Giá gạo giảm, xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo khó duy trì mức cao

Giá gạo giảm, xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo khó duy trì mức cao

14:47 - 21/01/2025

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Nguyễn Ngọc Nam, cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 7,5 triệu tấn trong năm nay, giảm so với mức kỷ lục 9,04 triệu tấn vào năm ngoái. Giá gạo châu Á hiện cũng giảm mạnh.

Một doanh nghiệp bị thu hồi mã số vùng trồng lên tiếng
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Lần đầu tiên giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới, Cục chức năng của Bộ Công thương lý giải tại sao
Lào Cai cung ứng đủ nhu cầu rau xanh dịp Tết
Ở Lào Cai dân trồng thứ cây tốt um, cuối năm tàn tạ, cuốc một nhát bật lên mỗi một củ, thiên hạ bất ngờ

Giá gạo chạm "đáy" 

Trong tuần này, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 431-440 USD/tấn, chạm ngưỡng thấp nhất kể từ ngày 20/7/2023, giảm so với mức giá 436-442 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được chào bán từ 435-442 USD/tấn.

 

Thị trường Ấn Độ đang "tràn ngập" gạo. Lượng gạo dành cho xuất khẩu hiện cao hơn đáng kể so với dự kiến của ngành cách đây hai tháng.

Lượng gạo dự trữ của Ấn Độ vào đầu tháng 1/2025 đạt mức kỷ lục 60,9 triệu tấn, gấp 8 lần mục tiêu của chính phủ. Trong khi đó, đồng rupee đã chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong tuần này, làm tăng đáng kể lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tiếp tục giảm xuống còn 460 - 464 USD/tấn, thấp hơn đáng kể so với giá 485 USD/tấn của tuần trước.

Tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu bình giá so với cuối tuần. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 419 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 395 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 326 USD/tấn. Tuy nhiên so với đầu tuần trước giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn xu hướng giảm. Đầu tuần trước, gạo 5% tấm của ta còn được chào bán ở mức 422 USD/tấn, giảm so với mức 460 USD/tấn của một tuần trước đó nữa.

Giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không biến động nhiều, thị trường lượng ít, gạo nguyên liệu quay đầu giảm, lúa chững giá. Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, hiện gạo nguyên liệu OM 380 giảm 100 đồng dao động ở mức 7.500 -7.600 đồng/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800-9.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 giảm 200 đồng dao động ở mức 7.600-7.800 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 9.700 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, hiện giá lúa IR 50404 (tươi) dao động ở mức 6.200 - 6.400 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động ở mốc 6.500 - 6.700; lúa OM 18 (tươi) dao động ở mốc 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 (tươi) dao động ở mốc 7.600 – 7.800; lúa OM 380 ở mức 6.600 -6.700 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 9.200 đồng/kg. Ghi nhận tại nhiều địa phương hôm nay nguồn có ít, giao dịch lúa mới vẫn chậm. 

Giá gạo chạm đáy 18 tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo giảm cả triệu tấn trong năm nay - Ảnh 1.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, giá gạo giảm là do nhu cầu từ Indonesia và Philippines giảm, cùng với việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo, đã khiến ngành hàng lúa gạo rơi vào thực trạng cung vượt cầu.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Ấn Độ đã nới lỏng cũng như dỡ bỏ những biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo, bỏ thuế xuất khẩu gạo hoặc áp đặt dừng xuất khẩu gạo đối với một số chủng loại. Khi Ấn Độ có động thái xả gạo ra thị trường như vậy thì đương nhiên giá gạo trên thế giới cũng có biến động theo chiều hướng giảm".

Bên cạnh đó, Philippines, Trung Quốc đang nghỉ Tết dẫn đến nguồn cầu của thị trường giảm đi. Trong khi nguồn cung mùa thu hoạch của ta dồi dào đã làm cho giá gạo giảm xuống.

