lúa sinh trưởng phát triển tốt. 

Bên cạnh đó, yếu tố quyết định thắng lợi vụ xuân năm nay là lúa giống, với hơn 60% là giống lúa chất lượng cao. Lúa được mùa, trong khi giá ở mức cao, dao động gần 10.000 đồng/kg. Đồng thời, nhiều địa phương, hợp tác xã nông nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp thu mua lúa tại ruộng với giá thị trường càng làm bà con phấn khởi.

Được mùa lúa xuân, nông dân đất Tổ phấn khởi, đi gặt mà cười tươi như hoa- Ảnh 3.

Chị Ngô Thị Hài (xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn) phấn khởi thu hoạch giống lúa mới chất lượng cao cho bông dài, hạt mẩy vàng ươm. Ảnh: Hoan Nguyễn

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ đánh giá, vụ lúa xuân 2024 đạt được kết quả cao là sự chủ động thay đổi cơ cấu mùa vụ, sử dụng giống lúa mới, chất lượng cao ngắn ngày năng suất cao... Được mùa, vụ lúa xuân khiến bà con nông dân phấn khởi, sẵn sàng chuẩn bị bước vào vụ lúa đông trong năm sắp tới.

Bên cạnh đó, không chỉ gieo cấy lúa xuân mà sản xuất toàn ngành nông nghiệp vụ xuân 2024 nhận sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự chỉ đạo quyết liệt của ngành nông nghiệp và sự nỗ lực của bà con nông dân. 

Trong đó, tập trung cao độ chuẩn bị đủ giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng diện tích áp dụng thâm canh lúa cải tiến (SRI), tăng cường đưa cơ giới hoá vào sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chuột hại kịp thời, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt…

Được mùa lúa xuân, nông dân đất Tổ phấn khởi, đi gặt mà cười tươi như hoa- Ảnh 4.

Nhiều địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa chất lượng cao và thu mua lúa tại ruộng với giá thị trường nên người nông dân trồng lúa càng phấn khởi. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Sản xuất vụ xuân 2024 đã đạt được những kết quả quan trọng, diện tích gieo trồng lúa xuân, ngô, rau đều vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ đã mở rộng diện tích lúa xuân chất lượng cao, đặc biệt là giống lúa chất lượng cao JO2, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất. Bố trí chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác (chuối, rau, đậu tương, hoa…) nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…", ông Tú Anh nhấn mạnh.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả

Một điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2024 ở Phú Thọ được Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, đó là nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả. 

Việc liên kết này giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, trọng tâm là tạo điều kiện thu hút và phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, giải quyết việc làm nhiều lao động, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội…

Được mùa lúa xuân, nông dân đất Tổ phấn khởi, đi gặt mà cười tươi như hoa- Ảnh 5.

Nông dân Phú Thọ rộn ràng thu hoạch lúa xuân 2024. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trong đó, điển hình là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân sản xuất gắn với tiêu thụ lúa chất lượng cao Thụy hương 308 tại xã Văn Bán (huyện Cẩm Khê) trên diện tích 60,19 ha. Mô hình sản xuất tiêu thụ lúa cho năng suất cao ước đạt 70-75 tạ/ha.

Đặc biệt, qua đánh giá mô hình cho thấy, giống lúa lai Thụy Hương 308 có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa khác như chống chịu rét tốt, chống đổ tốt, đẻ nhánh khỏe, chịu thâm canh, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với đặc tính canh tác của địa phương; sẽ được nhân rộng vụ tới…

Ngoài ra, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chuối tại xã Vĩnh Chân (huyện Hạ Hoà) trên diện tích 50 ha. Toàn bộ diện tích trồng chuối này đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và thị trường EU (VN PTOR-0006CHUOI-EU).

Triển khai mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ chuối xã Vĩnh Chân, người nông dân được doanh nghiệp cung cấp giống, kỹ thuật và thu mua sản phẩm tập trung, ổn định đầu ra; sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Từ mô hình cho thu hoạch sản lượng 3.850 tấn chuối/năm, doanh thu đạt gần 31 triệu đồng ha/năm, lợi nhuận đạt hơn 20 triệu đồng ha/năm; giải quyết việc làm cho 20 nhân công lao động thường xuyên.

Được mùa lúa xuân, nông dân đất Tổ phấn khởi, đi gặt mà cười tươi như hoa- Ảnh 6.

Vụ lúa xuân năm nay, tỉnh Phú Thọ gieo cấy diện tích hơn 35 nghìn ha; trong đó có 3,2 nghìn ha lúa áp dụng sản xuất máy móc toàn phần. Ảnh: Hoan Nguyễn

Vụ xuân 2024, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ rau hữu cơ tại huyện Thanh Ba áp dụng phần mềm quản lý sản xuất, ghi chép nhật ký điện tử, sản phẩm được gắn tem nhãn truy xuất QR trên bao bì giúp người tiêu dùng có thể tra cứu toàn bộ quá trình sản xuất; giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ.

Tổng sản lượng rau sản xuất của mô hình đạt gần 120 tấn/năm gồm các sản phẩm rau ăn lá, dưa lưới, dưa lê hàn quốc...; tiêu thụ tại hệ thống BigC, VinMart trong tỉnh. Doanh thu trung bình đạt hơn 2 tỷ đồng/năm…

"Hiện ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân thu hoạch nhanh gọn lúa xuân đã chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", kịp thời giải phóng đất để triển khai sản xuất vụ mùa, nhất là diện tích kế hoạch gieo cấy trà mùa sớm. 

Đồng thời, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông như: Giống, phân bón, công tác thủy lợi... Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời với thiên tai, nhất là mưa lớn, lũ có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiêp...", Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh.