Giá cà phê cao kỷ lục, nông dân Lâm Đồng phân vân “nên bán hay chờ”
16:21 - 02/12/2024
Với giá cà phê cao kỷ lục, đạt đến 130.000 đồng/kg nhân như hiện nay, người trồng cà phê tại Lâm Đồng vẫn đang phân vân nên bán hay tích trữ để tiếp tục chờ giá lên.
Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân: Gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa
Thương lái giảm đặt cọc hoa Tết
Kỳ vọng về gói kích thích tài khoá bổ sung tại Trung Quốc, giá cao su tiếp tục tăng 'nóng'
Vùng đất phèn mặn, nông dân Bạc Liêu trồng giống lúa gì mà tốt bời bời, dưới nước tôm càng to bự bơi vô số?
Giàn sấy cà phê gia đình phát huy hiệu quả
Những ngày qua, giá cà phê nhân vẫn tiếp tục tăng, mức giá đã lên đến 130.000 đồng/kg nhân. Đây là giá cà phê cao kỷ lục trong vài chục năm qua.
Doanh nghiệp, Hợp tác xã và nông dân trồng cà phê tại Lâm Đồng nhận định, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hiện nay, nhiều gia đình tại Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung đã bắt đầu thu hoạch cà phê. Nếu giá cà phê giữ ở mức ổn định hay tiếp tục tăng sẽ giúp người dân có thêm khoản thu nhập rất lớn dịp cuối năm.
Tại xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) anh Hoàng Văn Đạt cho biết, gia đình anh đang thuê 8-10 người để hái khoán cho diện tích 10ha cà phê của gia đình anh.
Số nhân công này được anh thuê từ tỉnh Phú Yên. Hiện, anh đang thuê người hái khoán với giá 1.100 đồng/kg cà phê tươi. Dự tính, niên vụ năm 2024, vườn cà phê của anh sẽ đạt năng suất khoảng 30-35 tấn nhân.
"Năm nay cà phê chính khá muộn, tôi thuê công về thu hoạch dần. Hiện nay, những người hái khoán được tôi hỗ trợ chỗ ở cho đến hết mùa. Chính vì giá cà phê đang lên cao như hiện nay nên tôi phải tranh thủ thu hoạch để tránh tình trạng mất trộm cà phê.
Trong nhiều năm qua, giờ tôi mới thấy lò sấy cà phê của gia đình mang lại hiệu quả cao. Lò sấy công suất 14 tấn tươi của tôi được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2017 với giá trị gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện giá vật tư lên cao thì để làm được lò sấy công suất tương đương như vậy phải mất gấp đôi tiền", anh Hoàng Văn Đạt chia sẻ.
Anh Hoàng Văn Đạt đưa cà phê vào lò sấy của gia đình mình.
Anh Đạt cho biết thêm, từ đầu mùa cà phê đến giờ, anh đã sấy được 2 mẻ cà phê tươi, cho khối lượng nhân khoảng 5 tấn. Hiện, giá cà phê đã lên đến 130.000 đồng/kg nhân nên anh Đạt vẫn đang phân vân nên bán hay tích trữ tiếp tục chờ lên giá.
"Tôi đang phân vân chưa biết nên bán hay chờ giá lên tiếp. Giá thời điểm này là quá cao so với những năm trước đây rồi. Thế nhưng, tôi tìm hiểu thì được biết năm 2024, thời tiết cực đoan nên sản lượng cà phê thế giới giảm.
Chính vì vậy, giá cà phê đã lên rất cao, dự kiến còn tiếp tục tăng. Tôi dự định sẽ bán đi một phần để trang trải tiền công thu hoạch và công việc gia đình. Phần còn lại sẽ tiếp tục gửi đại lý để chờ giá lên hoặc ổn định trở lại", anh Đạt chia sẻ.
Anh Đạt cho biết, lò sấy của anh công suất tối đa sấy được 14 tấn cà phê tươi, sau khoảng 18-24 tiếng cà phê sẽ khô. Sau đó, anh đưa vào máy chà để chà bỏ vỏ, sản lượng nhân đạt hơn 3 tấn mỗi mẻ sấy.
Hạn chế bán cà phê tươi
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Được (thôn Phúc Tiến, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) cho hay, hàng năm, cà phê thu hoạch được anh đều bán tươi. Tuy nhiên, năm nay anh sẽ làm việc với đại lý thu mua cà phê để quy đổi từ cà phê tươi sang cà phê nhân hoặc phơi khô, sơ chế ra nhân xô rồi mới bán.
"Hiện, các đại lý đã thu mua cà phê nhân với giá khoảng 130.000 đồng/kg, giá cà phê tươi cũng được mua với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg thế nhưng tôi vẫn chưa thu hoạch vì muốn để chín thêm. Như mọi năm tôi thuê người hái, mỗi ngày được bao nhiêu tấn thì sẽ bán cho đại lý ngày đó luôn, nhưng năm nay tôi sẽ không bán như thế nữa.
Dự kiến năm 2024, anh Được thu hoạch được khoảng trên 8 tấn cà phê nhân.
Dự kiến năm nay tôi được khoảng 8 tấn cà phê nhân. Một số đại lý hiện cũng đã nhận quy đổi 4,65kg tươi sang 1kg cà phê nhân cho người dân.
Dự kiến tôi cũng sẽ chọn phương án này để đổi cà phê tươi sang cà phê nhân. Được bao nhiêu là tôi bán bấy nhiêu, theo giá từng ngày để đảm bảo "an toàn", anh Được chia sẻ.
Theo anh Được, nhiều năm qua, trên địa bàn Tây Nguyên thường có tình trạng nhiều người dân ký gửi tại các đại lý thu mua cà phê hàng trăm tấn cà phê, thế nhưng sau đó đại lý đột nhiên tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả.
Chính vì vậy, nhiều người dân bắt đầu "đề phòng", ký gửi ít hoặc không gửi cà phê cho đại lý nữa. Người dân thường tích trữ cà phê ở nhà hay gửi ở những đại lý uy tín tại địa phương, khi được giá sẽ bán.
Một phương án nữa được nhiều người dân lựa chọn là sau khi thu hoạch cà phê về sẽ được đổ ra sân phơi. Khi cà phê khô sẽ đưa vào máy chà để chà ra nhân. Tuy nhiên, phương án này tốn nhân công và tương đối vất vả, vì vậy người dân đang dần chuyển qua phương án quy đổi cà phê tươi sang cà phê nhân với đại lý.
Hiện, giá cà phê cao kỷ lục, đạt đến 130.000 đồng/kg.
Hiện nay, do giá cà phê lên cao nên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện các vụ hái trộm cà phê. Người dân và lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ được nhiều đối tượng hái trộm cà phê rồi mang đi tiêu thụ.
Tại huyện Lâm Hà, Công an huyện đã giao cho công an các xã, thị trấn trong huyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng quân sự xã, phát huy tốt vai trò của các tổ tự quản về an ninh trật tự, tổ dân nuôi, dân cử, tuần tra kiểm soát 24/24h trong ngày, nhất là vào thời gian cao điểm thu hoạch cà phê.
Công an các địa phương cũng khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ tài sản của gia đình, hàng xóm. Khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.