Bà Bùi Thị Bích Phương - Giám đốc Khối Quản lý rủi ro, Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết: Việc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại với nguồn cung dồi dào và giá cả cạnh tranh đã tác động mạnh lên thị trường gạo toàn cầu, trong đó có Việt Nam không chỉ riêng năm 2024 mà còn cả năm 2025. Do đó, nhiều khả năng giá gạo thế giới sẽ còn tiếp tục thấp, nhất là khi một số nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Indonesia tuyên bố cắt giảm hoặc tạm ngưng nhập khẩu gạo trong thời gian tới. 

Tăng trưởng xuất khẩu gạo dự báo khó duy trì cao trong năm 2025

Năm 2024 là một năm được mùa được giá của ngành gạo Việt Nam với xuất khẩu đạt mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này được dự báo sẽ khó duy trì trong năm 2025 do giá gạo lao dốc, nhu cầu thị trường suy yếu và cạnh tranh gia tăng giữa các nguồn cung cấp.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 9 triệu tấn gạo trong năm 2024, thu về 5,67 tỷ USD, tăng 11,1% về lượng và tăng đến 21,2% về kim ngạch so với năm 2023. 

Giá gạo chạm đáy 18 tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo giảm cả triệu tấn trong năm nay - Ảnh 2.

Sau khi đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Nguyên nhân là do nhu cầu suy yếu trong khi cạnh tranh gia tăng giữa các nước sản xuất.

Tính đến nửa đầu tháng 1/2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua do nhu cầu suy yếu, trong khi giá gạo Ấn Độ ở gần mức thấp nhất trong 18 tháng và Thái Lan chạm đáy kể từ tháng 4/2023.

Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.

Trong hai năm qua, tồn kho của Ấn Độ lớn vì họ siết chặt việc xuất khẩu gạo ra toàn cầu. Do đó thời gian tới, khi nước này nới lỏng các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực đối với các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa trước khi vào vụ thu hoạch, giá gạo Việt tương đối cao nên nhiều nhà nhập khẩu dịch chuyển sang các nước khác để mua hàng sớm hơn.

Trong năm 2025, giá gạo có thể thấp hơn năm 2023 - 2024 và có khả năng thấp hơn cả năm 2022 hoặc chỉ cao hơn một chút. Dịp cuối năm dương lịch đến nay nhiều quốc gia trồng lúa lớn bước vào mùa vụ thu hoạch, trong đó có Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân khiến giá gạo Việt Nam sụt nhanh.

Tại Philippines, nhiều ngày qua chính phủ nước này đã siết chặt vấn đề giá gạo nên các bộ ngành đang tăng cường rà soát lại thị trường.

Các nhà nhập khẩu cũng đang thận trọng, đồng thời tâm lý của các nhà nhập khẩu cũng có nhiều nguồn mới nên họ cũng không vội ký với Việt Nam. Do đó đơn hàng gạo cuối năm ký giao trong dịp đầu năm nay chưa nhiều. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, biến động bất lợi của giá gạo sẽ không gây ra thiệt hại lớn, nhất là khi doanh nghiệp xuất khẩu và ngành chức năng chủ động giải pháp ổn định thu mua dự trữ hợp lý nguồn lúa gạo, nguyên liệu trong dân.

Các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ngân hàng Nhà nước có chính sách về tín dụng. Trong đó làm sao để cung nguồn tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình thu mua lúa gạo của nông dân. Việc này là hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, gián tiếp thông qua doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tin tưởng các nhà nhập khẩu gạo các thị trường truyền thống sẽ sớm ký kết hợp đồng trở lại. Bởi cùng với lợi thế thuận tiện vận chuyển mua bán, hạt gạo thơm ngon chất lượng, thì giá cả cạnh tranh hợp lý, càng giúp hạt gạo Việt Nam giữ vững thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Nguyễn Ngọc Nam, cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 7,5 triệu tấn trong năm nay, giảm so với mức kỷ lục 9,04 triệu tấn vào năm ngoái.

Theo ông Nam, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay sẽ đối mặt với thách thức do nguồn cung tăng từ Ấn Độ và nỗ lực cắt giảm nhập khẩu của Indonesia. Tuy nhiên, triển vọng tăng xuất khẩu sang Trung Quốc đang trở nên sáng sủa hơn.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với các thị trường chính là Philippines và Indonesia.