Gạo Việt Nam và Thái Lan giảm, chờ khả năng Ấn Độ nới lỏng các hạn chế bán gạo
11:43 - 14/07/2024
Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua, và giá gạo Thái Lan cũng giảm trong tuần này do nhu cầu yếu, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi khả năng Ấn Độ nới lỏng các hạn chế.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Giá lúa gạo hôm nay (13/7): Tiếp tục giảm nhẹ
Các nhà giao dịch cho biết, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 565-570 USD/tấn vào ngày 11/7, mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2023 và giảm so với mức 575 USD/tấn của tuần trước. Hoạt động bán hàng vẫn chậm do người mua kỳ vọng Ấn Độ sẽ nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu gạo.
Theo số liệu chính thức của hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6 giảm 40% so với tháng 5, xuống còn 513.409 tấn. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu đã tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,55 triệu tấn.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống mức 570-575 USD/tấn vào ngày 11/7, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4, giảm so với mức 585 USD/tấn của tuần trước.
Không có đơn đặt hàng lớn nào đến và nguồn cung mới đang hoạt động tốt là lý do khiến giá gạo Thái Lan giảm. Không có đơn đặt hàng đặc biệt nào và các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đang dựa vào khách hàng quen thuộc.
Còn tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm được chào với giá 539-545 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 541-548 USD/tấn của tuần trước, do nhu cầu yếu vì cước phí vận chuyển cao hơn và đồng rupee mất giá. Nhu cầu yếu trong vài tuần qua, khi người mua đang hoãn mua hàng sau khi mua ráo riết vào tháng 5.
Trong khi đó, giá gạo nội địa tại Bangladesh vẫn ở mức cao bất chấp mùa màng thuận lợi và dự trữ dồi dào, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi lũ lụt đã nhấn chìm diện tích đất canh tác rộng lớn, có khả năng ảnh hưởng đến sản lượng gạo trong tương lai.
Trước đó, nhằm tránh tình trạng nguồn cung trong nước dư thừa trong mùa thu hoạch mới vào tháng 10 sắp tới, Ấn Độ đang xem xét nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo.
Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc nối lại xuất khẩu gạo trắng phi basmati và gạo tấm, nhưng sẽ áp một mức thuế cố định.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể hủy bỏ mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ - loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô. Trong khi đó, Ấn Độ xem xét thay thế lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi bamasti và gạo tấm bằng giải pháp cho phép xuất khẩu nhưng áp thuế, cũng như giảm mức giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo thơm bamasti.
Đề xuất nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu được đưa ra trong bối cảnh lượng gạo dự trữ trong các nhà kho của Chính phủ Ấn Độ dồi dào và kỳ vọng về một vụ thu hoạch bội thu sắp tới nhờ thời tiết thuận lợi. Đồng thời, việc nới lỏng như vậy sẽ giảm bớt áp lực cho các nhà kho và mang lại doanh thu từ thuế xuất khẩu. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, gạo dự trữ trong các nhà kho của Ấn Độ lên mức cao kỷ lục do chính sách hạn chế xuất khẩu.
Bất kỳ quyết định nới lỏng xuất khẩu nào của Ấn Độ cũng có thể giúp hạ nhiệt giá gạo chuẩn ở châu Á.
Ấn Độ đã hạn chế bán các loại gạo chủ chốt kể từ năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế lạm phát lương thực. Tháng 7/2023, Chính phủ Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, chỉ xuất khẩu theo giấy phép đối với một số quốc gia nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Cuối tháng 8/2023, Chính phủ Ấn Độ lại áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ (có hiệu lực đến ngày 15/10/2023) và quy định giá tối thiểu 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu.
Giữa tháng 10/2023, Ấn Độ quyết định gia hạn thuế xuất khẩu gạo đồ đến ngày 31/3/2024, sau đó đến cuối tháng 2/2024 lại đổi thành không xác định thời hạn.
Thống kê cho thấy Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong 5 tháng đầu năm nay với 7,2 triệu tấn, giảm 25,4%; tiếp theo là Thái Lan 4,06 triệu tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái; Việt Nam 4,03 triệu tấn, tăng 11,2%; Pakistan 3,02 triệu tấn, tăng 72,5%; và Mỹ 1,5 triệu tấn, tăng 66,7%.
Giá lúa gạo hôm nay (13/7) tại thị trường trong nước tiếp tục giảm nhẹ. Cụ thể, gạo nguyên liệu IR 504 hè thu ở mức 10.600 - 10.700 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 ổn định ở mức 12.600 - 12.700 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa, giá lúa IR 50404 giá dao động quanh mốc 6.800 - 6.900 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 7.100 - 7.200 đồng/kg; lúa OM 5451 giá ổn định 7.000 - 7.100 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 7.000 - 7.200 đồng/kg; lúa OM 380 dao động từ 7.200 - 7.300 đồng/kg. Lúa Nhật ở mốc ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 giá 7.600 - 7.700 đồng/kg và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 100% tấm xuất khẩu của ta hôm nay ở mức 470 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 467 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 545 USD/tấn.