FAO dự báo 'nóng' về cung - cầu gạo thế giới, giá gạo sẽ ra sao?
17:01 - 07/05/2024
Theo dự báo tháng 5 mới nhất của FAO, sản lượng gạo toàn cầu năm 2023/24 tiếp tục tăng so với dự báo tháng trước do dự đoán sản lượng tăng ở Myanmar và Pakistan.
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
Theo đó, mức tiêu thụ gạo năm 2023/24 đã được nâng lên so với dự báo tháng trước, do các điều chỉnh tăng ở một loạt quốc gia, chủ yếu là châu Á, bù đắp cho mức giảm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mức tiêu thụ gạo toàn cầu vẫn giảm nhẹ so với năm trước.
Thương mại gạo năm 2024 ít thay đổi so với dự báo tháng trước, do dự báo nhập khẩu của Trung Quốc, Nigeria và Sri Lanka giảm nhẹ, được bù đắp bằng việc tăng cường nhập khẩu ở Bangladesh và Việt Nam.
Dự trữ gạo năm 2023/24 tăng nhẹ so với dự báo tháng trước, do dự trữ ở Pakistan và Myanmar tăng bù đắp cho việc dự trữ giảm ở Campuchia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo FAO, chỉ số giá gạo thế giới tháng 4/2024 giảm 1,8%, phần lớn là do giá gạo Indica giảm do áp lực thu hoạch. Có ba nhóm gạo cơ bản là gạo hạt ngắn, gạo hạt vừa và gạo hạt dài. Nhóm gạo hạt ngắn được tiêu thụ nhiều nhất. Loại gạo hạt vừa là loại gạo có chiều dài trung bình như gạo Calrose. Còn gạo hạt dài như tên của nó, dài và thon như gạo Thái, hay được biết với tên gạo Indica.
Gạo Indica là một mặt hàng điển hình có nguồn gốc ở các nước đang phát triển. Các loại gạo thơm và gạo màu thường không được sản xuất ở châu Âu và được nhập khẩu chủ yếu từ các nước châu Á. Việc nhập khẩu từ các nhà cung cấp ngoài châu Âu ngày càng tăng do nhu cầu về các loại gạo này ngày càng tăng.
Dự báo về cung cầu gạo của FAO lần này không gây nhiều biến động cho thị trường gạo. Trên thị trường gạo châu Á tuần qua, giá gạo Ấn Độ vẫn đang ở mức thấp nhất 3 tháng qua do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào, trong khi giá gạo Thái Lan tăng lên mức cao nhất hơn một tháng qua nhờ nhu cầu nội địa cao.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá từ 528 - 536 USD/tấn, không đổi so với tuần trước đó. Thị trường không có nhiều biến động, trong đó người mua đang trì hoãn mua hàng vì giá gạo đang được điều chỉnh tại tất cả các nước xuất khẩu lớn.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên từ 588 - 595 USD/tấn, từ mức từ 580 - 585 USD/tấn của tuần trước đó. Các thương nhân Thái Lan cho biết, giá gạo Thái sẽ vẫn ở mức cao nhờ lực đẩy từ nhu cầu và hoạt động trong nước. Bên cạnh đó, hạn hán cũng có thể khiến giá gạo duy trì ở mức cao.
Trong khi đó, ở Bangladesh, đợt nắng nóng kéo dài do nhiệt độ cao và lượng mưa thấp có thể ảnh hưởng đến vụ mùa lúa gạo ở khu vực trồng lúa chính của nước này vào mùa hè năm nay.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đến hôm nay vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 585 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 555 USD/tấn. Riêng gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 470 USD/tấn.
Nắng nóng, hạn hán dẫn tới tâm lý lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá gạo của Việt Nam tăng lên. Bên cạnh đó, các nước như Philippines, Indonesia... gia tăng nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng đẩy giá gạo vững giá lên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn.
Trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.
Các chuyên gia nhận định, năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức như: nguồn cung gạo toàn cầu giảm, tình hình chính trị còn diễn biến phức tạp… Do đó, dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Theo dự báo, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn, trong đó: nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn, nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn được kỳ vọng tăng...